Tiếp nối mạch nguồn tri ân
(Baonghean.vn) - Khu lưu niệm Phan Bội Châu những ngày trung tuần tháng 8. Nắng mật ong dát trên những tàng cây trăm tuổi, óng ánh sắc vàng trên bờ đôi mận hảo dẫn lối vào ngôi nhà liếp tranh, lưu giữ những ký ức thuở ấu thời của Cụ Phan. Tất thảy yên bình, giản dị quá, giản dị như ngày hôm nay, những hậu duệ của Cụ Phan, những người một lòng ngưỡng vọng nhân cách và sự nghiệp của Cụ, cùng có mặt tại nơi này, để đồng tâm dâng lên người con ưu tú - nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam nghĩa tình tri ân của thế hệ mai sau.
Ngôi nhà của cụ Phan Bội Châu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. |
Nghĩa tình tri ân ấy, chính là hành động kiến thiết, dựng xây, làm khang trang thêm quần thể khu lưu niệm Phan Bội Châu, xứng với tầm vóc nhân cách và sự nghiệp của nhà chí sĩ yêu nước, cách mạng, có dấu ấn lớn lao trong lịch sử dân tộc. Nói là giản dị, bởi tất cả những việc làm cao đẹp ngày hôm nay, ngọn nguồn khởi phát đều từ cái tâm trong lành của những người một lòng hướng thiện, hướng về những giá trị cốt lõi nhân văn. Giản dị và nghĩa tình thế, nên dẫu cờ hoa đỏ thắm, dẫu nhạc lễ rộn ràng, dẫu khu lưu niệm đông đúc hơn thường lệ, thì vẫn cô đọng bầu không khí tưởng nhớ linh thiêng.
Tại lễ khởi công công trình nhà tưởng niệm khu di tích Phan Bội Châu, có các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND, đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, ban giám hiệu trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hậu duệ con cháu cụ Phan cùng đông đảo cựu học sinh trường Phan. Trước lễ khởi công, các đại biểu đã cùng dâng hoa, dâng hương lên anh linh nhà chí sỹ yêu nước. Trong xã hội, họ đóng những vai trò, trọng trách khác nhau, nhưng giờ đây, dưới liếp nhà tranh đơn sơ, mộc mạc này, họ bình dị trở về là người học trò nhỏ, nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
Dưới liếp nhà tranh giản dị, mọi người thành kinh tưởng vọng một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam. |
Trong số những mái đầu nghiêng lặng trước khu di tích, có ông Phan Thiệu Cát - người cháu nội của cụ Phan Bội Châu, vừa từ Vancover (Canada) trở về từ mấy ngày trước. Trạc tuổi 70, nhưng dáng người cao lớn, ánh nhìn hiền từ, ấm áp dường như đã níu gần mọi khoảng cách thế hệ. Ông trò chuyện với mọi người có mặt ở khu di tích bằng chất giọng trầm ấm pha âm hưởng Trung bộ, bày tỏ niềm vui, nỗi xúc động lớn lao. “Đã nhiều lần trở về khu di tích của Cụ, nhưng lần này, tôi vui và xúc động quá. Vui vì khu di tích càng ngày càng được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, tôn tạo khang trang, và xúc động trước tấm lòng cao đẹp của các thế hệ học sinh của mái trường mang tên cụ Phan Bội Châu. Cuộc sống có muôn vàn nỗi lo toan, bận bịu, nhưng họ vẫn dành thời gian và tâm sức khởi nguyện công trình tâm linh ý nghĩa này. Là bậc hậu duệ của dòng họ Phan, tôi trân trọng điều đó vô cùng!”
Và người đàn ông hiền từ ấy sẻ chia, với ông, bài học nhân cách Phan Bội Châu hiện rõ ở tấm lòng biết ơn. “Từng việc làm lớn, nhỏ của Cụ Phan đều thể hiện rõ điều đó. Cụ biết ơn gia đình, quê hương, đất nước, và Cụ ra đi tìm đường cứu nước cũng xuất phát từ lòng biết ơn đau đáu ấy. Ngay cả khi Cụ bị giam cầm ở Huế, bằng khả năng của mình, Cụ đã cố gắng xây dựng, tôn tạo mộ phần của các đồng chí, đồng đội, đó cũng là hành động tỏ lòng biết ơn. Hôm nay, với hành động cùng chung tay, góp sức xây dựng nhà tưởng niệm Phan Bội Châu, các thế hệ học sinh trường Phan đã chứng tỏ sự tiếp nối truyền thống nhân văn, tỏa sáng vẻ đẹp nhân cách của những học trò tri ân người thầy vĩ đại.” - ông Phan Thiệu Cát tâm tình.
Ông Phan Thiệu Cát (người đứng giữa ảnh) trò chyện cùng các cựu học sinh trường Phan. |
... và tâm tình cùng ông Đinh Văn Thông, vị Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường mang tên nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. |
Tiếp nối mạch nguồn tri ân, biểu hiện của lòng biết ơn trước những giá trị nhân văn cao đẹp của bậc tiền nhân là ý nghĩa lớn lao của hoạt động chung tay xây dựng nhà tưởng niệm Phan Bội Châu. Phát biểu tại lễ khởi công, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trước những năm giải phóng tại thành phố Huế mộng mơ - nơi chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu an trí những năm cuối đời, học sinh trường Quốc học Huế đã có những hành động cao đẹp mà mãi mãi chúng ta còn ghi nhớ, đó là cùng nhau tổ chức bán vé số để góp tiền đúc tượng đồng cho cụ Phan Bội Châu.
Đến hôm nay, cựu học sinh trường chuyên Phan Bội Châu - ngôi trường vinh dự mang tên chí sĩ lại tiến hành huy động công đức để xây dựng nhà tưởng niệm làm nơi thờ phụng, tri ân cụ. Việc làm ấy có sức lay động mãnh liệt, chạm đến những trái tim nhân ái, nghĩa tình nên đã có rất nhiều người dẫu không phải là “cựu Phan nhân” vẫn nhiệt tình hưởng ứng mạnh mẽ. Hành động này sẽ khơi nguồn và lan tỏa đến các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức, bảo bệ và phát huy giá trị hệ thống di sản của tỉnh nhà, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc yêu cầu các ngành và đơn vị liên quan hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo quy hoạch và thẩm mỹ hài hòa, nâng tầm vóc của khu di tích lịch sử. |
Lễ khởi công nhà tưởng niệm khu di tích Phan Bội Châu, không chỉ đơn thuần là nghi lễ, nghi thức trong khuôn khổ việc xây dựng một công trình, mà xa hơn, đó còn là dịp để mọi người cùng hạnh ngộ, nhìn lại chặng đường chung tay xây dựng từ những ngày đầu mới chỉ là ý tưởng, phát tâm khởi nguyện. Ông Bành Hồng Hiển, cựu học sinh khóa 9, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, trưởng ban vận động xây dựng nhà tưởng niệm khu di tích Phan Bội Châu chia sẻ: “Ý tưởng về cuộc vận động bắt đầu từ những lần thăm viếng khu lưu niệm Phan Bội Châu, anh chị em cựu học sinh tự thấy rằng, mình cần phải làm điều gì đó cho khu lưu niệm, cho anh linh của Nhà Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Đó là trách nhiệm của những người con xứ Nghệ, của những học sinh đã từng học tập dưới mái trường được mang tên Ông. Một điều thật may mắn, trong mọi khâu từ thiết kế, phê duyệt, giám sát, thi công công trình Nhà tưởng niệm này, đều có sự tham gia trực tiếp của các cựu học sinh trường Phan.”
Ông Bành Hồng Hiển, cũng như những người bạn đồng môn của mình, gọi những hoạt động tri ân ấm áp nghĩa tình ấy là những “chuyến tàu tuổi thơ”. Chuyến tàu tuổi thơ, chở những người trò đã chẳng còn bé dại, mái tóc thoảng màu muối sương, về với cội nguồn nhân văn tự trong bản thể. Được biết, trước cuộc vận động xây dựng nhà tưởng niệm Phan Bội Châu, những cựu sinh trường Phan đã có nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như hỗ trợ các gia đình thầy, cô giáo trường Phan gặp hoàn cảnh khó khăn; chung tay xây dựng chương trình “Vì biển, đảo Tổ quốc”, đóng góp được 178 triệu đồng để thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sỹ đang chiến đấu để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và các ngư dân đang ngày đêm bám biển; tổ chức nhiều buổi biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước, nhân sự kiện loại hình âm nhạc đặc biệt của quê hương được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại …
Và gần đây nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, Ban vận động xây dựng nhà lưu niệm Phan Bội Châu đã nhận được gần 500 lượt đăng ký ủng hộ với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Ngay tại lễ khởi công, số tiền 200.000.000 của nhóm cựu học sinh trường Phan đang công tác tại Cienco 4 đã được trao cho ban tổ chức. Chuỗi sự kiện tri ân ngày một nối dài, thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình của những thế hệ học sinh vinh dự được học tập dưới mái trường mang tên nhà chí sỹ yêu nước, cách mạng Phan Bội Châu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ giáo viên, học sinh trường Phan Bội Châu. |
Các đại biểu về dự cùng chụp ảnh lưu niệm tại lễ khởi công. |
Trong hoàn cảnh ngân sách địa phương, ngân sách quốc gia còn hạn hẹp, việc xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy di tích góp phần làm cho Di sản được hồi sinh, duy trì nhịp đập của quá khứ, góp thêm sức sống cho hiện tại và tương lai, hướng tâm con người đến với lẽ huyền vi của đạo lý, đến chân - thiện - mỹ. Những hành động này phần nào có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của Di sản văn hóa dân tộc và sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước, phát triển của xã hội, duy trì tính đa dạng của Di sản văn hóa dân tộc./.
Nhóm PV