Tìm “khoảnh khắc Vàng”
(Baonghean) - LTS: Những năm qua, Báo Nghệ An đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí trên các ấn phẩm, trong đó dấu ấn đậm nét là cuộc thi ảnh “khoảnh khắc vàng”. Từ cuộc thi, nhiều tác phẩm ảnh báo chí được khẳng định, trong đó tác phẩm “gặp lại ân nhân” được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia xếp giải B (không có giải A) năm 2012.
Nhân dịp Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam, TTXVN và Hội Nhà báo Nghệ An tổ chức tại Cửa Lò vào ngày 2/8/2013, Báo Nghệ An trích đăng tham luận của Nhà báo, Nghệ sỹ nhiệp ảnh Sỹ Minh (PV Báo Nghệ An) về quá trình đi tìm “khoảnh khắc vàng”.
Ảnh báo chí là một loại hình báo chí trực giác gần gũi, dễ hiểu, một bức ảnh có giá trị có thể diễn tả thay ngàn lời viết. Tất cả các báo, tạp chí, trang web... đều sử dụng ảnh với một khối lượng rất lớn, với nhiều nội dung thể loại khác nhau. Chỉ thống kê sơ bộ trên báo Nghệ An, các ấn phẩm (nhật báo, Báo Nghệ An cuối tuần và Báo Nghệ An điện tử) hàng ngày đăng tải khoảng gần 30 ảnh, như vậy mỗi tháng có tới gần 1.000 bức ảnh được đăng tải, một con số không nhỏ với một tờ báo địa phương.
Tuy vậy, ảnh báo chí hiện nay trên báo Nghệ An cũng là thực trạng chung của nhiều tờ báo trong cả nước, đó là số lượng sử dụng nhiều, ảnh được đặt ở những vị trí trang trọng nhất (có những số báo ở trang nhất ảnh chiếm 2/3 diện tích) nhưng chưa hẳn là những bức ảnh báo chí tốt, có chất lượng mà hầu hết đang phổ biến là ảnh kèm theo tin, ảnh tin, ảnh kèm bài làm cho tờ báo đẹp hơn, bắt mắt hơn. Hiện nay, trên các ấn phẩm báo chí, chúng ta còn rất thiếu và yếu là chưa có nhiều tác phẩm ảnh độc lập, có sức nặng về thông tin và nghệ thuật đặc thù của thể loại báo chí này.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do nhiều cơ quan báo chí chưa thật sự coi trọng giá trị của ảnh báo chí, chưa có các giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới chất lượng ảnh trên báo. Nhiều tờ báo tuy sử dụng số lượng ảnh rất lớn nhưng không có phóng viên ảnh chuyên nghiệp, không có biên tập viên ảnh. Nhiều tòa soạn trang bị máy ảnh cho phóng viên nhưng lại không quan tâm bồi dưỡng cho họ kiến thức về ảnh. Thêm một bất cập nữa đối với ảnh báo chí, đó là giải báo chí địa phương hiện nay ban giám khảo chấm thể loại ảnh báo chí không đủ năng lực để thẩm định, hay nói đúng hơn là không có “nghề” để có thể đánh giá một cách chính xác giá trị thông tin, giá trị nghệ thuật của tác phẩm dự thi.
Phóng viên Trần Hải (Báo Nghệ An) trong một lần tác nghiệp.
Ảnh: Công Kiên
Muốn nâng cao chất lượng ảnh báo chí, phóng viên ảnh báo chí trước hết phải là một nhà nhiếp ảnh thực thụ, đồng thời cần phải được đào tạo kiến thức báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần chuyên nghiệp hóa phóng viên ảnh. Hàng năm, Hội nhà báo nên tổ chức mở các lớp tấp huấn ảnh báo chí cho phóng viên ảnh các báo. Tại các tòa soạn, quy trình tổ chức ảnh cần được xây dựng cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa phóng viên viết, phóng viên ảnh và họa sĩ trình bày, biên tập viên ảnh. Các biên tập viên, thư ký tòa soạn phải được trang bị kiến thức về ảnh nhằm liên kết bài viết và ảnh sao cho hiệu quả nhất, lượng thông tin phong phú và chân thực nhất.
Tại Báo Nghệ An, bắt đầu từ năm 2000, nhận rõ vai trò quan trọng của ảnh báo chí, các thế hệ lãnh đạo của Báo Nghệ An hết sức quan tâm, trăn trở và có nhiều giải pháp quan trọng để làm sao nâng cao chất lượng ảnh báo chí trên báo Nghệ An cả về phương diện con người và công nghệ, kỹ thuật. Người đột phá đầu tiên là nhà báo Nguyễn Thế Kỷ (hiện nay là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương), sau khi được bổ nhiệm về làm Tổng Biên tập Báo Nghệ An năm 2000, đã tuyển ngay phóng viên ảnh và đề xuất mua trang bị máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp thay cho máy phim cho phóng viên ảnh.
Ông là người am hiểu về ảnh nên cũng là người trực tiếp biên tập ảnh. Do vậy, từ năm 2000, chất lượng ảnh được sử dụng trên báo Nghệ An được thay đổi rõ rệt. Hiện nay, kế tục việc nâng cáo chất lượng tờ báo, trong đó có nâng cấp chất lượng ảnh báo chí trên các ấn phẩm, Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan đã xây dựng hẳn một đề án riêng về kế hoạch nâng cao chất lượng ảnh báo chí trên báo Nghệ An với sự tham mưu của phóng viên ảnh và những người có kinh nghiệm chuyên môn ở các báo trung ương, xây dựng đề án thành lập ban ảnh và đầu tư mua sắm máy ảnh chuyên nghiệp cho hầu hết các phóng viên.
Ngoài ra, Ban Biên tập giao Chi hội Nhà báo tăng cường các đợt sinh hoạt nghiệp vụ ảnh báo chí. Các kỹ thuật viên được gửi đi học xử lý ảnh, tách màu điện tử tại một số tờ báo trung ương. Bên cạnh đó, việc sử dụng ảnh cũng rất khắc khe; phóng viên nào có ảnh kèm bài viết không đạt sẽ bị buộc chụp lại hoặc không sử dụng bài. Đặc biệt, năm 2012, Báo Nghệ An đã tổ chức giải ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” lần thứ nhất thành công, hầu hết các PV, CTV của tờ báo đều có tác phẩm dự thi, Ban giám khảo là những nhà báo ảnh chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao ở Trung ương và địa phương. Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi “Gặp lại ân nhân” của tác giả Hữu Nghĩa, đã đoạt giải B giải Báo chí Quốc gia 2012 (không có giải A).
Tuy vậy, bên cạnh, đó Báo Nghệ An vẫn đang còn một số hạn chế chưa được khắc phục, đó là hiện nay chưa có biên tập ảnh, sự phối hợp giữa phóng viên ảnh và bộ phận thư ký trình bày chưa chặt chẽ. Từ năm 2013, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng báo Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo đã được Tỉnh ủy Nghệ An phê duyệt, Báo Nghệ An đã và đang thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng trên mọi phương diện thì chắc chắn những hạn chế trên sẽ từng bước được khắc phục, xứng tầm với lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển, xứng đáng tờ báo đảng trên quê hương Bác Hồ kính yêu.
Hồ Sỹ Minh