Tình yêu không "khuyết tật"
Khi nghe cô con gái giới thiệu người yêu mình là một chàng trai bị liệt hai chân, bà Vịnh như muốn ngất xỉu, kiên quyết không cho hai đứa cưới nhau. Sau 3 năm, tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ đã thuyết phục được mọi người. Đám cưới diễn ra trong niềm vui, hạnh phúc và xúc động... Nghị lực của chàng trai khuyết tật
(Baonghean) - Khi nghe cô con gái giới thiệu người yêu mình là một chàng trai bị liệt hai chân, bà Vịnh như muốn ngất xỉu, kiên quyết không cho hai đứa cưới nhau. Sau 3 năm, tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ đã thuyết phục được mọi người. Đám cưới diễn ra trong niềm vui, hạnh phúc và xúc động...
Nghị lực của chàng trai khuyết tật
Những ngày này, người dân xã Nghi Đức, Thành phố Vinh bàn tán xôn xao về đám cưới đặc biệt của anh Phạm Văn Thường (30 tuổi) – người bị liệt hai chân từ nhỏ và chị Nguyễn Thị Như Vân (27 tuổi), một cử nhân kế toán đẹp người, đẹp nết ở tỉnh Thái Bình...
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, được 8 tháng tuổi, bé trai Phạm Văn Thường bị sốt cao. Bố mẹ Thường đưa con chạy chữa khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, nhưng các bác sĩ cũng bó tay, phải chấp nhận cảnh bại liệt hai chân. Tuổi thơ của Thường lớn lên cùng chiếc giường ọp ẹp nơi góc nhà. Thương con, bà Nguyễn Thị Thái khóc cạn nước mắt, suốt ngày ở bên để động viên con trai. Lên 6 tuổi, Thường tập đi lại theo kiểu vồ ếch, hai tay chống xuống đất để di chuyển. Khi thấy hai chị gái tung tăng mang cặp đi học rồi về o a tập đọc, tập viết, Thường cũng đòi mẹ được đến trường. Chiều lòng con, bà Thái đến gặp Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nghi Đức đặt vấn đề. Hiểu được nỗi lòng người mẹ và khát khao đến lớp của Thường, nhà trường tạo điều kiện cho cậu đi học. Từ đó, bà Thái phải bỏ hết việc đồng áng, ngày ngày cõng con trai đến lớp, không kể nắng hay mưa.
Phạm Văn Thường hồi nhỏ.
Biết con trai mình rất thông minh, cương nghị và quyết tâm học tập, bà Thái rất mừng và luôn động viên con trai cố gắng. Đợt thi vào cấp 3, Thường đậu vào Trường THPT Nghi Lộc 3 ở xã Nghi Xuân, với số điểm rất cao trong sự ngưỡng mộ của những bạn bè khỏe mạnh khác. Ngày đó, con đường từ xã Nghi Đức xuống xã Nghi Xuân xa vời vợi, toàn cát trắng và đường đất. Biết vậy, Thường ôm mẹ vào lòng và hỏi nhỏ! “Mẹ ơi, mẹ có đưa con đi học được nữa không, hay con phải nghỉ?”.
Bà Thái ôm chầm lấy con khóc và hứa chỉ cần con cố gắng, đến đâu mẹ cũng đưa con đi. Sau đợt đó, ngày hai bữa, người mẹ gầy còm, ốm yếu lại nhẫn nại dùng chiếc xe đạp cũ chở con đi học. Nhiều hôm trời nắng chang chang, phải đi qua đoạn đường đầy cát, bà Thái cố gắng dùng hết sức lực của mình để đẩy xe, đưa con trai đến lớp. Đoạn đường từ nhà đến trường hơn 10 km, nhiều hôm gặp trời mưa, hai mẹ con phải đi đến 2 giờ đồng hồ. Nhiều hôm, bà Thường quá mệt nên chở con đến lớp xong, bà quay ra chống xe đạp dưới gốc cây vừa ngủ gật vừa chờ con học xong. Suốt 3 năm học cấp 3, Thường chỉ nghỉ học một buổi duy nhất...
Với nhiều người không lành lặn, việc hoàn thành xong chương trình phổ thông đã là một sự nỗ lực vượt bậc, Thường lại không muốn dừng lại. Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, Thường ngồi ở nhà, nhờ mẹ và hai chị mượn sách vở để cậu tự ôn thi đại học. Năm đầu tiên, Thường thiếu 1 điểm khi thi vào Trường Đại học Vinh. Không nản chí, suốt 2 năm liên tục, Thường vẫn miệt mài ôn bài, cố gắng dự thi đại học. Những trận ốm liên miên và những cơn đau liên tục hành hạ trước và trong mỗi kỳ thi khiến Thường phải dừng lại. Buồn và thất vọng, Thường chán nản, suốt ngày ngồi trên xe lăn như một cái bóng. Thương con, bà Thái và mọi người động viên Thường đi học nghề sửa chữa điện tử, Thường nhất quyết không chịu.
Thời điểm đầu những năm 2000, khi mạng internet bắt đầu phổ biến ở Thành phố Vinh, Thường biết được thông tin về lớp học của Hiệp sỹ công nghệ Nguyễn Công Hùng ở xã Nghi Diên và anh nhờ người đưa đến xin học. Dù chỉ theo học ở lớp này một thời gian rất ngắn, Thường có thêm nhiều người bạn cùng cảnh ngộ và những hướng đi mới.
Rời lớp học của hiệp sỹ Nguyễn Công Hùng, chàng trai Phạm Văn Thường quyết định xin cả nhà đi phẫu thuật chỉnh hình, kéo chân ra trước khi có những định hướng khác về nghề nghiệp. Gần 1 năm trời chịu đau đớn trong bệnh viện chấn thương chỉnh hình, cuối cùng, hai chân của Thường được kéo ra, không co quắp như trước, anh có thể di chuyển bằng cách lắp chân giả và chiếc nạng gỗ, dù khá vất vả và đau đớn. Rời bệnh viện, Thường quyết định đi học công nghệ thông tin bởi anh thấy rằng đây là nghề hợp nhất đối với một người sức khỏe kém như mình. Được sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ, Thường ra Hà Nội theo học lớp lập trình viên với những người bạn cùng hoàn cảnh khác. Đây là bước ngoặt cuộc đời đối với một chàng trai bại liệt.
Cổ tích tình yêu
Một ngày đầu năm 2009, Thường và mấy người bạn cùng lớp đang ngồi trong ký túc xá thì em gái của bạn dẫn theo một nhóm nữ sinh đến chơi. Trong số những cô gái này, Thường ấn tượng với người có cái tên rất đẹp Nguyễn Thị Như Vân ở tỉnh Thái Bình, sinh viên kế toán. Lần đầu tiên đến thăm lớp học và nơi ở của những người có hoàn cảnh đặc biệt, Như Vân cảm thấy thương xót vô cùng.
Ban đầu, cô gái đến từ quê lúa muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này hòa nhập. Hàng tuần, Vân đều đạp xe hoặc bắt xe buýt tới ký túc xá ở Đặng Văn Ngữ để thăm nhóm bạn của anh Thường. Sau những lần chuyện trò, hỏi han tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, Như Vân cảm nhận ở chàng trai xứ Nghệ một nghị lực sống phi thường và sự chân thật, bình dị, gần gũi đến lạ thường. Hai người thân quen với nhau lúc nào không hay biết.
Từ ngày có người bạn là Vân, cuộc sống của anh Thường có nhiều thay đổi. Anh cởi mở lòng mình nhiều hơn, cố gắng phấn đấu hơn trong học tập và luôn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn phía trước. Từ những tình cảm bạn bè, những câu chuyện tầm phào không bao giờ có hồi kết, anh Thường nhận ra mình đang có tình cảm đặc biệt với Như Vân, một thứ rung động mà từ nhỏ đến giờ anh chưa bao giờ gặp,…
Mang theo tâm sự với những người bạn cùng cảnh ngộ, anh Thường nhận được những lời khuyên dừng lại, đừng trèo quá cao mà té đau, thậm chí có người còn chua chát rằng “ai mà thèm lấy người bị liệt”. Nhưng cũng có một số người hiểu và thông cảm với anh Thường. Họ khuyên anh cứ thổ lộ hết tình cảm với người mình yêu. “Khi đó, một người bạn bảo tôi cứ mạnh dạn bởi như vậy, mình sẽ có 50% cơ hội chiến thắng, nếu giấu kín trong lòng, cơ hội của mình là con số 0” - anh Thường nhớ lại.
Lấy hết can đảm, vào một ngày đẹp trời cuối năm 2009, chàng trai 28 tuổi cầm bó hoa tươi thắm tặng cô gái, rồi nói hết tình cảm thật của mình. Lần đó, rất xúc động trước tình cảm của anh Thường, Như Vân chỉ cảm ơn về bó hoa đẹp.
Càng suy nghĩ, Vân càng rối bời bởi cô biết mình cũng đang rung động. Thường cho biết, sau lần tỏ tình mà chỉ nhận được sự im lặng đó, anh không hỏi thêm gì về việc Vân có đồng ý hay không mà anh chỉ quan tâm, chia sẻ với Vân nhiều hơn. Từ trong sâu thẳm, anh đã nghĩ Vân là người yêu và là người mà mình sẽ gắn bó. Còn Vân, cô cũng không muốn nói nhiều mà chỉ thể hiện bằng những sự quan tâm, động viên người mình yêu cố gắng. Rất nhiều lần, họ đã ước hẹn sau khi ra trường, sẽ vượt qua tất để mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ bi bô...
Sau khi hoàn thành khóa học Cao đẳng kế toán, Vân về quê tâm sự hết mọi chuyện với bố mẹ. Nghe tin con gái có người yêu bà mừng mừng, tủi tủi nhưng khi biết chàng trai là một người bị liệt hai chân, bố mẹ Vân choáng và khóc suốt ngày. Bà Nguyễn Thị Vịnh, mẹ của Vân đã nói chuyện mấy ngày liền với cô con gái về những khó khăn, cực nhọc khi lập gia đình với một người khuyết tật. Cô gái vẫn khăng khăng. Có lần bố mẹ Vân ra lệnh cấm con gái và bắt con phải đưa ra sự lựa chọn giữa một bên tình, bên hiếu. Cô gái vẫn khăng khăng bảo lưu sự lựa chọn của mình, khiến ông bà càng thất vọng.
Ở quê nhà Nghệ An, nghe tin Thường có bạn gái, bà Thái mừng phát khóc, nhưng sau khi trấn tĩnh lại, bà cũng khuyên can con trai mình dừng lại. Bà Thái mời Vân về Nghệ An để biết thêm về giả cảnh nghèo của mình và khuyên Vân dừng lại, bà sẽ nhận cô là con gái nuôi. Vân cầm chặt tay bà và nói: “Chúng con yêu nhau, bác cứ yên tâm”.
Biết không thể khuyên can được cô gái, bà Thái bắt con trai mình về Vinh làm việc để tạo sự xa cách. Bà hy vọng, khi không được ở gần nhau, cả hai sẽ tự tìm cho mình hạnh phúc mới. Nhưng bà nhầm, gần 1 năm rưỡi về Vinh làm việc là chừng ấy thời gian bà chứng kiến cảnh con trai mình đau khổ vì phải xa người yêu. Cô gái cũng không chịu từ bỏ, thỉnh thoảng được nghỉ học, cô lại bắt xe đò vào Vinh.
Đến lúc này, người mẹ nghèo thấy không thể chia cắt được tình yêu của đôi trẻ nữa. “Trời không nghe đất thì đất phải chịu trời, hôm đó tôi ôm chầm lấy Vân và nói sẽ tạo điều kiện cho hai đứa yêu nhau, đắp xây hạnh phúc” - bà Thái nhớ lại.
Sau bữa đó, Thường chuyển ra Hà Nội làm việc để được gần người yêu. Giữa năm 2012, Vân tốt nghiệp đại học và cả hai bắt đầu tính đến chuyện cưới nhau. Để bảo vệ tình yêu của mình, Vân đã hàng chục lần khóc cạn nước mắt xin bố mẹ cho phép được kết hôn. Cảm phục trước tình cảm của con gái và nhận thấy sự chân thành, thật thà, nghị lực của chàng trai, cuối cùng bố mẹ Vân cũng đồng ý để hai đứa được kết hôn.
Hạnh phúc trong ngày cưới.
Cuối tháng 3 vừa qua, đám cưới hai người diễn ra ở xã Nghi Đức, trong sự vui mừng của họ hàng nội ngoại. Hầu như tất cả khách đến dự đám cưới đều không cầm được nước mắt khi nghe mọi người kể về câu chuyện tình của đôi bạn trẻ. “Hôm đám cưới, trời mưa nặng hạt từ sáng sớm. Nhưng kể từ khi hai vợ chồng trao nhẫn cưới cho nhau trong hôn trường, trời bỗng hửng nắng. Chắc mối tình của họ đã thấu đến trời xanh?”, - một cụ bà kể. Trong tiếng nhạc, nhìn cảnh Thường một tay chống nạng gỗ, một tay cầm ly rượu hồng khó nhọc lê từng bước cùng vợ đi chúc rượu quan khách, ánh mắt rạng ngời, hai bà xui gia chỉ biết nắm chặt tay nhau...
Hiện nay, Thường đang làm lập trình cho một công ty công nghệ ở Hà Nội còn Vân đang cố gắng tìm kiếm việc làm. Cả hai đang tá túc tại nhà của một người bà con và đang tìm cho mình một chỗ trọ phù hợp. Đồng lương ít ỏi của một lập trình viên chắc chắn sẽ khiến cho cuộc sống của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, đó là chưa kể đến lúc hai người sinh con.
Nhưng cả hai vợ chồng đều lạc quan. “Dù đôi chân bị liệt từ nhỏ, không thể tự mình đi lại được, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người tật nguyền. Tôi có thể đi làm như bao người bình thường khác và chắc chắn vẫn đủ sức để lo cho vợ con mình sống hạnh phúc” - Phạm Văn Thường tự tin. Trong khi đó, Như Vân cũng cho biết, quãng thời gian yêu nhau và đấu tranh với tư tưởng, với hiện thực cuộc sống và cả với bố mẹ, người thân, bạn bè để đến được với nhau có lẽ là thời gian khó khăn, vất vả nhất. “Tất cả còn đang ở phía trước, chúng tôi tin tưởng vào tình yêu của mình”!
Nguyên Khoa