Tìm lại những mảnh đời lầm lạc

16/10/2013 15:17

(Baonghean) - Ở huyện biên giới Kỳ Sơn có một tập thể những người đang ngày đêm lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến, tìm ra các phương pháp thích hợp và hiệu quả để phục vụ công tác cai nghiện ma túy. Đó là những cán bộ ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (TTGDLĐXH) huyện Kỳ Sơn.

Chúng tôi đến Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội huyện Kỳ Sơn - nơi mà nhiều người vẫn gọi tắt là trung tâm cai nghiện vào một ngày nắng dịu. Hai bên con đường nhỏ dẫn từ Quốc lộ 7 vào trung tâm thấp thoáng những học viên trong chiếc áo xanh đang tẩn mẩn cắt tỉa từng cành cây, ngọn cỏ. Với suy nghĩ “trại cai nghiện” là một thế giới riêng, nơi chỉ có những cơn đói thuốc vật vã, những cánh tay lở loét hay chạm trổ, những ánh mắt dữ dằn, lăm lăm tìm cách bỏ trốn, vậy nhưng khi bước vào thăm nơi lao động, cải tạo và học nghề của những người đang cai nghiện ở đây, tôi mới thấy hoàn toàn ngược lại. Đây là nơi mà những học viên người dân tộc Mông, Thái, Khơ mú, Kinh đang ngày đêm cố gắng dứt bỏ cái chết trắng, là nơi mà cán bộ và người cai nghiện không có khoảng cách, không có sự kỳ thị và ai cũng được đối xử công bằng, được tôn trọng. Nơi mà vào mỗi buổi sáng thứ 2 hàng tuần, gần 150 con người cả cán bộ lẫn học viên đều nghiêm trang đứng dưới lá cờ Tổ quốc, dưới ảnh chân dung Bác Hồ để làm nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, báo cáo những việc đã làm được, những hạn chế của mình và hứa sẽ quyết tâm tiến bộ trong tuần tới…

Đang say sưa cầm kìm uốn thép gai, chàng trai có dáng người mảnh khảnh, nụ cười hiền nhưng ánh mắt hơi mệt mỏi chậm rãi tâm sự về cuộc đời mình. Sinh tra trong gia đình khá giả ở huyện Kỳ Sơn. Sau khi học xong phổ thông, cậu là một trong số rất ít thanh niên người dân tộc Khơ mú thi đậu vào đại học. Nhưng khi xa bản làng, xuống nơi phồn hoa đô thị, sẵn có tiền, chàng sinh viên phố núi đã đánh mất mình, “dính” vào ma túy lúc nào không hay. Suốt ngày lêu lổng với đám bạn nghiện ngập, không chịu học hành và bị nhà trường phát hiện, đuổi học. Bố mẹ của cậu tá hỏa, đưa con về nhà tìm cách chữa chạy. Dù người thân đã dùng hết các biện pháp, từ xích chân tay để khống chế, dọa nạt, nịnh phỉnh nhưng cậu quý tử vẫn chứng nào tật ấy. Cực chẳng đã, họ đưa con đi cai nghiện ở TTGDLĐXH huyện Kỳ Sơn.

Những ngày đầu, cậu bất hợp tác với cán bộ, một mực đòi về, thậm chí tìm cách liên lạc với đám bạn xấu để tìm cách đưa ma túy vào trại. Những lúc lên cơn đói thuốc, chàng trai hiền lành bỗng trở nên như một con thú đói mồi, vật lộn, khóc lóc, rên rỉ, dữ tợn. Các cán bộ của trung tâm vẫn kiên trì động viên, răn đe, cho dùng các loại thuốc cắt cơn nghiện, thậm chí mát xa, tắm nước nóng để dịu bớt các cơn đói thuốc. Đến nay, sau 3 tháng, tình trạng đói thuốc bắt đầu giảm dần, cậu đã cắt được cơn và được chuyển sang giai đoạn vừa điều trị tích cực, vừa học nghề. Được cưng chiều từ nhỏ, hầu như cậu không biết làm việc gì, nhưng các cán bộ của trung tâm vẫn không nản lòng. Có lúc, đích thân ông Nguyễn Trung Châu, Giám đốc trung tâm đến cầm tay, chỉ việc và khuyên bảo, tâm sự như một người bố với đứa con trai lầm lạc. Sau những lần như vậy, cậu thanh niên bắt đầu ngộ ra, tiến bộ dần, chấp hành nghiêm túc các nội quy, quy định của trung tâm, được các học viên bầu làm Đội trưởng đội cai nghiện.

Học viên Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội huyện Kỳ Sơn trong giờ học nghề.
Học viên Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội huyện Kỳ Sơn trong giờ học nghề.

Một học viên khác đã 40 tuổi ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn có “thâm niên” sử dụng ma túy nhiều năm. Ông ta trở thành gánh nặng của vợ con, bao nhiêu tài sản trong nhà đều đội đón ra đi theo làn khói trắng. Không những thế, ông còn có những việc làm, hành vi gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Cách đây gần 1 năm, chính quyền địa phương lập danh sách đưa đi cai nghiện bắt buộc. Cũng như nhiều người nghiện khác, những ngày mới vào trung tâm đối với người đàn ông này là một cực hình với những cơn đói thuốc vật vã, những lần sợ đụng vào nước tắm. Phải mất hơn 1 tháng vừa nhỏ nhẹ thuyết phục, vừa dọa nạt nghiêm khắc, vừa đưa người khác ra làm gương, các cán bộ của trung tâm mới dần cảm hóa và làm cho ông dần hiểu ra, chấp hành các quy định của trung tâm. Khi tư tưởng đã thông, ông trở thành học viên tốt, chăm lo học nghề, được trung tâm đưa vào làm đầu bếp, phục vụ cán bộ và phạm nhân, chờ đợi ngày hết hạn giáo dục tập trung để trở về với gia đình…

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm mảnh đời lầm lỗi đã được cứu rỗi sau khi trở thành học viên của TTGDLĐXH huyện Kỳ Sơn. Họ vào đây bằng hai con đường cơ bản là cai nghiện bắt buộc, có danh sách theo dõi của công an và cai nghiện tự nguyện theo mong muốn của bản thân học viên và gia đình. Dù vào bằng cách nào thì mục tiêu chung của họ là đoạn tuyệt với cái chết trắng, với nàng tiên nâu để trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Dẫn chúng tôi dạo quanh khu trung tâm được bao bọc bởi bức tường rào với lớp thép gai chắc chắn ở phía trên, ông Nguyễn Trung Châu hướng mắt nhìn về phía những học viên mặc áo xanh đang say sưa uốn dây thép gai tâm sự rằng, nhiều người vẫn nghĩ, thế giới của người nghiện kinh khủng lắm, vào đây luôn phải đề phòng này khác. Nhưng phải sống với họ, đồng cảm và chia sẻ với họ thì mới biết được thế giới của họ như thế nào. Vừa nói, ông Châu vừa giới thiệu chiếc ao hình bán nguyệt và ngôi chòi bằng gỗ và tự hào khoe: “Đó là thành quả đầu tiên của lớp học nghề mộc sau cắt cơn. Khi đã cắt được cơn, dứt được ma túy thì họ hiền vô cùng”.

Để công tác cai nghiện đạt hiệu quả, các cán bộ TTGDLĐXH huyện Kỳ Sơn đã đưa ra “sáng kiến” chia người nghiện thành 3 nhóm đối tượng gồm: những người đã có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy nặng; những người mù chữ và những người nghiện ma túy nhưng biết chữ, có trình độ văn hóa. Theo đó, mỗi nhóm đối tượng sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Với nhóm thứ nhất, phải thắt chặt kỷ luật theo kiểu quân đội. Nếu ai không làm đúng quy trình, lập tức sẽ bị kỷ luật. Với nhóm thứ 2, ngoài việc điều trị cắt cơn, các học viên sẽ được dạy chữ để xóa mù, còn nhóm đối tượng thứ 3 phải vừa kết hợp cắt cơn, cai nghiện vừa dùng biện pháp tâm lý, phân tích giảng giải. Các cán bộ ở đây xác định, “nghề cai nghiện” rất công phu, phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ năng, nghiệp vụ bởi cán bộ vừa phải thực hiện việc cắt cơn, vừa chữa bệnh, vừa ngăn chặn các hành vi bỏ trốn, chống trả liều lĩnh của học viên mỗi khi đói thuốc, thậm chí phải tiếp xúc thường xuyên với những người nghiện đã bị nhiễm HIV hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao phổi, vừa phải dạy chữ, dạy nghề cho họ.

Điều đó đòi hỏi mỗi người phải có tâm huyết và quan trọng nhất là phải có tình thương yêu, tuyệt đối không xa lánh, kỳ thị các học viên vì bất cứ lí do nào. “Ở đây, mỗi người đều coi trung tâm như là gia đình, coi học viên như con để xây dựng gia đình và dạy bảo. Trong đại gia đình ấy, “bố mẹ” phải là người nêu gương cho con cái. Các cán bộ của trung tâm còn xây dựng 10 lời thề để tự mình học thuộc và bắt buộc các học viên phải học thuộc, có sự kiểm tra mỗi ngày. Trong giờ làm việc, tất cả phải thực hiện 3 không: không thuốc lá, không uống rượu, không mặc thường phục để tạo nên sự trang nghiêm, kỷ luật”, nữ cán bộ trẻ Nguyễn Thị Anh cho biết. Chị Anh quê ở huyện Yên Thành, chưa lập gia đình, vào đây làm việc, chỉ nghĩ đơn giản là công việc tạm thời nhưng khi hiểu rõ về nghề rồi thì chị không còn ý định đó nữa, mà tự lúc nào, cô gái trẻ ấy thấy mình đã thật sự gắn bó với mái nhà, với vùng đất đặc biệt này.

Bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của mình, các cán bộ ở đây đã không quản ngại khó khăn, mày mò những phương pháp cắt cơn theo phương pháp dân gian kết hợp với hiện đại. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức cho các học viên tự bình chọn theo hình thức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Theo tuần, tháng, quý và năm, các học viên trong mỗi tổ sẽ bình bầu ra người nào tiến bộ nhất. Những người được bình bầu tiến bộ nhiều tuần sẽ được gặp vợ con, người thân trong “phòng hạnh phúc” tại trung tâm. Trong năm, người nào được bình chọn nhiều tháng, nhiều quý nhất sẽ được giảm thời gian cải tạo, giáo dục. Hình thức bầu chọn này được tất cả các học viên và người nhà ủng hộ, vì vậy, các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng trở thành ngày hội thực sự của mỗi học viên. Ở trung tâm, mỗi người có thể tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình và được những người khác tôn trọng. “Chúng tôi là những người dính đến ma túy, thậm chí có người là tội phạm, có người mang bệnh truyền nhiễn nguy hiểm. Bên ngoài, chúng tôi bị người thân, bạn bè kỳ thị và xa lánh, nhưng khi ở trung tâm, chúng tôi thấy mình được tôn trọng, được đối xử công bằng và được cảm thông, chia sẻ. Quan trọng là được đón nhận được tình yêu thương của các cán bộ, nên chúng tôi đều nỗ lực học tập, cải tạo thật tốt để sớm dứt bỏ được ma túy”, một học viên người dân tộc Thái ở xã Hữu Lập tâm sự.

Phương pháp dạy nghề ở đây cũng rất đặc biệt, không chỉ cầm tay chỉ việc cho đến khi thuần thục mà hàng tuần, hàng tháng trung tâm đều có các đợt kiểm tra tay nghề, ai làm giỏi sẽ được khen… Hiện nay, mỗi năm trung tâm tiếp nhận hơn 100 học viên vào cai nghiện, chu trình thời gian 2 năm sẽ có khoảng 50% học viên được trở về nhà. Nhiều học viên sau khi cai nghiện và học nghề đã tự kiếm sống và vươn lên bằng chính nghề mình được học, trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình, vợ con.

Rời phố núi Mường Xén, rời TTGDLĐXH huyện Kỳ Sơn theo con đường uốn lượn quanh co, chúng tôi trở về Thành phố Vinh. Suốt dọc đường, cứ nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ: "Đối với những ai lầm đường lạc lối, chúng ta phải dang rộng đôi tay, cảm hóa họ, phải khoan hồng độ lượng…” mà tất cả cán bộ, công nhân viên ở trung tâm đều thuộc lòng và lấy làm mục tiêu, động lực để phấn đấu.

Nguyên Khoa

Mới nhất

x
Tìm lại những mảnh đời lầm lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO