Tiếng nói chung trong vấn đề an ninh truyền thống

11/05/2015 08:58

(Baonghean) - Từ 11/5, Báo Nghệ An mở chuyên mục “Hướng tới cộng đồng chung ASEAN” vào thứ Hai hàng tuần nhằm cung cấp thêm thông tin về những thuận lợi cũng như thách thức khi các nước khu vực Đông Nam Á hình thành một cộng đồng chung vào ngày 31/12/2015.

Số đầu tiên sẽ khái quát lại quá trình phát triển của cộng đồng ASEAN cũng như đánh giá những thách thức, nhiệm vụ đặt ra trước mắt...

Các quan chức cấp cao ASEAN trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN  lần thứ 26 (tháng 4/2015).
Các quan chức cấp cao ASEAN trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26

Cách đây gần 5 thập kỷ (8/8/1967), 5/10 quốc gia khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines đã ra tuyên bố thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Sau gần năm thập kỷ phát triển của ASEAN, dễ dàng nhận thấy những thay đổi, đặc biệt là về tổ chức với 10 quốc gia và 2 quan sát viên (Papua Niu Ghinê, Đông Timo).

Đối với Việt Nam, ngay sau khi đất nước thống nhất, chúng ta đã mở rộng mối quan hệ cùng các nước thành viên ASEAN với mong muốn trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Mối quan hệ đó đã phát triển nhanh chóng trên cả song phương lẫn đa phương. Và đến ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Sự kiện này là một dấu son trên con đường hội nhập khu vực và thế giới, đưa nước ta tiến lên trên con đường xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong lịch sử phát triển của ASEAN, đặc biệt là trong thời gian gần đây, ASEAN đã phát huy vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác an ninh khu vực, được các nước, đặc biệt là các nước đối tác, các nước lớn thừa nhận và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Cần lưu ý, tiêu chí của ASEAN về lĩnh vực chính trị - an ninh rất rõ ràng và được thể hiện trong Hiến chương ASEAN "ASEAN không phải là một liên minh quân sự". Tuy nhiên, mối đe doạ vũ lực tiềm tàng từ người láng giềng Trung Quốc có lẽ sẽ khiến cộng đồng ASEAN cần đến một giải pháp hữu hiệu hơn hiện nay.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, liên tục dùng sức mạnh để áp đặt các yêu sách biển đảo của họ, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Một số động thái của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến công luận khu vực và quốc tế bất bình trong thời gian qua là vụ tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền; ngang nhiên đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam trong vòng hai tháng rưỡi;…

Gần đây Trung Quốc ngày càng có những hành động táo tợn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Điển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh cho rằng Việt Nam đã mở rộng, bồi đắp lấn biển quy mô lớn tại các đảo, đá mà theo phía Trung Quốc, Việt Nam “chiếm giữ” ở Biển Đông. Mới đây, ngày 7/5, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang nhiên tuyên bố rằng nước này không loại trừ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp và các đảo ở Biển Đông.

Rõ ràng nếu kịch bản trên xảy ra, sẽ đặt tình hình an ninh - chính trị - kinh tế của cả khu vực vào tình trạng nguy hiểm. Tìm ra giải pháp để bảo toàn an ninh hoà bình ổn định khu vực chính là vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra đối với cộng đồng chung ASEAN. Gác lại những lợi ích riêng, hướng đến một khối cùng nhau phát triển ổn định, củng cố mối liên kết và hỗ trợ lẫn nhau chính là chìa khoá để nâng tầm tiếng nói chung của cả khối. Khi đó, quan điểm, cách nhìn của cộng đồng mới có sức nặng trên trường quốc tế, đủ để đối đầu với những mối nguy hiểm đe doạ đến sự ổn định, thịnh vượng chung.

Cảnh Nam

Mới nhất
x
Tiếng nói chung trong vấn đề an ninh truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO