Tình người Thanh Xuân với vị Đại tướng hiếu nghĩa
(Baonghean) - Trong những ngày này không chỉ ở quê nhà Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, hay ở tư dinh 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, mà ngay cả ở quê hương phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người người vẫn tìm về thắp hương tưởng nhớ…
Thanh Xuân - một xã miền núi phía nam huyện Thanh Chương, nơi người dân vất vả quanh năm với đồng chiêm mùa trũng, lũ lụt thường xuyên, nhưng tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Thanh Xuân đã ghi danh những con người đã đi vào lịch sử như: Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, Đặng Thúc Hứa, Đặng Thai Mai… Gia đình cố Giáo sư Đặng Thai Mai có 6 người con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Năm 1946, bà Đặng Bích Hà – con gái đầu của ông, xe duyên cùng vị Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam. Võ Nguyên Giáp. Tướng Giáp trở thành người con rể vĩ đại trong một gia đình, dòng họ nổi tiếng xứ Nghệ.
Ông Đặng Bá Hương kể lại chuyện ngày Đại tướng về thăm nhà thờ họ Đặng (xã Thanh Xuân). |
Mấy chục năm qua, người dân Thanh Xuân vẫn nhớ như in ngày Đại tướng về thăm quê vợ, đó là vào mùa lụt năm 1986. Theo các cụ cao niên ở đây cho biết: “Đoàn xe của Đại tướng qua phà Rộ, rồi theo đường cái bụi đỏ về Thanh Xuân”. Cán bộ nhân dân địa phương nghe tin Đại tướng về thăm vô cùng phấn khởi, khẩn trương tu sửa đường sá. Nhưng do lụt mới xong, khi Đại tướng về, đường quê vẫn còn lầy lội. Bà con xa gần không kể già trẻ gái trai tập trung rất đông. Ai cũng mong được gặp, được nhìn thấy tận mắt người con rể của họ Đặng, của làng – vị tướng tài ba nổi tiếng. Sau khi thắp hương tại nhà thờ, Đại tướng đứng trước sân nhà cố giáo sư, vui mừng tâm sự chuyện trò với bà con.
Đại tướng căn dặn nhân dân Thanh Xuân phải tự thân vận động, lợi dụng tự nhiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển vườn rừng, trồng cây phủ trống đồi trọc; trồng mít lấy lá nuôi dê, lấy quả để ăn, để làm nhút, lấy thân làm gỗ; đôn đốc cháu con học tập, phát huy truyền thống cách mạng, hiếu học của quê hương. Ông Hồ Bá Hương (cháu họ của cụ Đặng Thai Mai, gọi Đại tướng bằng anh) nhớ lại: “Về đến làng, anh Văn thăm hỏi cụ già, chuyện trò cùng con trẻ, vui vẻ cùng mọi người. Sau khi thắp hương ở nhà thờ, Anh Văn mới mời anh em họ tộc bên ngoại cùng nói chuyện chân tình về tình hình họ tộc, quê hương. Anh Văn đề nghị anh em trong dòng tộc phải năng động, sáng tạo, tích cực học tập để tự thân vận động phát triển, vươn lên trong sự nghiệp...
Sự ra đời của nhà lưu niệm Đặng Thai Mai cũng xuất phát từ ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là bà Đặng Bích Hà. Trong quá trình xây dựng nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai, Đại tướng quyết định tập trung anh em lại cho sửa sang, tôn tạo nhà thờ họ, xây thêm nhà lưu niệm cho cụ bà Hồ Thị Toan (vợ cụ Mai), đưa các loại vật dụng gia đình xưa như chum, vại vào trong để cháu con tưởng nhớ. Năm 2002, hai nhà lưu niệm này hoàn thành...”.
Do điều kiện về thời gian và nhiệm vụ, không thể ở lại lâu hơn, Đại tướng đã phải chia tay bà con quê vợ trong sự luyến lưu của mọi người. 26 năm rồi, kỷ niệm về Đại tướng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người chứng kiến.
Anh Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Xuân kể về chuyến cán bộ địa phương ra thăm, chúc thọ Đại tướng vào năm 2004. Nói chuyện cùng cán bộ địa phương, Đại tướng nói chuyện tâm tư tình cảm, tình hình quê hương, nhắc nhở anh em cán bộ hoàn thành việm vụ gánh vác trách nhiệm đưa đời sống nhân dân địa phương đi lên. Và dịp đó, Đại tướng đã tặng Thư viện Trường THCS Đặng Thai Mai hơn 400 đầu sách... Năm 2006, nói chuyện cùng đoàn cán bộ huyện Thanh Chương ra thăm, sau khi hỏi tình hình của huyện, Đại tướng nhắn nhủ: “Dân quê ta (Thanh Chương - PV) rất cần cù, cách mạng và hiếu học. Đất nước đổi mới đã mang lại những thời cơ và thuận lợi mới. Thanh Chương còn nhiều khó khăn nhưng phải biết tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để vươn lên. Cán bộ phải đoàn kết, phải luôn luôn biết gần dân, tôn trọng dân, học dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân, phải biết phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến vào cuộc chiến thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu”.
Trong căn nhà 7 gian khói hương nghi ngút của cố GS Đặng Thai Mai, mọi người thành kính trước anh linh cố giáo sư và tưởng nhớ về người con rể vĩ đại của ông. Anh Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Xuân Liên, đồng thời là thành viên Ban Quản lý Khu di tích nhà thờ họ Đặng và nhà lưu niệm Đặng Thai Mai cho biết: “Sau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, các ban ngành, đoàn thể huyện Thanh Chương, xã Thanh Xuân, giáo viên, học sinh các trường học tại địa phương, anh em, bà con xa gần đã tới đây thắp hương tưởng nhớ. Từ khi Đạị tướng mất, di tích ngày nào cũng có người đến thăm viếng”.
Theo lời căn dặn của Đại tướng, nhân dân Thanh Xuân đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Cây cối đã phủ xanh đồi trọc, đập Quảng Không đã tắm mát các cánh đồng, những con đường nhựa, đường bê tông đã về ngõ xóm, nhà nhà trồng mít nuôi dê, nhiều gia đình có các con đi vào đại học… Cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt và trong sâu thẳm trái tim và khối óc của người dân nơi đây, cũng như đồng bào cả nước, Đại tướng vẫn còn sống mãi.
Thành Chung - Huy Thư