Tiếp xúc cử tri phải thực gần dân
(Baonghean) - Tiếp xúc cử tri là hoạt động thường xuyên của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có dịp gần dân, hiểu dân, nắm bắt những vấn đề liên quan đến quyền lợi người dân để thực hiện chức năng giám sát.
Các cuộc tiếp xúc cử tri là dịp để nhân dân phản ánh những vấn đề bức xúc của địa phương. Tại các kỳ họp HĐND các cấp đều có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến từng đại biểu, nội dung chất vấn cũng xoay quanh những vấn đề được cử tri quan tâm. Ý kiến cử tri là một kênh thông tin quan trọng để giải quyết các vấn đề thực tiễn, xây dựng các cơ chế chính sách, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, cách tổ chức tiếp xúc cử tri hiện nay có những vấn đề cần được điều chỉnh. Có những cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức một cách hình thức, cử tri đến dự được bố trí phát biểu theo sự chỉ đạo. Ở những địa phương có vấn đề tiêu cực, thì những người dân có tinh thần đấu tranh thẳng thắn không được mời dự các cuộc tiếp xúc cử tri. Ở những địa phương việc tiếp xúc cử tri được tổ chức một cách dân chủ, người dân được tự do trình bày chính kiến thì nhiều người lại ngại phát biểu trước cán bộ cấp trên. Có những cử tri có tinh thần đấu tranh thẳng thắn, nhưng do hạn chế về nhận thức nên cách nhìn nhận vấn đề chưa khách quan, thiếu tính thuyết phục. Thực tế cho thấy, sự hạn chế về trình độ dân trí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri.
Một vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc trả lời kết quả giải quyết những nội dung được cử tri phản ánh. Thực tế hiện nay là những vấn đề được cử tri phản ánh phải chờ các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Có những vấn đề cử tri chờ đợi mãi vẫn không thấy giải quyết. Có những vấn đề đã được giải quyết nhưng không thông báo cho cử tri biết nên họ không biết đã giải quyết đến đâu và giải quyết như thế nào. Đại biểu HĐND đến tiếp xúc cử tri, nghe dân nói một lần rồi đi, không có thông tin phản hồi nên người dân không biết những điều mình nói có được tiếp thu hay không. Tình trạng trên đây làm cho người dân không hào hứng đến dự các cuộc tiếp xúc cử tri, hoặc đến dự mà không phát biểu ý kiến. Thậm chí có người qua các cuộc tiếp xúc cử tri phát biểu nhiều vấn đề, nhưng rồi không biết có được giải quyết hay không, nên đã không tham gia tiếp xúc cử tri nữa.
Sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri là sự im lặng với dân thì sẽ dẫn đến hậu quả là dân cũng im lặng, giữa chính quyền với nhân dân sẽ ngày càng xa cách. Tại mỗi kỳ họp HĐND đều có nhiều ý kiến của người dân cung cấp thông tin qua đường dây nóng, giúp Hội đồng nắm được những vấn đề cần giải quyết. Vậy, tại sao đại biểu HĐND khi tiếp xúc cử tri không ghi địa chỉ, số điện thoại của người dân đã nêu vấn đề để sau đó thông báo cho họ biết đã giải quyết vấn đề đó như thế nào. Đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri mà không thông báo cho dân biết ý kiến của họ đã được giải quyết như thế nào thì sẽ không đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Mọi hoạt động của người đại biểu nhân dân, trong đó có việc tiếp xúc cử tri, đều phải thể hiện sự gần dân, hiểu dân và quan tâm giải quyết nguyện vọng của dân. Nếu tiếp xúc cử tri một cách hình thức hoặc chỉ để thu thập tài liệu cho những bản báo cáo, giải trình mà không quan tâm giải quyết nguyện vọng của dân, không thường xuyên liên lạc với dân thì đó là biểu hiện xa dân. Tiếp xúc cử tri phải thực sự gần dân thì mới đạt hiệu quả!
Trần Hồng Cơ