Tiếng vỗ tay và nút like facebook

25/10/2014 09:12

(Baonghean) - Vào năm 2013, Giải Ig Nobel (giải thưởng nhại lại giải Nobel) dành cho 10 thành tựu mà "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ" đã được công bố. Trong đó, giải Hòa bình đã được trao cho Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vì đã quy định “vỗ tay nơi công cộng là phạm pháp”, và cảnh sát nước này vì đã “bắt giữ một người đàn ông cụt một tay vì tội vỗ tay”.

Một cách phổ biến, tiếng vỗ tay thể hiện sự đồng thuận, cảm kích, ủng hộ... Tuy nhiên, không phải lúc nào tiếng vỗ tay cũng giữ nguyên giá trị và ý đồ biểu đạt như thế. Có lần, tiếng vỗ tay vang lên trong đêm nhạc giao hưởng khiến cho vị nhạc trưởng phải cau mày, có lần tiếng vỗ tay vang lên rầm rộ khiến cho vận động viên bắn súng mất tập trung. Tiếng vỗ tay, đôi khi còn là cách để người ta “đuổi khéo” một người nào đó nói dai trên sân khấu.

Tôi đã từng ngồi trong một chương trình âm nhạc mà số lượng người xem chỉ vài ba trăm người, với một khán phòng đủ nhỏ. Đêm hôm ấy, ca sỹ hát bài cuối cùng cũng là lúc đêm Hà Nội bước qua quãng 11h, ca sỹ cúi chào nhưng tiếng vỗ tay dài, vang không dứt của khán giá đã níu anh ở lại và trong khi ban nhạc lắc đầu xin nghỉ thì ca sỹ vẫn nán lại sân khấu để hát thêm một bài nữa, cảm ơn sự trân quý của khán giả dành cho mình.

Đôi lúc xem chương trình truyền hình thấy thương người dẫn chương trình (MC) quá, có MC khản cả cổ kêu gọi người xem vỗ tay ủng hộ, nhưng đáp lại chỉ là những tiếng lẹt đẹt đãi bôi. Trách người xem là một nhẽ, nhưng cũng có đôi lúc người biểu diễn hay MC quá tham vọng ở tiếng vỗ tay. Có ca sỹ, sau mỗi câu hát đều hú hét về phía khán giả khẩn cầu: “Vỗ tay lên các bạn ơi”.

Nhà hát lớn Hà Nội đêm ấy diễn ra Liveshow của một ca sỹ chuyên hát dòng nhạc trữ tình. Tôi ngồi cạnh một người phụ nữ đang bất lực trong việc kìm hãm sự quậy phá của đứa con nhỏ, đúng lúc đó thì tiếng vỗ tay trong khán phòng vang lên, người mẹ liền nói với con: “Con xem kìa, chú hát hay không kìa, vỗ tay đi con”. Đứa trẻ như tìm được niềm vui thú mới, cậu vừa vỗ tay vừa nói những câu gì đó không rõ. Lúc khán phòng đang tĩnh lặng du dương theo những ca từ của ca sỹ, cậu bé lại nhớ đến tiếng vỗ tay lúc nãy, bất chợt cậu đưa tay lên vỗ thật to, vỗ một cách vô thức. Trong khán phòng nhỏ của nhà hát lớn Hà Nội, một tiếng vỗ tay của con trẻ cũng đủ sức gây sự chú ý của mọi người, bất giác có tiếng vỗ theo, từ thưa thớt đến rầm rộ. Cậu bé thêm thích thú, thỉnh thoảng cậu lại đưa tay lên vỗ và khoái trá khi mọi người vỗ theo mình. Chắc chắn rằng rất nhiều người khi vỗ tay theo sự dẫn dắt của đứa trẻ ấy đã ngơ ngác tự hỏi: “Đoạn này có gì hay mà họ vỗ tay nhỉ”. Nhưng rồi kệ, mọi người vỗ thì mình cũng vỗ theo cho nó có phong trào.

Ngày nay, sự ra đời của facebook với nút like “thần thánh” cũng được ví như một tiếng vỗ tay ngoài đời thực vậy. Có những cái ấn like thể hiện sự trân trọng, đồng thuận, xuất phát từ thực tâm của người làm điều đó. Tuy nhiên, cũng không ít những cư dân mạng ấn like giống như những người nghe trong khán phòng nhà hát lớn, bị kéo theo phong trào mà không biết được nó bắt nguồn từ một đứa trẻ vỗ tay, theo cách cơ học?!

Viết Thịnh

Tiếng vỗ tay và nút like facebook
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO