Tín hiệu vui cho làng nghề!
(Baonghean) - Trong những ngày đầu năm mới 2015 này, Văn phòng đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại Nghệ An được thành lập, với kỳ vọng sẽ là đầu mối cung cấp thông tin và khâu nối các hoạt động của làng nghề, xúc tiến thương mại… để đưa nhiều sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh vươn ra thị trường thế giới.
Văn phòng đại diện của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ra đời tại Nghệ An đặt ra những mục tiêu mới trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề; đặc biệt khi Nghệ An là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống, với những làng nghề có tuổi hàng trăm năm. Giá trị to lớn và quý báu của làng nghề không chỉ giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn, mà quan trọng hơn chính là các làng nghề đã lưu giữ và phát triển những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Sản xuất đồ mộc tại Làng nghề mộc Phúc Nghĩa (Quỳnh Lưu). |
Toàn tỉnh hiện có 133 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, với nhiều nghề truyền thống gồm: mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất chổi đót, chiếu cói, giấy dó, mộc dân dụng và mỹ nghệ, đóng tàu thuyền, trống, nghề dâu - tằm - tơ, móc sợi, dệt thổ cẩm, chẻ chu hương, sản xuất hương… ở 17 huyện, thành, thị (4 huyện chưa có làng nghề là Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp và Quế Phong).
Nhìn chung, chất lượng hoạt động của các làng nghề chưa được như mong muốn, trong đó có 30 làng nghề yếu kém và 5 làng nghề đã ngừng hoạt động. Vấn đề được xác định hiện nay là, để phát triển các làng nghề bền vững cần nhiều yếu tố bổ trợ, nhưng quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm và đầu ra cho hàng hóa.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Xuân Thịnh - Phó Văn phòng đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam tại Nghệ An cho biết: Văn phòng đại diện sẽ khâu nối và tiếp cận với các làng nghề trên địa bàn nhằm kịp thời nắm bắt những tồn tại, vướng mắc để cùng phối hợp với chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho các làng nghề yếu kém.
Với vai trò của mình, Văn phòng sẽ thường xuyên cung cấp thông tin liên quan đến sự phát triển nghề và làng nghề, nhằm giúp các làng nghề truyền thống ở địa phương nắm bắt kịp thời để chủ động hoạch định phương án sản xuất, kinh doanh sao cho có hiệu quả nhất.
Sắp tới, văn phòng sẽ phát triển thêm hội viên, thành viên để hình thành đầu mối ở từng cụm, từng vùng trong tỉnh, nhằm sâu sát hơn với cơ sở; đồng thời thực hiện các chương trình của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam triển khai trên địa bàn Nghệ An nhằm khôi phục, duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống vốn có. Cụ thể là xây dựng mối liên kết với những làng nghề tiêu biểu của các tỉnh để hỗ trợ phối hợp phát triển làng nghề Nghệ An trong những năm tiếp theo; qua đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề Nghệ An đến với người dân tỉnh bạn, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Dệt thổ cẩm ở HTX Hải Vân (Con Cuông). |
Hiện tại, Văn phòng đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam tại Nghệ An đã đề ra chương trình hoạt động giai đoạn 2015 - 2020 gồm: Chấn hưng và phát triển nghề, làng nghề bằng những việc làm cụ thể, như phối hợp thực hiện quy hoạch, cụm, khu công nghiệp, thủ công nghiệp góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề. Nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thực hiện liên kết, hợp tác giữa các tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền tôn vinh các danh hiệu nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ; tổ chức việc giữ nghề và truyền nghề của các nghệ nhân lão thành cho lớp trẻ và mở các lớp tập huấn bồi dưỡng cho người lao động, cán bộ quản lý về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng nghề…
Bên cạnh đó, để phát triển doanh nghiệp, nghề và làng nghề trong những năm tiếp theo, cần thực hiện việc trợ giúp các tổ chức sản xuất, kinh doanh nghề, làng nghề về đăng ký kinh doanh, lập dự án sản xuất, kinh doanh; tiếp cận các nguồn vốn, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, giá trị văn hóa của sản phẩm nhằm tạo sự cạnh tranh tốt trên thị trường trong, ngoài nước. Phối hợp cùng cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm giúp làng nghề phát triển bền vững.
Ngoài ra, không thể thiếu chương trình xúc tiến thương mại, do đó hướng dẫn các thành viên xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Đưa thành viên đi tham quan, khảo sát, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại, bán hàng, ký kết hợp đồng kinh doanh… Hướng tới quy hoạch xây dựng một số làng nghề thành điểm du lịch văn hóa, tổ chức du lịch đến các làng nghề cho du khách trong, ngoài nước, qua đó tăng thêm giá trị thu nhập cho địa phương.
Với những chương trình, việc làm cụ thể của Văn phòng đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam tại Nghệ An như trên, hy vọng tất cả sẽ thực sự đi vào cuộc sống và có tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của làng nghề tỉnh nhà. Đó chính là điều mà mỗi người dân làng nghề cũng như chính quyền địa phương đang mong đợi.
Bài, ảnh: Quỳnh Lan