Tiêu thụ nông sản: Nông dân "đỏ mắt" chờ doanh nghiệp

22/05/2015 16:47

(Baonghean) - Với tiềm năng dồi dào cùng những cách làm hiệu quả, lượng nông sản được sản xuất hàng năm trên địa bàn tỉnh rất lớn. Mặc dù đã có các doanh nghiệp vào liên kết cùng nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tuy nhiên, việc liên kết này chưa chặt chẽ, phần lớn lượng nông sản vẫn phụ thuộc vào tư thương, dẫn đến tình trạng nông sản bấp bênh, thậm chí bị ép giá.

Máy gặt đập liên hợp ở Nghi Diên (Nghi Lộc) ảnh Hoàng Minh
Thu hoạch lúa ở Nghi Diên (Nghi Lộc). Ảnh Hoàng Minh

Vụ đông xuân năm nay, Nghi Lộc được mùa. Với lịch thời vụ phù hợp, bộ giống được cơ cấu hợp lý, năng suất lúa xuân năm nay dự kiến đạt mức từ 63 - 64 tạ/ha. Với 7.300 ha diện tích, sản lượng lúa của toàn huyện đạt khoảng 450 nghìn tấn. Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Một phần nông sản được thu mua bởi 2 kho dự trữ quốc gia đóng trên địa bàn các xã Nghi Mỹ và Nghi Trung, còn lại cơ bản người dân tự tiêu thụ. Để tăng sức tiêu thụ nông sản cho dân, những năm gần đây Nghi Lộc luôn duy trì việc liên kết sản xuất lúa giống với một số doanh nghiệp như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Công ty CP Giống cây trồng Bắc Giang…

Ngoài ra, liên kết với Tổng công ty CP VTNN Nghệ An sản xuất các cánh đồng mẫu lớn bằng các giống lúa chất lượng cao như VTNA2, LH12… Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, lượng nông sản được liên kết, thu mua ổn định mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Kho dự trữ quốc gia chỉ thu mua các giống lúa thuần với những đòi hỏi, yêu cầu khá khắt khe; diện tích liên kết sản xuất lúa giống chỉ nằm ở mức 300 - 500 ha/năm, các cánh đồng mẫu lớn có liên kết tiêu thụ chỉ khoảng 500- 700 ha/năm. Chủ yếu người dân tự bán lúa qua tư thương, ra chợ, để ăn và làm thức ăn gia súc.

Bên cạnh cây lúa, người dân các vùng trồng lạc cũng gặp cảnh tiêu thụ khó khăn. Toàn huyện có trên 3.000 ha lạc vụ xuân, chất lượng được đánh giá tốt, thế nhưng chưa hề có liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm lạc luôn trong tình trạng không có phương hướng, đặc biệt là vài năm gần đây, khi thị trường Trung Quốc bất ổn, có năm đến tận tháng 8, tháng 9 bà con vẫn chưa bán được hết lạc vụ xuân. Doanh nghiệp (DN) khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra rất ít, các đơn vị chủ yếu mới chỉ cung ứng vật tư đầu vào. “Để giải quyết được vấn đề này, cần sự chỉ đạo, vào cuộc của các cấp với các chính sách sát thực để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó cần có giải pháp tổ chức bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên cơ sở ký kết, hợp tác chặt chẽ”- ông Nguyễn Đức Thọ chia sẻ.

Thu mua và sơ chế lạc vụ xuân ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Thu mua và sơ chế lạc vụ xuân ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).

Diễn Châu được coi là một “vựa lạc” của tỉnh với diện tích, sản lượng lớn, chất lượng lạc tốt, ổn định. Trên địa bàn có một hệ thống các đại lý chuyên thu gom, đưa lạc đi tiêu thụ tại các tỉnh thành trong nước và xuất bán sang một số nước như Lào, Trung Quốc... Tuy nhiên, lạc Diễn Châu vẫn chưa ổn định trong tiêu thụ. Bà Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết: Toàn xã có 180 ha lạc xuân, trừ một số ít năm gặp thời tiết quá bất lợi, còn lại hầu như năm nào bà con cũng được mùa lạc. Tất cả các khâu từ chỉ đạo, đưa các giống mới và tiến bộ KHKT vào sản xuất đều làm được, chỉ khó ở khâu tiêu thụ sản phẩm cho dân. Do hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương, cơ sở sản xuất chế biến hạn chế và liên doanh liên kết với doanh nghiệp ít nên tình trạng bấp bênh thường xuyên xảy ra. Chị Thái Thị Lan, xóm 2 xã Diễn Thịnh cho biết: “Vài năm gần đây, việc tiêu thụ lạc rất khó khăn, bán chậm và không được giá”.

Không chỉ lạc, mà lúa gạo, một trong những sản phẩm chủ lực nhất của nông sản Nghệ An, cũng luôn trong tình trạng “được mùa mất giá”. Mỗi năm Yên Thành sản xuất ra khoảng 165 nghìn tấn lương thực, trong đó sử dụng cho nhu cầu của dân khoảng 1/3, số còn lại, phần lớn lượng nông sản được các “đầu nậu” thu gom đưa đi các tỉnh hoặc xuất bán sang Lào. Tình trạng ế thừa hoặc chậm tiêu thụ thường xuyên xảy ra. Trước tình trạng đó, Yên Thành đã chủ động nhiều cách làm như chuyển đổi cơ cấu giống từ những loại giống chất lượng kém sang các loại giống có năng suất chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như AC5, BC15, Thiên ưu 8… Vụ xuân năm nay, Yên Thành có 2.500 ha lúa chất lượng cao trong tổng diện tích 12.500 ha lúa. Hiện trên địa bàn huyện có 5 doanh nghiệp vào liên kết xây dựng các cánh đồng mẫu lớn với diện tích 1.000 ha. Số còn lại nông dân đang phải “tự sản, tự tiêu”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, những năm qua, diện tích lúa của tỉnh ta ổn định trên dưới 183 nghìn ha/năm, sản lượng thóc mỗi năm đạt trên dưới 900 nghìn tấn, sau khi cân đối, sẽ có khoảng hơn 400 nghìn tấn làm thóc gạo hàng hóa, chủ yếu phục vụ cho gần 1 triệu người thuộc khu vực phi nông nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thu mua thóc để chế biến gạo nhằm tăng giá trị lúa gạo hàng hóa còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Hiện ngoài Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành) và vài năm gần đây là Tổng công ty CP VTNN Nghệ An có thu mua, chế biến, còn lại chủ yếu do người dân tự xay xát bán lẻ ở các chợ với giá thấp.

Bên cạnh đó, chúng ta có trên 50 nghìn ha ngô/năm, cho sản lượng hàng năm khoảng trên 200 nghìn tấn. Thực tế, sản phẩm ngô hạt hiện một phần để làm thức ăn cho chăn nuôi ở các hộ gia đình, số còn lại nông dân tự tiêu thụ qua thu mua của các tư thương. Ở một số địa phương như Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc… đã có liên doanh liên kết để tiêu thụ ổn định sản phẩm ngô. Như Nghi Lộc, liên kết với Trại bò nhập khẩu quy mô 2.000 - 4.000 con/năm ở xã Nghi Lâm, bình quân mỗi ngày tiêu thụ 80 tấn thức ăn gia súc xanh, chủ yếu bằng thân cây ngô và phụ phẩm khác xay nhỏ, giải quyết tiêu thụ cho 1000 - 1.500 ha ngô. Từ đó, huyện đã chuyển sang trồng ngô ở cả 3 vụ/năm, đặc biệt ở các xã vùng bán sơn địa như Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Mỹ… từ đất trồng lạc khó khăn và đất lúa cao cưỡng.

Tuy nhiên, những mô hình liên kết như thế chưa được nhiều. Ngô chủ yếu vẫn do người dân tự tiêu thụ qua tư thương, chưa vào được các nhà máy chế biến ngay trên địa bàn để tạo tính ổn định. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết do chất lượng nông sản hàng hóa của chúng ta chưa cao, kể cả những nông sản hàng hóa đã có thương hiệu như lạc, vừng… Năng suất cây trồng thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu nên sản phẩm khó tiêu thụ. Việc tổ chức thị trường chưa tốt, chưa phát huy tốt sự liên kết, gắn vai trò của các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại với sản xuất.

Việc thu hút các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất với nông dân, đầu tư vào nông nghệp cần tiếp tục được tỉnh, các ngành quan tâm hơn nữa bởi cơ cấu thu hút đầu tư còn ưu tiên cho các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, dệt may... Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy những cách làm hiệu quả khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Phú Hương

Mới nhất
x
Tiêu thụ nông sản: Nông dân "đỏ mắt" chờ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO