Tìm giữ "vỉa vàng" thời gian!
(Baonghean) - Từ một giáo viên dạy lịch sử, ông Chu Trọng Huyến chuyển sang nghiên cứu lịch sử và đã biên soạn nhiều bộ sách lịch sử địa phương quan trọng. Nhân kỷ niệm 85 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông đã chia sẻ những tâm sự với Báo Nghệ An về công việc của mình…
Tôi nguyên là giáo viên cấp 3. Năm 1966, tôi được điều về làm cán bộ Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ An, do đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, ông Nguyễn Văn Giảng, Trưởng ban Tuyên giáo làm phó ban phụ trách, ông Nguyễn Đình Triển là phó ban trực. Từ năm 1978 tôi được điều về Ban Nghiên cứu lịch sử và địa lý của UBND tỉnh (chúng tôi gọi nôm na là “Ban Thông sử”, do ông Trần Nguyên Trinh, nguyên là Trưởng ty Văn hóa làm trưởng ban. Sau đó, có một thời gian tôi giữ chức Trưởng ban. Nay, về đã ngót hai chục năm rồi nhưng công việc vẫn chưa ngơi nghỉ.
Ông Chu Trọng Huyến trong chuyến công tác tại Quảng Châu (Trung Quốc), nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng bài cho lớp học của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925). (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Lúc còn dạy học cũng như khi chuyển sang nghiên cứu, cuộc đời tôi có thể gói trọn trong mấy chữ chăm chỉ, lo học tập và viết. Để nghiên cứu tư liệu lịch sử, tôi đã tự học 2 ngoại ngữ là Hán văn và Pháp văn. Sau này, khi đã về hưu, để đáp ứng nhu cầu biên soạn thời kỳ mới, tôi đã tự học vi tính bằng cả chương trình tiếng Hán.
Ngay khi mới chuyển về Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng năm 1967, tôi đã may mắn được giao cùng đồng chí Nguyễn Đình Triển biên soạn sơ thảo lịch sử Đảng bộ Nghệ An tập 1, in năm 1967, đứng tên tác giả là Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An. Khi chuyển sang làm ở “Ban Thông sử” UBND tỉnh, tôi được giao trách nhiệm tổ chức quyển “Lịch sử Nghệ An” (tập 1), trong đó tôi trực tiếp viết 2 chương: một chương về Nghệ An trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị, một chương về Xô viết Nghệ Tĩnh. Rồi làm chủ biên quyển “Nghệ Tĩnh 40 năm sự kiện và con số” (1945-1985). Mới đây, bộ sử tỉnh Nghệ An do Đại học Vinh chủ trì trong việc biên soạn, tôi viết 4 chương trong quyển tập 2 bộ sách đó. Một phần trở thành máu thịt của đời tôi là mảng nghiên cứu về Bác Hồ thời niên thiếu và những người thân trong gia đình, quyển dày dặn nhất và thuộc vào những quyển sách sớm về đề tài này là “Những mẩu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ” mà trọng tâm là về quê hương, gia thế và thiếu thời của Người, mà đầu tiên là làm tư liệu và biên soạn cuốn “Những mẩu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ” (NXB Sự thật, in năm 1980).
Bây giờ, làm sử, nhất là sử địa phương, dường như đã có bối cảnh chung, tư liệu chung rất phong phú, ổn định, của cả Trung ương và của tỉnh. Thời chúng tôi, trước đó cũng đã có một số công trình, nhưng cơ bản chỉ ở dạng sơ thảo, khởi thảo. Do đó buộc phải tìm kiếm và nghiên cứu từ đầu.
Khi chúng tôi đi làm sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhất là lịch sử Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tư liệu văn bản thì phần nhiều là được viết bằng tiếng Pháp, nơi lưu trữ chủ yếu là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bộ Công an. Do đó, phải tìm và đọc, sao chép những cái họ cho phép. Máy móc hạn hữu, phương tiện thô sơ, vừa phải biết ngoại ngữ, vừa biết lựa chọn.
Từ tư liệu thành văn, phải đi xác minh, đối chiếu với sự thực lịch sử địa phương để đối chứng, kiểm chứng, sàng lọc.
Về làm công tác nghiên cứu từ 1966, từ đó đến khi chiến tranh chấm dứt không ít lần chúng tôi đi tìm tư liệu trong mưa bom bão đạn. Khi đi cơ sở phải tự túc phương tiện, chủ yếu bằng xe đạp, ngoài ra nếu xa quá thì đi xe khách. Có lần về tiếp xúc nhân chứng, khi đi qua vùng Bộng – Vẹo (Yên Thành), máy bay ném bom rung chuyển ngay trước mặt, cả người và xe nhào xuống ruộng lầm lụi mà vẫn cảm thấy may mắn. Ngay cả thời gian đi gặp gỡ, tìm hiểu, tiếp xúc nhân chứng và tư liệu ở Hà Nội cũng vô cùng gian khổ. Lúc đó chúng tôi được phân công “nằm vùng” ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương ở Cầu Giấy, hằng ngày phải đạp xe đi làm đến tận vùng phố cổ ngày nay để vào Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nơi các cụ đảng viên cao tuổi công tác ở Trung ương về hưu sinh sống để nghe và ghi tư liệu. Chuyện đi làm nghe kẻng báo động phải chui xuống bất kỳ nơi nào đó để ẩn nấp đã thành lẽ thường.
Tiếp xúc nhân chứng để nghe kể lại hoặc có thể tìm đến những tư liệu quý mà họ lưu giữ để ghi lại chút ít bằng chứng của quá khứ. Thời kỳ này, tôi đã gặp hàng chục nhân chứng sống như vậy. Ai ai cũng tốt bụng, chỉ vẽ tận tình, cung cấp và giới thiệu chu đáo. Trong số đó, may mắn mới được gặp những người như ông Phan Thái Ất, cán bộ hoạt động tại Nghệ An từ rất sớm, sau làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Lúc ông Phan Thái Ất đang nằm trên giường bệnh, biết tôi đi tìm hiểu sử liệu về địa phương, về Bác Hồ, ông luôn gắng gượng kể cho tôi nghe những điều mà ông nắm rõ. Rồi gặp và khai thác tư liệu ở các ông Nguyễn Sỹ Quế (đảng viên Chi bộ Bồi bếp năm 1930), Võ Mai (người đã sang dự huấn luyện ở Quảng Châu năm 1925)... và rất nhiều nhân chứng đã có mặt dưới cờ Xô viết Nghệ Tĩnh và trước đó.
Tìm hiểu về những mẩu chuyện của Bác Hồ thời niên thiếu và những người thân trong gia đình Người, chúng tôi đã “ăn chực nằm chờ” hàng tháng, hàng năm trời ở vùng Kim Liên (Nam Đàn). Cứ nắm bắt được thông tin liên quan là tìm hiểu đến tận ngọn nguồn. Có khi ra tận Hải Dương. Có khi phải đạp xe từ Hà Nội lên Ba Vì và nhiều địa phương khác.
Phải nói rằng, lãnh đạo Trung ương và địa phương lúc đó có tầm nhìn vượt thời gian khi sớm nhận ra sự cần kíp phải tích lũy tư liệu, biên soạn lịch sử. Bởi càng ngày thì càng có nhiều nhân chứng cao tuổi ra đi - họ chính là “bảo tàng sống”, kho “tư liệu sống”, mỗi người mất đi là một tổn thất lớn. Bây giờ nhìn lại hết sức phấn khởi vì đã kịp thời chung sức làm được những công việc như vậy. Có những kho tư liệu chúng tôi “tự thân vận động” tích lũy và ở những thời điểm lịch sử quan trọng để phục vụ nhân dân.
Như khi Bác Hồ mất, theo yêu cầu phải xây dựng ngay một Bảo tàng Hồ Chí Minh tại quê Bác ở Nam Đàn. Người nhận trách nhiệm chính lúc này là ông Trần Nguyên Trinh, còn tôi được giao nhiệm vụ lo về tư liệu và viết nội dung thuyết minh. Lúc này, những kiến thức tích lũy được trong quá trình tìm hiểu về Bác Hồ và những người thân của Người đã được huy động tối đa, cùng với sự tiếp tục bổ sung theo thời gian của dòng họ, của giới nghiên cứu và bảo tồn, của các tầng lớp nhân dân... Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Nam Đàn sớm được hình thành và trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống hết sức ý nghĩa. Sau này, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại quê Bác phát triển thành Khu di tích Kim Liên như ngày nay.
Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử là một công việc khá thầm lặng, đòi hỏi tinh thần tự chịu trách nhiệm rất cao. Tôi yêu mến công việc này và luôn tự thấy mình đã và đang làm bằng tất cả tâm huyết, đam mê, trách nhiệm. Công việc này đem lại cho tôi niềm vui lớn, hạnh phúc lớn, đó là niềm vui được góp sức đi tìm những “vỉa vàng” được giấu kín và che khuất bởi thời gian.
Ngô Kiên
(Ghi theo lời kể của nhà sử học Chu Trọng Huyến)