Tiếng đàn môi
(Baonghean) - Thật hiếm có một thứ nhạc cụ nào kỳ lạ như chiếc đàn môi. Bé nhỏ chỉ bằng chiếc lá tre, đàn môi lại không kém phần tinh xảo so với những loại nhạc khí hiện đại. Tuy vậy, ngày nay thứ nhạc cụ này ít được giới trẻ biết đến. Ở miền Tây Nghệ An hiện nay đàn môi chỉ còn có thể tìm thấy trong rất ít cộng đồng người Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn...
Một số tài liệu từ báo chí cho thấy ở Anh, Pháp và một số nước châu Âu, có sử dụng đàn môi và những nhạc cụ tương tự như đàn môi. Ở một số quốc gia Đông Nam Á, các thầy thuốc dùng âm thanh huyền bí của chiếc đàn môi để trị bệnh. Có nhiều cộng đồng thiểu số ở nước ta như người Mông, người Gia Rai, Thái… với khoảng 10 loại đàn môi khác nhau được làm từ tre nứa và kim khí, phổ biến nhất vẫn làm từ kim loại đồng. Đàn môi bằng đồng bền và có độ rung cao hơn so với khi được làm bằng tre nứa. Trong truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dăn người yêu) của người Thái, chàng trai nghèo trước khi quyết chí đi buôn kiếm tiền cưới người mình yêu đã tặng chiếc đàn môi để sau này nhận mặt nhau: “Đôi ta yêu nhau anh gửi chiếc đàn môi đồng/ Còn thương nhau đàn môi đồng chờ mãi/ Mai sau duyên đến hãy đem ra nhận mặt…” (bản dịch). Về sau, chàng trai tình cờ tìm được người yêu bị đem bán ngoài chợ. Chàng mua nàng chỉ bằng ba bó lá dong đem về làm người ở. Trong một đêm buồn nhớ người tình cũ, cô gái đem cây đàn ra thổi. Lúc này, họ mới “nhận mặt” được nhau và nối lại mối lương duyên đã trải qua nhiều trắc trở. Câu chuyện này chứng tỏ chiếc đàn môi từng rất phổ biến trong các cộng đồng người Thái ngày trước.
Chiếc đàn môi. Ảnh: Lang Lương |
Khi đi tìm các nhạc cụ của người thiểu số vùng cao, chúng tôi nghe các cụ cao niên và người nghiên cứu văn hóa Thái ở Quỳ Hợp cho biết, bà con Thái bản địa gọi đàn môi là “m’tẩn” và gảy đàn môi là “tói tẩn”. Thế nhưng, tại nhiều làng bản người Thái ở khắp các huyện miền Tây Nghệ An, chúng tôi không còn tìm được chiếc đàn môi nào. Cụ ông La Văn Ba, trú bản Sơn Hà (Tà Cạ - Kỳ Sơn), một người rất ham mê các nhạc cụ dân tộc thiểu số cho biết: Lâu lâu, ông có về quê gốc ở tỉnh Sơn La, chỉ thấy những người trung niên, cao niên là còn biết thổi đàn môi. Ở Kỳ Sơn chỉ còn cộng đồng người Mông ở bản Hòa Sơn, gần bản của ông Ba, là vẫn còn giữ được đàn môi.
Chúng tôi tìm vào bản Hòa Sơn (Tà Cạ - Kỳ Sơn). Dân bản khoe rằng, đây là bản văn hóa đầu tiên của cả huyện này đấy. Hỏi về đàn môi, bà con lai cho hay, ở đây còn một vài nhà có người biết thổi. Trong số đó có chị Hạ Y Nênh, giỏi nhất nhì bản. Chị Y Nênh lấy chồng sớm, còn khá trẻ, đã có con dâu, con rể và một đàn cháu. Chị chơi đàn môi từ ngày còn con gái. Thế nhưng trong nhà chị vẫn cất chiếc đàn môi để giữ lại kỷ niệm. Chị Y Nênh khoe với chúng tôi chiếc đàn môi đã giữ hàng chục năm nay. Thứ nhạc cụ gồm một lá đồng có chiếc lưỡi gà. Người Mông gọi đàn môi là “tran già”. Khi gảy, tay trái cầm đàn ghé sát vào giữa 2 môi gần hàm răng, tay trái gảy vào một đầu của đàn. Tiếng nhạc được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa tần số giao động của chiếc đàn và hơi từ miệng của người chơi. Thậm chí, các nghệ sỹ chơi đàn còn tạo nên những âm thanh phát ra từ vòm miệng để bản nhạc thêm phần thú vị.
Chồng chị Y Nênh là ông Mùa Bá Hùa, kể lại thời trai trẻ của mình: Ngày trước, con trai con gái Mông chưa biết viết thư tình, cũng chưa có điện thoại di động. Con trai Mông khi cảm mến một cô gái nào đó, đêm về sẽ mang theo chiếc đàn môi đến bức vách phía ngoài buồng ngủ của cô gái. Chàng trai gảy lên những bản tình ca hay nhất, cho đến khi cô gái chịu đẩy cửa ra cùng tâm tình. Nếu cô gái cũng biết gảy đàn môi sẽ đáp lại bằng tiếng đàn. Cô gái chơi đàn bằng những giai điệu nhiều ngụ ý khác nhau mà chỉ cộng đồng Mông mới hiểu. Qua những giai điệu, hai bên sẽ hiểu được tâm tình đối phương. Ngày trước, những chàng trai Mông đến tuổi đi tìm hiểu, đêm về không được phép vào nhà con gái. Dùng khèn thổi thì sợ động đến giấc ngủ của người khác. Thế nên, con trai Mông chọn đàn môi để gửi gắm tâm sự. Tiếng đàn trong đêm là lời trai gái Mông “nói nhỏ” với nhau khi đã trở nên thân thiết. Nghe được những giai điệu quen thuộc, cô gái sẽ tiến lại gần bức vách tình tự với người mình yêu. Lúc đầu, hai bên chỉ nói chuyện cùng nhau qua những kẽ hở trên bức vách. Cho đến một ngày cảm thấy có thể tin tưởng được đối phương, cô gái mới giám đẩy cửa đi ra ngoài ngồi tình tự...
Trong những mùa hội xuân, trai gái ở bản Mông không phải đi nương làm rẫy. Họ dành những ngày nghỉ tết đi hội ném pao. Con trai Mông không chỉ mang theo khèn mà cả chiếc đàn môi. Thường thì chỉ có các chàng trai biết chơi khèn. Với chiếc đàn môi, những cuộc giao duyên sẽ trở nên sôi nổi hơn khi các cô gái cũng thổi đàn đáp lại những bài tình ca của cánh con trai. Vì thế, cuộc vui tưởng như muốn kéo dài mãi suốt những ngày xuân.
Theo ông Mùa Bá Hùa, những người thổi đàn môi giỏi được cộng đồng mến mộ. Nếu là người Mông, họ biết lắng nghe từng giai điệu của chiếc đàn và nhận biết được những người có tài thực sự. Đàn môi không phải là một nhạc cụ dễ sử dụng, chỉ những ai có sự khổ luyện thực sự mới chơi hay như chị Y Nênh. Là cộng đồng trọng thực tài, người Mông sẽ không dễ gì khen một người chơi đàn hay. Phải là cái hay đích thực mới được cộng đồng công nhận.
Chị Hạ Y Nênh thổi đàn môi. Ảnh: Lang Lương |
Ở bản Hòa Sơn bây giờ không còn nhiều người chơi được đàn môi. Người trẻ trong bản vẫn nghe nhạc Mông, các chàng trai khi lớn lên vẫn học múa khèn. Thế nhưng, đàn môi thì không còn mấy ai ưa thích. Những người như chị Y Nênh cũng chỉ giữ cho mình chiếc đàn môi như là một kỷ vật. Ông Mùa Bá Hùa giải thích rằng, nguyên do khiến lớp trẻ ngày nay không ưa thích chiếc đàn môi nữa một phần là do xu hướng sống hiện đại tác động đến lối sống của những người trẻ. Đàn môi, vốn là một nhạc cụ trai gái gửi gắm tâm sự, ngày nay đã có nhiều phương thức khác để các bạn trẻ tiếp cận nhau. Họ đã được thoải mái hơn trong tìm hiểu. Mọi lời nhắn nhủ có thể gửi đi dễ dàng chỉ với một tin nhắn.
Nhu cầu dùng đàn môi trong cộng đồng kể cả với người Mông đang dần ít đi, tại các phiên chợ vùng cao ở Nậm Cắn, Huồi Tụ dần thưa vắng. Ông Bá Hùa cho biết: Mấy năm trước, đi chợ biên giới vẫn còn thấy người Lào đưa xuống bán. Còn bây giờ, có chăm đi chợ cũng khó có thể tìm được một người bán đàn môi?!
Việc chế tác nhạc cụ này cũng là một điều khó khăn. Nhìn kiểu dáng bề ngoài, có người sẽ cho rằng chiếc đàn môi được sản xuất bằng máy móc công nghiệp. Kỳ thực, chiếc đàn được làm hoàn toàn do đôi tay của những thợ thủ công. Chỉ những thợ kéo tay mới có thể rèn được chiếc đàn môi dù nó chỉ nhỏ xíu.
Cũng theo ông Bá Hùa, từ nhiều năm nay, trên các làng bản Mông không còn ai chế tác đàn môi. Những người chơi đàn thường tìm mua từ các chợ phiên, hoặc từ các lái buôn người Lào. Thỉnh thoảng, họ vẫn lui tới các bản làng bán khèn Mông và các hàng thổ cẩm...
Hữu Vi