"Tình vận" giỏi ở nghĩa đồng
(Baonghean) - Về Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), chuyện làm nông thôn mới đổi thay bộ mặt xóm làng thì nhiều lắm. Nhưng chuyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn đến giờ vẫn đọng lại niềm vui. Bà con kể: “Làm đường mà như ngày hội. Nhà mô cũng tham gia hết. Đường làm đến ngõ nhà ai là nhà ấy có chè xanh, có lạc rang mang ra mời. Tình làng nghĩa xóm, vì vậy thêm bền chặt”.
Năm 2011, toàn xã mới có 7 km đường bê tông, thế mà đến 2014 đã có tới 45 km đường. Vậy là chỉ còn chừng 5 km nữa, toàn xã đi đường bê tông cả. Người dân hiến đất để làm đường lên tới 20.000m2, tương đương 1,8 tỷ đồng. Nhưng “lạ tai” nhất là khi hỏi chuyện bà con về căn nguyên của sự đồng thuận ấy. “Ờ, mấy ông cán bộ xóm, cán bộ xã tình vận giỏi lắm đó”. Tò mò: “Tình vận” là răng bác? “À, nơi khác thì gọi dân vận, nhưng ở đây chúng tôi “cụ thể hóa” hơn, gọi là “tình vận”. Nỏ phải đầu tiên ai cũng “thông” cả mô. Mấy ông cán bộ đến từng nhà, vận động chưa thông thì các ông ấy nhờ đến người có uy tín trong dòng tộc, trong làng xóm nói. Các ông ấy còn gọi điện cho con, cháu họ hàng của từng gia đình mãi tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhờ họ gọi ngược về quê nhà để vận động cha mẹ, anh em hiến đất. Rứa là chúng tôi cũng xuôi chớ. Làm cái đường cho mình đi hàng ngày mà. Nhà mình, xóm mình sẽ đẹp hơn. Có thế quê hương mới phát triển được”.
Đường bê tông nông thôn ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). |
Chúng tôi gặp anh Trần Văn Trung - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Nghĩa Đồng, hỏi thêm về chuyện “tình vận”. Anh cười: “Đó là câu đùa của dân Nghĩa Đồng chúng tôi đấy. Vận động bà con bằng cái lý thì ai cũng rõ rồi. Nhưng để giữ cái lý mà thấm thêm cái tình, ấy mới bền vững được. Đi vận động bà con hiến đất, đóng góp xây dựng nông thôn mới, cũng phải bắt đầu từ cái riêng, rồi tới cái chung. Cán bộ nói một, nhờ anh em, bà con nói mười. Thậm chí, chúng tôi đi nghe kinh nghiệm, tâm tư của những người dân xã Sơn Thành (Yên Thành), xã xây dựng thành công nông thôn mới trước đó, về truyền đạt lại cho bà con, chứ không hề áp đặt cái ý chủ quan của cán bộ xã chúng tôi. Vậy là, bà con nghe ra. Thấy bà con nơi khác người ta nghĩ được, làm được vậy, hà cớ gì mà ta lại không? Vậy là có được sự đồng thuận…”.
Xem ra, chuyện “tình vận” giỏi ở Nghĩa Đồng cũng đáng để nhiều địa phương học tập!
T.V