Tiếp sức cho những cánh đồng mẫu lớn

(Baonghean) - Trong 5 năm (2010 - 2015) toàn tỉnh có trên 100 mô hình cánh đồng mẫu lớn, góp phần tìm ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp. Để cánh đồng mẫu lớn tiếp tục được nhân rộng và phát triển vững chắc rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức bằng chính sách mới thiết thực và hiệu quả hơn...
Đa dạng hóa nguồn lực 
Phúc Thành là một trong những xã có truyền thống làm lúa giống lâu đời và nay là điểm sáng về cánh đồng mẫu lớn nhất Yên Thành. Mỗi vụ xã có cánh đồng lớn trên 100 ha, chiếm 20% diện tích gieo trồng của xã. Ông Nguyễn Khắc Năng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và điện năng Phúc Thành khoe: Với 100 ha làm cánh đồng mẫu lớn, trong đó khoảng 80 ha thuộc diện liên kết làm giống cho các doanh nghiệp thực sự mở ra triển vọng lớn cho sản xuất nông nghiệp. So với sản xuất lúa thường, mỗi ha lúa giống tăng từ 10 - 12 triệu đồng nên người dân rất phấn khởi.
Với thành công của cánh đồng mẫu lớn, không chỉ ngân sách hỗ trợ mà các doanh nghiệp cũng tìm đến. Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp như Tổng Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty Giống cây trồng Trung ương 1, Công ty TNHH Vĩnh Hòa... đầu tư vào sản xuất lúa giống và lúa gạo, hiện đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn về lạc, ngô và sắp tới là chè, mía. Cùng với cho ứng trước giống và vật tư phân bón, một số doanh nghiệp đã bước đầu thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Mới đây, theo Quyết định số 08/QĐ-UB/2015 của UBND tỉnh về một số chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020, một số doanh nghiệp đang bước đầu tiếp cận để đầu tư hứa hẹn cánh đồng lớn ở tỉnh ta sẽ có thêm cơ hội.
1
Cán bộ khuyến nông kiểm tra lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở xóm Nam Thịnh, xã Phúc Thành (Yên Thành).
Tại Hưng Nguyên - một trong những huyện triển khai sớm nhất chính sách cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, bà Bá Thị Dung - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Do doanh nghiệp đầu tư chưa ổn định, mỗi năm Hưng Nguyên dành khoản ngân sách 1,8 tỷ đồng để đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó 1,1 tỷ đồng triển khai cánh đồng mẫu lớn. Tiếp nối kết quả các năm trước, vụ xuân năm 2016, Hưng Nguyên triển khai 10 mô hình cánh đồng lớn tại 8 xã, mỗi mô hình từ 8- 9 ha. 
Vụ xuân này, xã Hưng Mỹ làm 10 ha tại xóm 2. Mặc dù thời gian đầu triển khai do thời tiết rét đậm, một số diện tích ngắn ngày bị ảnh hưởng nhưng nay đã phục hồi và phát triển rất tốt. Ông Lê Đình Tá – cán bộ khuyến nông xã cho biết: Phát huy kết quả vụ hè thu năm trước xã làm 20 ha khá thành công. Vụ xuân năm nay, ngoài 10 ha của huyện, xã trích ngân sách triển khai 7,5 ha nhưng bị rét hại chết hết nên chỉ còn 10 ha của huyện. Ông Ngô Văn Tý ở xóm 2, xã Hưng Mỹ là gia đình có diện tích làm cánh đồng lớn nhất xóm, gia đình ông có 6,5 sào đều làm cánh đồng mẫu lớn. Ông cho biết, lần đầu tiên làm cánh đồng lớn học được nhiều cái mới, ban đầu cũng băn khoăn nhưng được cán bộ bảo vệ thực vật và khuyến nông hướng dẫn kịp thời, lúa phát triển tốt nên cũng yên tâm hơn.
Bên cạnh kinh phí hỗ trợ từ huyện, các xã của huyện Hưng Nguyên đều dành kinh phí, hỗ trợ từ 50% - 100% và tiền vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, bình quân mỗi năm dành khoảng 20 - 80 triệu đồng từ quỹ khuyến nông để hỗ trợ nông dân. Vì vậy mặc dù đầu tư từ doanh nghiệp chưa nhiều nhưng huyện vẫn duy trì được cánh đồng mẫu lớn vài ba trăm ha. Không những vậy, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện chủ động lồng ghép, đưa giống mới vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn làm khảo nghiệm, trình diễn nếu thành công sẽ triển khai nhân rộng các vụ sau.
Còn những khó khăn 
Điều đầu tiên là cơ chế, hiện nay cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 02 đã hết hiệu lực; chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn được thực hiện theo Nghị định 62/NĐ-CP/2013 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 15 của Bộ NN &PTNT. Tuy nhiên, theo Thông tư 15, để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải qua rất nhiều thủ tục, từ làm phương án hoặc đề án để trình Sở NN & PTNT phê duyệt; doanh nghiệp phải có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu theo chu kỳ 5 năm, 10 năm… Vì quy định cứng nhắc này nên một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cho biết là rất ngại và không còn mặn mà với đầu tư vào cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, mặc dù ngân sách cũng dành kinh phí đầu tư cho cho cánh đồng lớn  cũng rất hạn hẹp, thay vì đầu tư đúng định mức là 105 triệu đồng/ha thì các huyện mới đầu tư được 50% nên năng suất chưa đạt tối đa so với yêu cầu đề ra.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới
Mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Mặt khác, về bản chất xây dựng cánh đồng mẫu lớn là xây dựng mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nhưng có những địa bàn gần như thiếu hẳn doanh nghiệp. Trong khi đó, có những vùng được doanh nghiệp đầu tư nhưng lại để mặc cho doanh nghiệp xoay xở, vai trò quản lý nhà nước và nhà khoa học chưa rõ. Khi xảy ra rủi ro hoặc sản phẩm lên giá, nông dân “bẻ kèo” bán cho người khác thì doanh nghiệp cũng gian nan. Ngược lại, sản phẩm sản xuất ra không ai bao tiêu sản phẩm, sản xuất không đảm bảo lợi nhuận thì rất khó vận động người dân làm cánh đồng lớn…
Cuối cùng là cản trở đến từ người dân: sản xuất cánh đồng lớn đồng nghĩa với “5 cùng” là cùng cánh đồng, cùng loại giống, cùng xuống giống cho đến thu hoạch cùng thời điểm nhưng việc có quá nhiều hộ tham gia trên 1 cánh đồng mà trình độ canh tác của mỗi người khác nhau nên rất khó để chỉ đạo. 

Theo ông Nguyễn Đình Hương – Phó Phòng Trồng trọt, Sở NN & PTNT: Để gỡ khó cho chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn, Sở Nông nghiệp cùng với các tỉnh đang kiến nghị Bộ NN & PTNT sớm xem xét sửa đổi Thông tư 15 theo hướng đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận được vốn hỗ trợ nhanh và kịp thời nhất. Bên cạnh đó, phải tiếp tục tuyên truyền xây dựng mối liên kết “4 nhà” chặt chẽ hơn, trong đó quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân giữ vị trí trung tâm; doanh nghiệp cùng đồng hành hỗ trợ nông dân từ đầu vào cho đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục kiện toàn HTX để làm tốt cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tích tụ ruộng đất lớn hơn nữa để tạo điều kiện sản xuất lớn, giảm bớt chi phí nhân công…

Phương Hà

tin mới

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.

Cao tốc Diễn Châu Bãi Vọt

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe thuận lợi đúng dự kiến

(Baonghean.vn) - Sau gần 2 năm triển khai thi công, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ thông xe trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này theo đúng dự kiến. Việc di chuyển từ TP.Vinh ra Hà Nội chỉ hơn 3 giờ. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhà thầu thi công dự án.