Tìm gương, có khó?
(Baonghean) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành niềm tin yêu, hy vọng và đánh giá cao những đóng góp của đoàn viên thanh niên. Trong bản Di chúc, Người đã thể hiện niềm tin, tình cảm lớn đối với đoàn viên thanh niên:
“Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bác nói về đoàn viên thanh niên, nhưng không chỉ là giành riêng cho đoàn viên thanh niên, mà còn gửi gắm dặn dò Đảng ta về công tác đoàn viên thanh niên.
Thực hiện di huấn của Người, Đảng ta luôn quan tâm, coi trọng công tác chăm sóc, bồi dưỡng đoàn viên thanh niên. Đảng xác định thanh niên là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Khi đánh giá về tình hình thanh niên, ngoài những điểm tích cực, Đảng ta cũng chỉ ra những mặt tiêu cực, đồng thời nêu rõ các nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh tiêu cực ở thanh niên, trong đó có nguyên nhân: “một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất không là tấm gương để thanh niên học tập và noi theo” (Nghị quyết trung ương 7, khóa X, 25/7/2008). Đây thực sự là điều đáng chú ý và cần tiếp tục quan tâm. Bởi trong giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng thanh niên, việc nêu gương trực tiếp từ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa sâu sắc và bền vững hơn bất cứ lời nói, tuyên truyền, giáo huấn suông nào. Và thật không công bằng, thiếu thuyết phục nếu chỉ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi với thanh niên, đòi hỏi thế hệ trẻ phải trở nên tiến bộ, giỏi giang, năng động, sáng tạo, nghiêm túc, tận tụy, liêm khiết, cống hiến... trong khi có nhiều cán bộ, đảng viên mà đoàn viên thanh niên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp lại không gương mẫu thực hiện, thậm chí còn làm trái ngược hoặc cản trở việc thực hiện những điều nói trên.
Sẽ rất tuyệt vời nếu những người trẻ tuổi đã sớm được tiếp xúc, học tập, làm việc... với những người thầy, người cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người mà từ lời nói đến việc làm, từ tác phong sinh hoạt đến lề lối làm việc đều mẫu mực, nghiêm túc; vừa có tính kỷ luật, vừa khoa học và nhân văn. Những cán bộ, đảng viên mẫu mực chính là những khuôn thước, là hình mẫu gần gũi và thuyết phục nhất để cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên noi theo. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng tâm sự: “Thế hệ chúng tôi có hai điều: Một là niềm tin, hai là có chỗ để tin... Sở dĩ chúng tôi có niềm tin sắt đá là đất nước phải được độc lập, Tổ quốc phải thống nhất là chính do Bác Hồ với Đảng khơi dậy, nắm trúng tâm tư của người dân, giương cao ngọn cờ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chúng tôi thấy thức dậy một động lực rất mạnh mẽ, rất tự nhiên, không cần phải nói nhiều, giáo dục gì nhiều. Thứ hai là trước mặt mình có những tấm gương rất sáng: họ nói thế nào thì làm đúng như thế. Bác Hồ bảo “chịu khó học tập” thì chính bản thân Bác học. Thành ra chúng tôi học theo. Thời đó niềm tin là có thật, mà người kêu gọi niềm tin cũng thật. Cái đó quan trọng lắm”. Có niềm tin và có chỗ để tin, đó là điều lý tưởng mà bất cứ ai cũng đều mong muốn có được, nhưng không phải bất cứ ai, bất cứ lúc nào, nơi nào cũng có.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhấn mạnh vấn đề cấp bách nổi lên đầu tiên là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Rõ ràng, “một bộ phận không nhỏ” nói trên là những tấm gương mờ, đen tối và xấu xa, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.
Trong thực tế hiện nay, bên cạnh rất nhiều những cán bộ tốt, đảng viên tốt, có không ít những cán bộ tồi, đảng viên tồi, tình trạng này thậm chí còn khá phổ biến. Không ít cơ quan đơn vị, địa phương có tình trạng khi cán bộ lãnh đạo, quản lý đăng đàn nói về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thì những người tham dự ở phía dưới không khỏi bụm miệng cười hay lắc đầu ngán ngẩm. Bởi họ đâu có bị mù mắt, điếc tai, mà không thấy, không nghe những vụ việc tiêu cực, những cơ chế tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm, giải quyết công việc mà chính các vị cán bộ lãnh đạo, quản lý nói trên đã và đang tiếp tục thực hiện.
Có trường hợp trong hội nghị cán bộ công nhân viên chức đầu năm, khi thủ trưởng cơ quan lớn tiếng phê phán tình trạng “giờ giấc cao su”, tình trạng đi chậm, rời bỏ nhiệm sở trong giờ làm việc tùy tiện... thì cán bộ, công chức, nhất là những người trẻ tuổi, đều ồ lên kinh ngạc. Họ kinh ngạc bởi chính họ là những người nghiêm túc, đúng giờ giấc, chính vì thế mà họ thường xuyên chứng kiến vị thủ trưởng của cơ quan mình triền miên đi chậm, muộn, thường xuyên vắng cơ quan, điện thoại cũng thường xuyên “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”, ấy vậy mà chính vị thủ trưởng quán quân về “giờ giấc cao su” lại đứng lên hô hào chấn chỉnh giờ giấc thì thực là khôi hài quá sức tưởng tượng.
Cũng tương tự như vậy, các nội dung khác trong cải cách hành chính, thực hiện văn hóa công sở, trong thái độ xử lý, giải quyết công việc với nhân dân, với doanh nghiệp, nếu cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì thật khó để tạo môi trường tốt cho đoàn viên thanh niên thực hiện có hiệu quả.
Nếu ngay ở môi trường giáo dục phổ thông không chữa được căn bệnh chạy theo thành tích, chủ nghĩa hình thức; trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp không ngăn chặn được nạn chạy điểm, xin điểm; trong tuyển dụng không khắc phục được “bằng cấp không bằng bằng lòng”; trong cơ quan đơn vị không sửa được tình trạng làm láo cốt báo cáo hay, trong hệ thống hành chính vẫn “hành là chính”; ở ngoài xã hội thì vẫn sính bằng cấp, thực dụng mọi cách để kiếm tiền, có tiền, coi lương tâm không bằng lương thực...; chất lượng và hiệu quả công việc của hệ thống hành chính ngày càng có vấn đề, ngày càng bất cập và bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả và hiệu lực không cao, nhưng tại các hội nghị sơ kết, tổng kết, giấy khen và hình thức khen thưởng vẫn được phát đại trà, ồ ạt... thì thật khó để tạo dựng môi trường tồn tại và tôn vinh đối với những người tốt, việc tốt, điều tốt. Nếu vàng thau lẫn lộn theo kiểu khen chê thiếu chính xác, tuyển dụng và bổ nhiệm thiếu thuyết phục, các giá trị lệch lạc thì sẽ dẫn đến định hướng về giá trị cũng sẽ lệch lạc, khi đó đoàn viên thanh niên “tìm gương” để học tập chắc hẳn sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Ngô Kiên