Tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên và đóng bảo hiểm thất nghiệp
1) Một số cán bộ, giáo viên hỏi: Chúng tôi là giáo viên huyện Quế Phong, đã vào biên chế; năm 2002 nghỉ theo Quyết định 109 của UBND tỉnh; từ năm 2008 đến nay được chuyển làm văn thư của các trường trong huyện. Vậy chúng tôi có được hưởng chế độ theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP không? Thời gian chúng tôi giảng dạy trước năm 2002 có được tính để hưởng phụ cấp thâm niên không?
Trả lời: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo đó, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động; nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập.
Hiện nay, các bạn đang làm văn thư, có nghĩa không phải là “nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập…” nên các bạn không phải là đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP; và đương nhiên, thời gian đi dạy trước năm 2002 của các bạn cũng không được tính để hưởng phụ cấp thâm niên.
2) Chúng tôi là giáo viên có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Trả lời: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối tượng và phạm vi áp dụng của Thông tư này là những đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, trừ những người là công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định những người là công chức. Nhờ vậy, giáo viên – là viên chức chứ không phải là công chức, nên phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trích 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
TN