Tiếp sức đến trường

13/12/2014 14:00

(Baonghean) - Để chia sẻ với những khó khăn của học sinh đồng bào các dân tộc, từ năm học 2013 – 2014, các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đồng loạt thực hiện việc bố trí chỗ ăn, ở cho học sinh. Hoạt động này là sự tiếp sức quan trọng cho học sinh vùng biên tới trường.

Là huyện nghèo nhất cả nước, Kỳ Sơn còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế cũng như chăm lo đời sống dân sinh. Do phong tục, tập quán của đồng bào và địa hình phức tạp nên các bản ở phân tán, cách trở sông, núi. Trong hoàn cảnh đó, học sinh các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú phải gánh nặng nhiều lo toan về nơi ăn, chốn ở trên hành trình theo đuổi ước mơ con chữ. Đa phần học sinh dân tộc thiểu số đều nhà ở xa, không thể đến trường và trở về nhà trong ngày nên phải ở nhờ trong dân, số khác tự làm lán trại xung quanh trường, mang thực phẩm tự nấu ăn, trọ học. Ðiều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng tiếp thu kiến thức của các em. Thậm chí, trước khó khăn đó, nhiều em đã bỏ học giữa chừng…

Lớp học ở Trường THCS dân tộc bán trú Huồi Tụ.
Lớp học ở Trường THCS dân tộc bán trú Huồi Tụ.

Giờ đây, hành trình đến lớp của các em đã vơi đi bao khó khăn, nhọc nhằn nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước bằng việc hỗ trợ mỗi em 460 nghìn đồng và 15 kg gạo/tháng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 52,79%, thì sự hỗ trợ của Nhà nước vô cùng quý giá. Để thực hiện chính sách của Nhà nước, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã vào cuộc tích cực, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ, làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về chăm lo cho con em học tập. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 18 trường (17 trường THCS, PTCS với 3.519 học sinh, chiếm tỷ lệ 98,7% và 1 trường tiểu học có 14 em) đã được bố trí nơi ăn, chỗ ở ổn định theo chế độ học sinh bán trú.

Bước đầu thực hiện không ít trường còn bỡ ngỡ, lúng túng, song được sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo các trường đã tháo gỡ khó khăn, xây dựng bếp ăn, phòng ở cho các em. Ở trường PTCSDT bán trú Bắc Lý và Nậm Cắn mặc dù bếp đang phải dựng tạm, dụng cụ nấu ăn còn thiếu nhưng các thầy, cô đã nỗ lực tổ chức bữa ăn cho học sinh. Khó khăn đặt ra cho các trường là ở xa trung tâm, xa nguồn nước, thực phẩm khan hiếm đắt đỏ. Trong khi đó, nhiều chợ, như chợ Mường Lống và Huồi Tụ chỉ họp 2 phiên mỗi tháng. Vì thế những thời điểm mưa gió, có khi gần cả tuần các em phải sử dụng thực phẩm khô. Khó khăn chồng chất nhưng “Tất cả vì học sinh thân yêu”, cán bộ, giáo viên các trường dành tình thương và trách nhiệm cho các em. Đội ngũ giáo viên đã tập trung tuyên truyền vận động, giải thích tường tận, cặn kẽ cho các bậc phụ huynh về lợi ích và tầm quan trọng của việc các em được ăn, ở, học tập tại trường. Một số trường cán bộ, giáo viên phải bố trí ở phòng làm việc để có thêm chỗ ở cho các em. Không quản ngại khó khăn, các thầy, cô còn dành thời gian cùng học sinh lên rừng lấy gỗ về đóng phản làm chỗ nằm cho các em, lấy củi làm chất đốt, cùng các em cải tạo đất để trồng rau xanh, để tăng thêm khẩu phần ăn cho học sinh nên chất lượng bữa ăn được nâng lên.

Để đảm bảo cho các em ăn hợp khẩu vị, một số trường đã thuê người địa phương nấu ăn vì họ am hiểu tập tục, khẩu vị của học sinh, nguồn thực phẩm được mua từ những địa chỉ tin cậy đảm bảo vệ sinh, cũng như chế độ dinh dưỡng, các em luôn được duy trì thường xuyên chế độ ăn 3 bữa trong ngày. Việc triển khai tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú có sự quản lý chặt chẽ của nhà trường, có sự giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh. Ngoài ra, các trường còn phân công bố trí 1 giáo viên chuyên trách công tác bán trú, phân công đội ngũ giáo viên trực bán trú để quản lý lớp, giúp đỡ các em ăn ở, sinh hoạt, đặc biệt là quản lý học vào ban đêm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã xây dựng thời gian biểu sinh hoạt và học tập hằng ngày cho học sinh, phụ đạo học sinh yếu kém, quản lý giờ tự học của học sinh vào các buổi ngoài giờ học chính khóa và các buổi tối...

Theo đánh giá, từ khi tổ chức ăn bán trú, phong trào giáo dục của các trường có chuyển biến tốt, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, xin về nhà lấy lương thực; các em có nhiều thời gian để học tập, nâng cao chất lượng học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp... Một số trường đã tham mưu về xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh có hiệu quả, điển hình như: THCS DTBT Bảo Thắng, THCS DTBT Nậm Típ, THCS DTBT Mường Lống, THCS DTBT Na Ngoi…

Nhà ăn của học sinh Trường THCS  Dân tộc bán trú Huồi Tụ (Kỳ Sơn).
Nhà ăn của học sinh Trường THCS Dân tộc bán trú Huồi Tụ (Kỳ Sơn).

Đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huồi Tụ, nơi có nhiều học sinh ở bán trú nhất huyện với 311 em, mới thấy được sự cố gắng của các thầy, cô và học sinh nơi đây. Tình trạng các nhà tạm, bếp tạm bằng tre nứa của học sinh trong khuôn viên nhà trường không còn như các năm trước đây, thay vào đó là chỗ ở của học sinh ngăn nắp, sạch sẽ, quy củ hơn. Học sinh đã hình thành nếp sinh hoạt tập thể có ý thức trách nhiệm cao, đảm bảo đúng giờ giấc. Em Vừ Bá Bình - học sinh lớp 9D chia sẻ “Em mồi côi cả cha lẫn mẹ, nhà ở tận bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ, cách trường 7 km, ngày trước để đến trường em phải dậy từ 5 giờ sáng mới kịp giờ vào lớp, có hôm trời mưa đường lầy lội đến trường bị muộn giờ và khi về thì vừa đói vừa mệt nên em chỉ muốn nghỉ học. Giờ đây được ăn, ở trong trường, được thầy, cô chăm sóc, dạy bảo tận tình nên sức khỏe cũng như kết quả học tập của em khá hơn nhiều rồi. Em xem trường là ngôi nhà thứ hai của em…”.

Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: “Từ khi thực hiện mô hình bán trú, chúng tôi thấy các phụ huynh phấn khởi, nên công tác vận động học sinh đến trường cũng thuận lợi hơn. Bản thân các em, do được chăm sóc tốt hơn, học tập và vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh, nên tự tin, năng động hơn trong cuộc sống. Nhờ vậy chất lượng giáo dục tại các trường bán trú đã nâng lên rất nhiều, số lượng học sinh khá, giỏi được nâng lên, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm từ 6,92% xuống còn 5,12%. Số học sinh bỏ học giảm từ 0,62% xuống 0,52%…”.

Bên cạnh đó vẫn còn không ít nỗi niềm, hiện các trường có học sinh bán trú đều đang khó khăn về cơ sở vật chất, hệ thống phòng ở nội trú, giường nằm, nhà ăn, nhà bếp và các trang thiết bị từng bước được đầu tư nhưng chưa tưng xứng với quy mô học sinh. Trong thời gian tới, ngoài sự đầu tư của ngân sách Nhà nước, đang rất cần sự vào cuộc chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và của cả cộng đồng để mô hình học bán trú phát huy hiệu quả, góp phần tích cực nâng bước học sinh vùng cao trên hành trình theo đuổi ước mơ con chữ, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho huyện biên giới Kỳ Sơn…

Trần Văn Đức

Huyện ủy Kỳ Sơn

Mới nhất
x
Tiếp sức đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO