Tìm hiểu đôi nét đời sống Tôn giáo của người Lào

08/08/2012 14:33

(Baonghean.vn) - Nước CHDCND Lào nằm ở Đông Nam Châu Á, dân số gần 6 triệu người, diện tích 236.800 km2, trong đó hơn ¾ rừng núi, là nước duy nhất ở Đông Nam Á không có biển. Người dân tộc Lào Lùm chiếm tới 60%, Lào Thoong 30%, Lào Xủng 10%, có 90% cư dân tự nguyện làm tín đồ của Phật giáo phái Tiểu thừa (Nam Tông) du nhập từ Trung Quốc theo ngả phía Nam, qua Thái Lan, Lào, Campuchia rồi sang nước ta.



Một tư thế của tượng Phật phổ biến ở Lào

Theo dòng lịch sử, từ thế kỷ 13, nước Lào đã manh nha xuất hiện. Qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, sự giao lưu, bị xâm lược và chống xâm lược ngoại bang, đến ngày 2/12/1975, lực lượng thân Mỹ ở Lào hoàn toàn thất bại, Vua Lào Xi-xa-vang Vát-tha-na xin thoái vị. Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào chính thức thành lập. Ngày 2-12 hàng năm trở thành ngày Quốc khánh của nước Lào. Nhưng phải chờ đến năm 1991, nước Lào mới có bản Hiến pháp của mình.

Hiến pháp năm 1991 của Lào đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người dân. Có khoảng 18 ngàn tín đồ Thiên Chúa giáo ở Lào, đa số họ thuộc tầng lớp học các trường Pháp ở lại sau năm 1975, cùng một số sắc dân miền núi theo tín ngưỡng vật linh được cải tạo. Đạo Hồi có khoảng 200 tín đồ, rất ít ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nơi đây.

Tín ngưỡng thờ vật linh ở miền núi nước Lào là hình thức tôn giáo nổi trội sau Đạo Phật. Niềm tin vào các vị thần kết hợp với việc thờ cúng tổ tiên.

Người Lào chú ý tới 2 loại thần: Thần Ác và Thần Thiện. Người dân dành khá nhiều thời gian cho cúng tế, nhằm xin các vị Thần Thiện phù hộ độ trì, cũng như để xoa dịu các vị Thần Ác. Hầu hết các làng bản đều có 2 vị thần chính bảo hộ, đó là Phi wat bảo vệ chùa miếu và Phi muang bảo vệ làng bản. Nghe truyền lại, những mảnh vỡ của các pho tượng Phật tìm thấy ở vùng Vientiane có niên đại từ thế kỷ thứ 8, khi người Khmer chiếm đất Lào. Phật giáo được truyền bá vào vùng này vào thế kỷ 11 và 12.

Tín ngưỡng Phật giáo tại Lào có sự xuất hiện của Fa Ngum, là người đã mang pho tượng Phra Bang - một bức tượng Phật nhỏ bằng vàng, đúc ở Sri Lanka, từ triều đình Khmer về nước. Người lào xem đó là biểu tượng của Phật giáo nước mình. Vào thế kỷ 16, vua Sethathirat đứng đầu việc truyền bá Phật giáo bằng sự nghiệp xây dựng nhiều ngôi chùa và tu viện.

Vientiane trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của Đông Nam Á. Vào đầu thế kỷ 19, sau khi Thái Lan vào cướp phá thành phố, tiêu huỷ nhiều chùa chiền, thì địa vị quan trọng của Phật giáo mất đi. Thậm chí, tới sau cách mạng năm 1975, Đạo Phật còn bị suy sụp hơn nữa. Dân chúng bị cấm không được phép bố thí các sư tăng, việc giảng dạy Phật giáo tại các trường tiểu học bị đình trệ !



Nhà sư Lào gốc Việt

Vài thập kỷ gần đây, nhờ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ Cách mạng nhân dân Lào là xây dựng ý thức dân tộc, độc lập, tự chủ, thống nhất, tôn trọng và phục vụ nhân dân các bộ tộc; cổ vũ tinh thần đoàn kết thương yêu đùm bọc giữa các bộ tộc cùng cộng đồng... nên Đạo Phật đang được hồi sinh. Chùa chiền mọc lại, được củng cố. Nhiều ngôi chùa trở thành những trung tâm Phật học có uy tín. Sư sãi trông chờ vào sự bố thí của dân địa phương. Chùa thường xây dựng gần các vùng dân cư đông đúc để mọi người có cơ hội đến chùa mỗi buổi sáng, cúng dường vật phẩm cho các nhà sư đi khất thực dọc đường phố vào lúc rạng đông.

Về vai trò của ngôi chùa trong đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của người Lào, hai soạn giả Đức Ninh - Trần Thúc Việt viết trong cuốn Diện mạo văn học cận hiện đại Lào (2007): Ngôi chùa Lào với vị trí đặc biệt của nó, vừa là trường học lớn, vừa là thư viện lưu trữ văn bản, vừa là nhà hát lớn mở cửa quanh năm, nơi lưu giữ và bảo tồn nền văn hóa - văn học dân tộc.

Tìm hiểu sinh hoạt Tôn giáo của nước Lào anh em, có một điểm cần chú ý: Với hầu hết người dân nước này, không có gì là mâu thuẫn giữa Đạo Phật chủ trương triết lí Từ- Bi- Hỷ- Xả với các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và đồng bào không theo tôn giáo đều sẵn lòng đoàn kết, chung lo xây dựng cuộc sống mới, nhờ thế mà khối đại đoàn kết dân tộc Lào ngày càng rộng mở, có thêm nhiều giá trị nhân văn mới .

Hiệp định Giơ ne vơ về Lào được ký kết ngày 23/7/1962, thừa nhận độc lập, trung lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Và tới ngày ngày 5-9-1962, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức đặt quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Vương quốc Lào. Có chung biên giới và quan hệ với các nước láng giềng như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc nên việc tìm hiểu thêm những nét tương đồng và khác biệt về Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ở nước Lào, chắc chắn sẽ đem lại cho mỗi chúng ta những kết quả bổ ích, thú vị .


Kim Hùng

Mới nhất

x
Tìm hiểu đôi nét đời sống Tôn giáo của người Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO