Tiếng hát người miệt biển

22/01/2015 21:33

(Baonghean) - Có nhiều cách giải nghĩa về địa danh Cửa Lò, trong đó, tôi có phần tâm đắc nhất với sự phân tích nôm na này: Do chỗ con sông Cấm chảy ra biển giữa một bên là dãy núi của xã Nghi Thiết, một bên là dãy núi Lô Sơn thuộc phường Nghi Tân - TX. Cửa Lò, nên khi gió biển thổi vào cũng như gió từ hướng Tây thổi ra biển, người ta thấy nơi đây như một cửa gió lùa. Từ cửa gió lùa, người ta gọi gọn lại là Cửa Lùa, về sau thành Cửa Lò…?

Cửa Lùa là vùng đất cổ ven biển, với cấu tạo địa chất được tạo thành bởi phù sa sông Cấm cần mẫn bồi đắp qua năm tháng để rồi nối liền với phù sa sông Lam ở phía Nam. Định danh vùng đất cổ, là bởi nhiều cuộc thăm dò khảo cổ học đã “gặp” các mỏ than bùn trên địa phận làng Cẩm Trường, lại còn tìm được cả một chiếc mỏ neo thuyền đi biển xưa xa dưới lòng đất xứ xã Đoài. Hơn trăm năm về trước, vạn sự đã u u minh minh, chúng ta chỉ có thể “nhìn” không gian xưa cũ ấy qua các tài liệu lịch sử mà những nhà nghiên cứu kỳ công để lại, thì thấy Cửa Lùa là làng chài nghèo heo hút, thưa thớt dân cư sinh sống trên dải biển dài và những rừng cây hoang dại xung quanh.

Buổi tập hát của những người yêu dân ca phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò.
Buổi tập hát của những người yêu dân ca phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò.

Kể từ năm 1469, khi vị Thái úy, Quận công, Phò mã Nguyễn Sư Hồi được phong làm Trấn thủ thập nhị hải môn (trấn giữ 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng) vào Cửa Lùa khai hoang, lập ấp, tạo nên một vệt làng biển với những Vạn Lộc, Tân Lộc… vững chãi trong thế “hổ phục rồng chầu”, mang tính chất là tiền đồn phía Đông đất Nghệ đến nay đã hơn 500 năm. Ngần ấy thời gian, trải bao biến động đau thương và anh dũng, vệt làng ấy đã bất khuất tồn tại và vươn thành đô thị du lịch biển, sáng lên những vận hội trong tương lai.

Cái cách giải nghĩa Cửa Lùa theo truyền khẩu dân gian đã khoác lên mình sự mầu nhiệm lạ kỳ, hẳn cái cửa ấy, trong thời đại này, đã trở thành lối vào rộng mở thênh thang cho sự hội nhập thế giới. Chẳng thế mà từ làng chài nhỏ bé và nghèo hút miệt miền Trung, Cửa Lò đã được Tổ chức Du lịch thế giới phong tặng là “bãi biển đẹp nhất miền Bắc Việt Nam”. Ngoài sự mong nhớ hiện rõ nét ấy, họ còn đăm đắm với tiểu vùng văn hóa đặc sắc nơi đây, mà bất chấp những hội nhập hay thế giới phẳng, vẫn không “lùa” đi, làm phai nhạt đi được. Sự hội tụ nhiều núi và đảo, những đền, chùa, miếu, mạo ẩn chứa những truyền thuyết tâm linh, phả vào cuộc sống cư dân nét văn hóa làng đặc sắc, chắt chiu năm tháng thành tinh hoa nếp cổ của vùng chân sóng mặn mòi.

Trên địa bàn Thị xã Cửa Lò, có nhiều di tích lịch sử- văn hóa mang đậm dấu ấn tâm linh của người miệt biển. Đền Vạn Lộc, đền làng Mai Bảng, đền làng Yên Lương… trở thành nơi gửi gắm tâm thức dân biển truyền đời. Mỗi năm vài ngày lễ trọng, người miệt biển tạm gác thuyền về bến, hẹn khơi xa ngày này tháng nọ để chủ nhân trở về cúi mình dưới linh thiêng hương khói, cầu mong cho cá bạc đầy khoang, sóng yên biển lặng. Tôi đồ rằng, can qua bao dữ dằn bão táp, cư dân nơi đây càng nhận ra tình yêu bất diệt dành cho non nước quê hương, càng lớn lên niềm tự hào và niềm tin vào những giá trị tâm linh vĩnh hằng đặc trưng của địa phương mình. Nếu không tin, thì hãy thử về miệt biển những ngày hội lớn, những lễ cầu ngư, để thấy người nơi đây ăm ắp tình đất, tình người đến thế nào.

Tôi đã trò chuyện với ông Nguyễn Cảnh Trung (khối 4, Nghi Thủy) về chất văn hóa của miệt biển cổ kính ấy trong không gian rợp cờ phướn rực rỡ những ngày giáp Tết. Ông Trung là cựu chiến binh, cũng là “cựu” ngư dân bình dị như bao người khác ở làng chài này, và ở ông dường như đủ đầy những nét tính cách đặc trưng của con người nơi đầu sóng, ngọn gió. Ông bảo, ngoài văn hóa tâm linh, nhân dân biển Cửa Lò còn thấm đẫm chất văn hóa, văn nghệ đặc sắc, sống chan hòa, đoàn kết trong lời ca, tiếng hát dâng biển, dâng đời. Năm nay ngót nghét lục tuần, ông Trung vóc người cao lớn, giọng nói vạm vỡ, hào sảng, dáng điệu tự tin vẻ kiêu bạc của người biển can trường. Ông vốn gốc người Nghi Thủy, âm điệu từng lời đặc sánh chất làng, nhớ về ký ức con tàu và biển cả với bao gian nguy lênh đênh khơi xa mà nhẹ như bẫng! “Tàu tôi đi đến tận Bạch Long Vĩ, cả những ngư trường trong vùng đánh bắt chung Việt Nam- Trung Quốc. Có những chuyến đi hàng tháng trời, gió bão lốc xoáy từng trải cả. Đến khi biển cả chê tuổi già, tôi mới nén bụng lui về. Cũng mất một thời gian lơ mơ trên đất liền đấy, quen dập dềnh sóng nước rồi…”.

Lui về hậu phương, tâm trí vẫn hướng về những cánh buồm, những mũi thuyền rẽ sóng. Thế là, ông làm một việc ngỡ như không thể với những ngư dân đã quen “ăn sóng, nói gió”, đó là… sáng tác ví, giặm để phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động trên các tàu, thuyền lộng, khơi và cả đội ngũ các bà, các chị buôn thúng, bán mẹt ở các ngôi chợ đầu mối hải sản trên địa bàn. Ông nói về bước ngoặt thú vị này cũng dễ như bỡn: “Tôi được trời cho cái tính hay hát, còn hát thì cũng tàm tạm thôi. Đàn tôi chơi được 4,5 loại: đàn bầu, đàn nguyệt, nhị, đàn ghi ta… Tôi thích hát dân ca và nghĩ rằng, dân ca thì bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người dân. Mình ở đây có chất liệu dồi dào là nghề biển, hơn ai hết, mình hiểu nghề biển, người biển đến tận xương tủy. Cứ thế mà “bê” vô thôi!” Nói đoạn, ông cười sảng khoái, tay với chiếc đàn nguyệt tửng từng tưng một khúc hò bơi thuyền. Thứ nhạc khí dây gảy mỏng manh ấy trong đôi tay ông nảy lên sự dày dặn, sôi động, khỏe khoắn lạ kỳ.

Từ khơi vô lộng

Nhịp hò khoan sôi động trong lòng

Hò dô dô hò dô khoan dô khoan là khoan dô khoan

Vừng đông đã bừng sáng

Ta tung lưới tung chài

Bắt nhiều cá tôm tươi

Cho cuộc đời thêm đẹp

Cho quê mình thêm giàu đẹp…

Ông nói và hát say sưa như thể đang ở giữa thế giới trùng khơi khoáng đạt của riêng mình, như thể tiếng hát ấy bộc phát một cách tự nhiên, không gò ép. Mà đâu phải riêng ông, tôi biết rằng, mấy năm lại đây, người đàn ông hào sảng này đã góp phần tích cực nhân lên lời ca, điệu hát quê hương đến khắp các khối, phường trong thị xã. Đã 8 năm nay, ông lãnh chức Chủ tịch CLB Dân ca Thị xã Cửa Lò, tự quàng thêm vào mình những việc “hàng tổng” mất thời gian và công sức, cũng chỉ là để thỏa tình yêu Dân ca ví giặm, và toại cái ước nguyện đưa dân ca thấm vào hơi thở cuộc sống người lao động quê nhà. Ông bảo: “Đến nay, tất cả các phường trên địa bàn thị xã đều có CLB dân ca, thành viên chủ chốt là ngư dân, tiểu thương. Tất cả sinh hoạt hội hè, vui buồn thường nhật của người dân đều được lồng ghép các làn điệu dân ca…”.

Ông Trung và những người yêu dân ca ở xứ biển này còn có ước mong mạnh bạo, là xây dựng kế hoạch đưa dân ca vào các khu chợ hải sản đầu mối, để dân ca trở thành nét văn hóa chợ gần gũi, giản dị và văn minh. “Nhiều người bảo khó, tôi cho rằng không khó. Bởi dân ca là cuộc sống lao động, chỉ cần mình tâm huyết với làn điệu quê hương, mình sẽ nhận ra trong lao động đã toát lên vẻ đẹp. “Bắt” được vẻ đẹp trong sáng, khỏe khoắn ấy là có ngay vần điệu nhịp nhàng rồi. Mà bà con tiểu thương ở chợ cũng yêu khúc hát dân ca lắm.”, ông Nguyễn Cảnh Trung khẳng định. Và ông cho rằng, giữ được phong trào văn nghệ dân gian này, là một cách nhân lên những giá trị tốt đẹp trong văn hóa làng biển, trở thành điểm nhấn du lịch của đô thị biển mai kia.

Nói rồi, ông dẫn tôi ra chợ đầu mối hải sản Nghi Thủy. Xế trưa, ngôi chợ đầu mối đã bắt đầu vãn khách. Chợ chỉ họp nhộn lên chút đỉnh lúc tảng sáng, còn thời gian trong ngày, tiểu thương bán nhì nhằng cho khách lẻ. Chợ thơm nồng mùi cá nướng, quyện những tanh tao tôm, mực, ghẹ… tươi sống quẫy tanh tách trong chậu sục khí. Thấy dáng ông Trung lừng lững từ xa, các bà, các chị đã rộn rã cất lời hát như sự chào mừng:

Chúng em vui đan lưới

Nghề truyền thống từ bao đời

Tay thanh thoát không ngơi

Từng đường kim mũi chỉ…

Thì ra, đây là một đoạn trong tổ khúc dân ca do ông Trung sáng tác, mà các bà, các chị đã thuộc làu qua nhiều lần hội diễn cơ sở. Chị Nguyễn Thị Hải - một tiểu thương ở chợ, cười rạng rỡ chia sẻ về sự say mê của mình dành cho điệu hát quê hương, mà bất chấp cả những toan tính buổi chợ mưu sinh, chị và những người cùng nghề vẫn cất lên mỗi ngày: “Lúc mô rỗi là hát, hát cho quên mệt nhọc vất vả, để thấy đời thêm đẹp thêm tươi. Nhìn bọn tui lầm lũi ri thôi, chơ có hội diễn là bỏ gánh mẹt ở nhà, khoác áo váy lên sân khấu vô tư”. Chị Hải bảo, gia đình chị cả hai vợ chồng đều là “ca sỹ” dân ca của khối, phường. Vào các dịp lễ cầu ngư hoặc lễ đền làng, hai vợ chồng còn cùng với câu lạc bộ dân ca biểu diễn các tiết mục hát dân ca phù hợp với thuần phong mỹ tục và đáp ứng đời sống tinh thần- tâm linh của bà con.

Chuyện văn hóa làng biển còn miên man mãi đến khi chiều đã về bên kia bờ sóng. Tôi lại nhớ đến cái tên Cửa Lùa mộc mạc, và thấy thấm thía trong lòng sự hòa hợp, hội tụ văn hóa đặc sắc miệt biển khơi xinh đẹp này. Hòa hợp các giá trị tân thời để nâng tầm đô thị du lịch biển, nhưng không hòa tan trước sự ồ ạt, xô bồ của cơn bão thời đại. Dường như, người dân nơi đây vẫn ý thức nâng niu các giá trị truyền thống, để đồng điệu trong tâm hồn mỗi người biển nét làng tuổi ngót ngàn năm…

Phương Chi

Mới nhất

x
Tiếng hát người miệt biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO