Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
(Baonghean.vn) - Mục tiêu quan trọng của chương trình nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng trở thành nông thôn đáng sống.
Tranh minh họa. |
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương: “Tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản” (Văn kiện ĐH XIII của Đảng, TII, T107-108, NXB Chính trị quốc gia sự thật năm 2021).
Như vậy, Chương trình nông thôn mới đặt ra ở giai đoạn 2021-2025 phải đạt chất lượng cao hơn theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của làng quê Việt Nam “xanh, sạch, đẹp”, thân thiện với môi trường. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn ngày càng có hiệu quả, bền, vững từng bước đạt được các tiêu chí quốc gia nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà Chính phủ sẽ ban hành.
Điểm nổi bật của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là xác định mối quan hệ giữa nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh bằng các biện pháp cụ thể như cơ chế, chính sách phát triển, ưu tiên khoa học công nghệ, gắn nông nghiệp với công nghiệp và thị trường,…
Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Một trong những vấn đề cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn khi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là phát huy có hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò của người dân vào quá trình tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Thực tế, ở đâu làm tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” thì nơi đó thực hiện chính sách nông thôn mới đạt hiệu quả cao.
Nghệ An nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Ảnh tư liệu: PV - CTV |
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hưởng ứng, phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân và một số báo thực hiện chương trình. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết liên tịch chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo các hội viên trong cả nước hưởng ứng gắn với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với phong trào "Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thông qua hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”,… Các ban, bộ, ngành Trung ương đến các cơ sở đều có những hoạt động thiết thực đóng góp vào kết quả to lớn , toàn diện của chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhà cũng đã hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua mà cấp Trung ương phát động.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD) để thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó, nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng tự nguyện đóng góp chiếm khoảng 8,2%. Đến tháng 7/2021 cả nước có 64,63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 351 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 192 huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, đã có 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn từ 12,8 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 35,88 triệu đồng/năm (năm 2018). Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) xuống 7,03% năm 2018 (theo tiêu chí đa chiều) và đến nay chỉ còn khoảng 4,8%. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị, kinh tế nông thôn tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp chuyển đổi nâng cao giá trị gia tăng. Giáo dục, y tế, đời sống văn hóa ở nông thôn ngày càng phát triển…
Huyện Yên Thành (Nghệ An) đón Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Ảnh tư liệu: Thành Cường |
Đối với Nghệ An, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020 toàn tỉnh đã có 280/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,13%. Có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Kim Liên (Nam Đàn) và xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới là: thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành. Theo số liệu của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt bình quân 34,44 triệu đồng (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo còn 3,42%.
Tuy nhiên, kinh tế nông thôn, kinh tế hợp tác mặc dù có tiến bộ hơn trước nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nông thôn phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, kết nối kinh tế nông thôn – đô thị còn yếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, khá nhiều nơi xuất hiện tình trạng bê tông hóa nông thôn, diện tích cây xanh, nhà vườn giảm. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các sông, suối, kênh mương. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản là vấn đề đang được xã hội quan tâm nhưng công tác kiểm soát của các cơ quan chức năng còn yếu. Sự gắn kết giữa nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa chặt chẽ. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn chưa thật tốt.
Nguyên nhân các hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, cơ sở chưa tích cực, quyết liệt thường xuyên. Một số nơi chủ yếu quan tâm đến phát triển kết cấu hạ tầng,… nhưng chưa quan tâm đúng mức tạo sinh kế cho người dân, phát triển y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường,… nên chương trình chưa có chuyển biến rõ nét.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ. Trước hết, tiếp tục làm tốt công tác dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân ở nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới. Quán triệt và tổ chức thực hiện thật tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình triển khai chương trình nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, các sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.
Toàn cảnh thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |
Căn cứ vào điều kiện cụ thể ở từng địa phương để vận dụng sáng tạo, hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực (vật tư, tiền vốn, lao động,..) thực hiện chương trình. Để huy động nguồn lực có hiệu quả, tạo sự đồng thuận của đông đảo nhân dân thì các cấp, các ngành, các đơn vị phải tôn trọng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, coi trọng sự giám sát của người dân, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình gắn với công khai minh bạch để người dân được biết. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình nông thôn mới. Tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, tranh thủ các nguồn vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới…
Mục tiêu quan trọng của chương trình nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng trở thành nông thôn đáng sống, để mỗi người dân nông thôn đều yêu quê hương, gắn bó với quê hương, sống ấm no, hạnh phúc trên chính quê hương của mình.