Tiếp tục cắt giảm đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng “nhìn thẳng vào sự thật” thì tình hình kinh tế VN giai đoạn 2011-2015 chứa đựng nhiều khó khăn, bất trắc.
Nhu cầu vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ lên tới 500.000 tỉ đồng trong khi khả năng đáp ứng chỉ là 225.000 tỉ đồng. Nhiều dự án đầu tư sẽ phải cắt giảm, giãn do thiếu vốn.
Đó là một trong những nội dung tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, phương hướng năm 2012 và kế hoạch phát triển 2011-2015 diễn ra ngày 1-10.
48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã bám sát tình hình, điều chỉnh chính sách linh hoạt nhưng kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch - đầu tư, trên toàn quốc trong 9 tháng năm 2011 có tới 48.700 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
“Nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có xu hướng xấu đi, khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển và những khó khăn ở trong nước, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao. Với tư tưởng nhìn thẳng vào sự thật, dự báo tình hình sắp tới tiếp tục khó khăn” - ông Bùi Quang Vinh cho biết. Từ đó, Chính phủ đưa ra hai kịch bản phát triển giai đoạn 2011-2015.
Đối với tình hình năm 2012, Chính phủ cũng đưa ra hai kịch bản. Kịch bản 1 là tình hình rất khó khăn, GDP chỉ tăng 6% và kịch bản hai lạc quan hơn với mức tăng GDP 6,5%. Chính phủ lựa chọn kịch bản “xấu” hơn với GDP tăng 6% và chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 10%.
Trong khi nhiều ý kiến chú trọng đến chỉ số kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi phát hiện: “Quá chú trọng đầu tư cho kinh tế, bỏ quên chi phí nguồn vốn để đầu tư cho giáo dục, văn hóa, xã hội. Nếu không bố trí kinh phí và cứ đặt cao các chỉ tiêu giáo dục, văn hóa, xã hội thì không những bất cập mà là tội lỗi. Trong điều kiện thiếu vốn đừng đặt nặng chỉ tiêu, phải chú trọng đến yếu tố chất lượng”.
Nhiều gói thầu của đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên phải dừng thi công
do chưa bố trí được vốn - Ảnh: Nguyễn Chuông
Có thể chuyển hình thức đầu tư
Ông Bùi Quang Vinh khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm, giãn nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Cụ thể, giãn các dự án chưa thật sự cấp bách, nhu cầu vốn lớn như đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, một số dự án đường tuần tra biên giới, một số dự án mở rộng, cải tạo sân bay; các dự án nhóm B, C thời gian thực hiện quá hai năm so với quy định, tính đến năm 2011; các dự án được Thủ tướng giao vốn thực hiện trong nhiều năm nhưng năm 2011 không được các bộ ngành, địa phương bố trí vốn; các dự án sử dụng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2003-2010 nhưng đến hết năm 2011 mức bố trí vốn dưới 30%; các dự án giải phóng mặt bằng kéo dài quá ba năm; các dự án có tổng mức đầu tư 1.000-2.000 tỉ nhưng mới bố trí dưới 10% vốn và các dự án trên 2.000 tỉ đồng nhưng mới bố trí dưới 15% vốn...
Cạnh đó, các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư để thu hồi vốn như các dự án giao thông, bệnh viện, ký túc xá... ở các vùng kinh tế phát triển thì sẵn sàng chuyển đổi sang các hình thức BOT, BT, PPP (thanh toán chủ yếu bằng quyền sử dụng đất, đổi đất lấy công trình, phần vốn Chính phủ đã đầu tư và vốn doanh nghiệp bỏ thêm vào để hoàn thành). Các dự án không có khả năng bố trí vốn tiếp, không chuyển đổi được hình thức đầu tư thì buộc phải tạm đình hoãn, giãn tiến độ sau năm 2015.
Quyết tâm của Chính phủ là vậy, nhưng Ủy ban Tài chính - ngân sách lại phát hiện: năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới nhưng có tới 333 dự án được khởi công sai đối tượng. Ủy ban Tài chính - ngân sách và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm này.
Hai kịch bản phát triển giai đoạn 2011-2015 |
Theo Tuổi trẻ