Tín dụng nhân văn cho người lầm lỗi
Công tác tái hòa nhập cộng đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, việc họ được tạo điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế đã góp phần tạo điểm tựa vững chắc, giúp người lầm lỗi vươn lên, ổn định cuộc sống.
Làm lại cuộc đời nhờ vốn chính sách
Đón chúng tôi bằng nụ cười bẽn lẽn, đôi bàn tay đang nhem nhuốc vì mới kiểm tra chiếc xe tải sẵn sàng cho chuyến hàng mới, anh Huỳnh Trung Tú (SN 1989), trú tại xóm Minh Cầu, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) thành thật chia sẻ, anh đã từng phải chấp hành án phạt tù 7 năm 4 tháng về tội “Giết người”. Trước đó, chỉ vì mong được gặp con và nối lại tình cảm với vợ nhưng không được chấp nhận, sẵn hơi men trong người, Tú rút dao đâm vào người vợ rồi tự sát nhưng không thành. Nhát dao oan nghiệt khiến người vợ trẻ ra đi mãi mãi, còn Tú cũng phải trả giá trước pháp luật.
Chấp hành xong án phạt tù, trở về hòa nhập cộng đồng, không có vốn làm ăn, con nhỏ đang ở độ tuổi đi học, người đàn ông đó đứng trước nhiều cám dỗ của cuộc đời. May mắn được Công an xã và Tổ tín dụng và vay vốn xóm quan tâm thông tin, tư vấn về chính sách vay vốn ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh Tú đã bàn với gia đình làm hồ sơ vay vốn khởi nghiệp, làm lại cuộc đời.
Chị Trần Thị Lan, Tổ trưởng Tổ tín dụng và vay vốn xóm Minh Cầu, xã Minh Hợp cho biết: Ngay khi có chương trình, chúng tôi đã họp ban cán sự xóm, các tổ chức hội, đoàn thể để xét tiêu chí, điều kiện đối với anh Tú. Bản thân anh Tú là người chịu khó làm ăn, gia đình lại rất ủng hộ và bảo lãnh khoản vay nên Tổ đã đồng ý để đề xuất UBND xã và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải quyết cho anh Tú vay 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù.
Với số vốn được hỗ trợ, anh Tú đã mua được 6 vạn keo giống để canh tác trên diện tích rừng của gia đình. Khi số keo đã lên xanh tốt, để có thêm thu nhập nuôi con ăn học, anh Tú đã nhận thêm lái xe tải chở hàng, kinh tế gia đình dần đi vào ổn định.
Tương tự, một phút không làm chủ được bản thân cũng khiến anh Nguyễn Công Hoan (SN 1982), trú tại xóm Minh Kính, xã Minh Hợp phải trả giá bằng bản án 1 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Lúc chồng nhận bản án cũng là lúc chị Trương Thị Thanh Huyền - vợ anh Hoan phải gánh vác kinh tế gia đình, chăm bố mẹ già và 3 con nhỏ.
Ngay trong thời gian thi hành án tại Trại giam Công an tỉnh Nghệ An, anh Hoan đã được các cán bộ phổ biến về chương trình cho vay vốn. Nên khi được trở về nhà, anh ngay lập tức bàn với vợ lập hồ sơ, hai vợ chồng như tìm thấy lối thoát cho bế tắc của gia đình. Với số vốn 100 triệu đồng, vợ chồng anh chị đã vay thêm 10 triệu đồng từ người thân để mua 6,5 vạn cây giống keo và phân bón để trồng rừng.
“Vay được vốn, vợ chồng tôi mừng lắm nhưng cũng áp lực vì đoàn thể địa phương, tổ vay vốn đã rất tin tưởng mà nay mình không hoàn thành được thì sợ mọi người thất vọng. Cũng may được bà con láng giềng giúp đỡ nên nay 2 héc-ta keo của gia đình em đã lên xanh ngang thân người”, chị Huyền chia sẻ.
Trồng xong đồi keo gia đình, anh Hoan xin đi làm thợ xây, số tiền công của anh đủ lo nhu cầu thiết yếu gia đình cũng như thanh toán tiền lãi 570.000 đồng/tháng, đủ gửi 100.000 đồng tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm. Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Hoan, chị Huyền bày tỏ hy vọng sau 4 năm, với số tiền thu hoạch từ 2 héc-ta keo đó, gia đình anh chị sẽ trả được khoản vay và có thêm vốn để tiếp tục phát triển kinh tế.
Đó chỉ là 2 trong 293 người chấp hành xong án phạt tù tại Nghệ An được vay vốn lãi suất ưu đãi. Nhờ có nguồn vốn này nhiều cơ hội mới được mở ra đối với những người đã từng lầm lỡ trở về.
Ngăn ngừa nguy cơ tái phạm
Nghệ An là địa phương có số người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương hàng năm rất lớn. Nhưng thực tế cho thấy rằng, người chấp hành xong án phạt tù trở về còn gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng, khó có thể tìm được công việc dẫn đến không đủ điều kiện để nuôi sống bản thân. Điều này dễ tạo tâm lý tiêu cực khiến họ quay trở lại con đường phạm tội.
Bởi vậy, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù như ngọn lửa thắp lên những tia hy vọng làm lại cuộc đời của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trên tinh thần đó, ngày 14/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 860/KH-UBND nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Kế hoạch phân công rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù cũng như các cơ sở kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành án phạt tù được vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, người vay vốn để đào tạo nghề được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng. Còn đối với những người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì được vay tối đa là 100 triệu đồng. Riêng cơ sở kinh doanh có người hoàn lương làm việc thì có thể cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Dựa trên cơ sở đó, công an các cấp sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách cho các phạm nhân đang chấp hành án và những người đã chấp hành xong án đã đủ điều kiện. Đặc biệt, công an các xã sẽ là đơn vị trực tiếp lập danh sách những người vay đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn.
Tổ tín dụng và vay vốn cũng như chính quyền địa phương cấp xã sẽ họp bàn đánh giá các tiêu chí, điều kiện của người làm hồ sơ, đánh giá tính khả thi của hồ sơ vay vốn để đảm bảo khách quan, đúng đối tượng. Đây chính là những “rào chắn” giúp giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn.
Bà Lê Thị Minh - Xóm trưởng xóm Minh Cầu, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp), thành viên Tổ tín dụng và vay vốn cho biết: “Nhà nước đã quan tâm tạo chính sách tốt cho những người hoàn lương thì không cớ gì chúng tôi lại bỏ mặc những người chấp hành án trở về. Đặc biệt, hầu hết đối với những trường hợp chấp hành án trở về địa phương thì đều là làng xóm với nhau, có những người chúng tôi xem như con, cháu trong nhà. Không chỉ thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, chúng tôi còn chung tay góp công, góp sức để hỗ trợ, động viên họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; hạn chế được nguy cơ tái phạm tội tại cộng đồng”.
Được biết, sau hơn 1 năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, tính đến cuối tháng 11/2024, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã giải quyết hồ sơ, thủ tục cho vay đối với 293 khách hàng với số tiền được giải ngân là 26,5 tỷ đồng.
Ông Hoàng Sơn Lam - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH chia sẻ: “Chỉ mới triển khai 1 năm, còn rất sớm để đánh giá hiệu quả của các mô hình, nhưng đây thực sự là chương trình thiết thực giúp người lầm lỗi xóa bỏ rào cản tâm lý, tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời. Kể từ khi triển khai đến nay, tất cả các khách hàng vay vốn đều đảm bảo thời gian trả lãi và có khoản tiết kiệm hàng tháng. Với quy trình đánh giá đối tượng cho vay chặt chẽ đã góp phần thể hiện hiệu quả, tính khả thi cũng như nỗ lực, sự trách nhiệm của những người được vay”.