Tìm giải pháp cho cây mía
(Baonghean) - Trong khi người trồng mía cho rằng giá thu mua thấp, trồng mía kém hiệu quả; nhà máy sản xuất mía đường lại kêu thua lỗ. Vậy lý do vì sao, phải làm gì để cả người trồng mía và nhà máy chế biến đường cùng tồn tại, cùng phát triển và hưởng lợi?
Thu hoạch mía ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) . Ảnh: Châu Lan |
Niên vụ mía 2013 - 2014 toàn tỉnh Nghệ An trồng được gần 28.000 ha mía ở 3 vùng nguyên liệu cho 3 nhà máy đường Sông Lam, Sông Con, Tate & Lyle hoạt động. Cho đến cuối tháng 3 này, trừ Nhà máy đường Sông Lam, còn lại 2 nhà máy đường (Sông Con và Tate & Lyle) đã thu mua cho bà con nông dân được hơn 22.000 ha mía, tương đương 75% tổng diện tích mía cả niên vụ. Trong đó vùng mía nguyên liệu thuộc Nhà máy đường Tate & Lyle có diện tích gần 18.000 ha bao gồm các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà. Theo ông Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nghĩa Đàn thì việc thu mua năm nay của Nhà máy đường Tate & Lyle quá chậm, diện tích mía trên đồng ruộng đang còn gần 20% chưa được nhà máy thu mua. Toàn bộ diện tích mía còn lại ở các vùng mía nguyên liệu trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay đã trổ cờ, thậm chí có nơi như Quỳ Hợp diện tích mía trổ cờ đã lâu, cây mía bắt đầu khô héo và chết dần, khiến người nông dân thua thiệt.
Việc thu mua và chế biến đường của các nhà máy đường chậm là do ảnh hưởng của giá đường trong nước và giá đường xuất khẩu quá thấp, đường khó tiêu thụ nên các nhà máy chế biến đường không mặn mà thu mua mía. Hiện tại cả nước đang tồn đọng 520.000 tấn đường lưu kho. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày có hàng trăm tấn đường từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường trong nước được nhập lậu qua đường biên giới nước ta vô tội vạ đã khiến giá đường hiện nay ở các nhà máy chỉ bán được với giá 12.300 - 12.500 đồng/kg đường.
Qua khảo sát thực tế của chúng tôi, niên vụ mía 2013 - 2014 năng suất mía đạt bình quân 55 tấn/ha. Tổng chi phí đầu tư để sản xuất 1 ha mía từ làm đất, giống, phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch, cước phí vận chuyển từ ruộng mía đến nhà máy... hết tất cả 30.600.000 đồng. Giá thu mua mía bình quân của các nhà máy 800.000 đồng/tấn. Như vậy doanh thu bình quân 1 ha mía của bà con nông dân đạt 44.000.000 đồng. Trừ chi phí còn được lãi trên mỗi ha mía là 13.400.000 đồng/ha thì rõ ràng trồng mía không có hiệu quả bằng các loại cây trồng khác. Chính vì hiệu quả trồng mía quá thấp nên đã có nhiều cơ sở sản xuất bà con nông dân tự chủ động chuyển cây trồng từ trồng mía sang trồng các cây trồng khác như: sắn, cao su, đậu, lạc...
Còn về phía nhà máy đường, theo ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Nhà máy đường Sông Con cho biết thì chi phí tất cả các khoản để sản xuất ra 1 kg đường (kể cả khấu hao) hết gần 12.300 đồng. Trong khi đó phải bán đường cho khách hàng lớn với giá bán buôn 12.200 đồng/kg. Biết là thua lỗ nhưng cũng phải bán và tạm thời vụ ép năm nay nhà máy không đưa chi phí khấu hao vào giá thành để có tiền trả lương và các chi phí khác.
Thực tế giá đường kính trắng trên thị trường mà người tiêu dùng đang phải mua với giá phổ biến là 16.000 đồng/kg. Như vậy, chênh lệch giá mỗi kg đường từ giá nhà máy đường bán ra đến tay người tiêu dùng là 3.800 đồng. Khoản tiền thu được 3.800 đồng/kg đường hoàn toàn rơi vào tay các tư thương hưởng lợi. Trong khi đó, người nông dân trồng mía suốt cả một năm trời ròng rã chỉ thu lãi 13.400.000 đồng/ha và nhà máy vụ ép năm nay gần như thua lỗ do giá đường xuống quá thấp.
Để cả người trồng mía và nhà máy chế biến đường cùng tồn tại, cùng phát triển và hưởng lợi. Chúng tôi xin được đề xuất mấy ý kiến sau đây:
Đối với người trồng mía: Phải biết rằng giá thu mua mía của các nhà máy đường hiện nay như thế là cao so với giá thu mua mía của các nhà máy đường ở Thái Lan, Lào. Giá thu mua mía ở nước ta cao mà nông dân vẫn có lãi rất ít chính là do năng suất mía của ta quá thấp, chỉ đạt bình quân trên dưới 55 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất mía ở Thái Lan, ở Lào đạt bình quân 130 - 140 tấn/ha. Năng suất mía thấp, giá thu mua mía cao như hiện nay thì người trồng mía vẫn có lãi không đáng kể và nhà máy chế biến đường lại càng không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Vì vậy, biện pháp tốt nhất, bền vững nhất là nhanh chóng chuyển diện tích trồng mía từ vùng khô hạn không có nguồn nước tưới sang trồng ở vùng đất trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả. Cách làm này đã được áp dụng ở Công ty Nông nghiệp Sông Con và một số xã ở huyện Tân Kỳ trong 3 năm nay. Theo ông Thái Bá Ất - Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sông Con thì 3 năm qua công ty đã chuyển trên 300 ha đất trồng mía khô hạn. Còn diện tích mía khô hạn đó chuyển sang trồng cao su và chuyển toàn bộ diện tích mía xuống trồng ở đất lúa không chủ động nước kém hiệu quả. Kết quả liên tục 3 năm nay năng suất mía ở Công ty Nông nghiệp Sông Con đã đạt bình quân 120 tấn/ha. Với giá thu mua như hiện nay, người trồng mía vẫn thu lãi được 55.000.000 đồng/ha/năm. Từ mô hình này ở Công ty Nông nghiệp Sông Con, năm 2013, Nhà máy đường Sông Con đã chỉ đạo được 6 xã chuyển được gần 1.000 ha mía xuống trồng ở đất lúa không chủ động nước kém hiệu quả. Kết quả vụ mía năm nay ở 6 xã trên diện tích gần 1.000 ha đã đạt được năng suất mía từ 90 - 100 tấn/ha, năng suất tăng gấp hai lần so với mía trồng trên đất khô hạn, thu lãi ròng trên 40.000.000 đồng/ha/năm.
Đối với nhà máy chế biến đường cần nghiên cứu và xem xét hình thành một hệ thống hay mạng lưới tiêu thụ sản phẩm đường đến tận các xã, thị, các siêu thị, nhà hàng... dưới dạng đại lý. Thực hiện được như vậy thì nhà máy chế biến đường sẽ có lãi và sản phẩm làm ra phục vụ tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Doãn Trí Tuệ