Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh: Nhìn từ chương trình giáo dục phổ thông
(Baonghean.vn) - Vài ngày nay, dư luận ở Nghệ An đang xôn xao về việc một số trường tổ chức thu tiền và bố trí học sinh thực hiện hoạt động trải nghiệm.
Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng cơ bản, có thể gom vào 2 nhóm, nhóm phản đối và nhóm có ý bênh vực, thanh minh. Nhóm chỉ trích chủ yếu cho rằng nhà trường đang lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để lạm thu, hoặc cho rằng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm là không cần thiết, tốn kém, lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ. Nhất là, mới đây một trường ở Hà Nội trong khi tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm đã xảy ra sự việc đau lòng là 1 em bị đuối nước.
Vậy, hoạt động trải nghiệm này, cần hay không?
Trải nghiệm, theo từ điển tiếng Việt là “trải qua, kinh qua” (Trung tâm từ điển học, “Từ điển tiếng Việt”, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.1577), tức là sự can sự của chủ thể về một nội dung nào đó. Tuy nhiên, định nghĩa này dường như chưa làm rõ, đủ nội hàm khái niệm. Trên thực tế, theo cách hiểu phổ biến nhất, trải nghiệm là sự trải qua và tích lũy được những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhất định từ sự “trải qua, kinh qua” đó. Hoạt động trải nghiệm, do đó là vô cùng cần thiết với mỗi đời người, nhất là trải nghiệm thực tiễn trong đời sống ngổn ngang, phức tạp và biến đổi hằng thường của thời hiện đại.
Học sinh tham gia trải nghiệm thực tế. Ảnh tư liệu |
1. Không thể phủ nhận rằng, từ khi có câu chuyện kế hoạch hóa gia đình, cùng với sự phát triển vũ bão của kinh tế khoa học công nghệ, trẻ em ngày càng được o bế, chăm bẵm trong không gian có độ an toàn cao nhưng hết sức chật hẹp. Mặt khác, áp lực thành tích, ngay từ phía phụ huynh thôi, cũng đã đẩy con em vào một đời sống nghèo nàn về tâm hồn lẫn sự hiểu biết thế giới bên ngoài, và điều này hiển nhiên có những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Một đứa trẻ lớn lên ở nông thôn, khi ra thành phố như bị ném vào một xứ lạ, một đứa trẻ lớn lên ở thành phố nhìn thấy con trâu không biết là vật gì, đó là điều không chỉ để nói cho vui nữa. Và các bậc phụ huynh, luôn muốn con được sống mãi trong thứ không gian an toàn ấy, chạy sô học thêm để đạt được thành tích cao trong học tập mà không hề hoặc không muốn nhận ra rằng, đứa trẻ cũng như con người nói chung, sinh ra trước tiên là để sống thật sâu với đời sống luôn biến động, với bao hứa hẹn nhưng cũng đầy cạm bẫy, nguy cơ. Ví dụ, một đứa trẻ đến bốn, năm tuổi, nhưng hễ chơi nghịch đất cát thì ông bà sợ bẩn, ra ngoài trời thì bố mẹ sợ nắng, gió… không ít trong số những đứa trẻ ấy lớn lên một cách ngờ nghệch trong vòng tay yêu thương thiếu suy tư của phụ huynh. Đứa trẻ nghịch dao đứt tay bởi nó đã không được học cách sử dụng dao, hoặc ít nhất là cách tránh xa con dao khi bàn tay chưa đủ độ cứng cáp, khéo léo để cắt gọt; hiện tượng đuối nước xảy ra khá thường xuyên lâu nay, lỗi không hẳn hoàn toàn do trẻ không biết bơi, mà còn do trẻ không có được những trải nghiệm để học cách tránh xa khu vực sông, hồ… Trải nghiệm chính là cơ hội để trẻ trưởng thành.
2. Đành rằng vẫn còn những ý kiến phản biện, trái chiều đối với chương trình và nhất là đối với sách giáo khoa, nhưng dẫu sao, chương trình cũng đã vận hành. Theo đó “hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học), hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi, thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua hình thành tri thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới, góp phần phát hiện tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường nghề nghiệp trong tương lai”. Có thể thấy được tính thực tiễn và nhân văn của môn học trải nghiệm. Như vậy, không còn vấn đề để bàn cãi về việc có hay không nên tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
3. Vấn đề là tổ chức hoạt động trải nghiệm như thế nào? Lâu nay, khi chương trình giáo dục 2018 chưa ban hành và hoạt động trải nghiệm chưa trở thành một môn học, hoạt động bắt buộc, nhiều trường, nhất là các trường tiểu học ở khu vực đô thị vẫn tổ chức hoạt động này thường xuyên hoặc không thường xuyên. Nhưng phụ huynh không kêu ca, bởi những hoạt động này vẫn được tổ chức trong phạm vi khá an toàn với lượng tài chính huy động từ phụ huynh rất hạn hẹp, thậm chí gần như là con số không. Nhưng đó là những hoạt động khá đơn điệu và thường hướng đến mục tiêu giáo dục chính trị hơn là kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng thích ứng, cũng như ít chú ý đến sự phát triển toàn diện phẩm chất năng lực (như thăm Bảo tàng Quân khu 4, tham quan các trường mẫu, hành hương về quê Bác, thăm Khu Di tích lịch sử Truông Bồn...). Hoạt động này rất thiết thực và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục phẩm chất con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng chưa thực sự toàn diện và chưa thực sự góp phần phát triển năng lực hoạt động, sáng tạo trong thực tiễn đời sống và định hướng nghề nghiệp, cũng như chưa hướng đến việc giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực công dân toàn cầu cho học sinh. Lưu ý là ở một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho người học thường mang tính thực tiễn rất cao. Chẳng hạn, chương trình “Chân trời rộng mở” của nước Anh hướng đến hoạt động trải nghiệm mạo hiểm với tuyên bố của những người làm chương trình: “Chúng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có cơ hội trải nghiệm những tri thức về phiêu lưu - mạo hiểm như là một phần được giáo dục trong cuộc đời chúng” (Đỗ Ngọc Thống, “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo từ kinh nghiệm giáo dục quốc tế và vấn đề của Việt Nam”). Trong khi đó, ở Pháp (nơi cháu tôi học trung học cơ sở), nhà trường tổ chức cho các cháu vào rừng, khuyến khích các cháu tự tìm lối đi và hướng dẫn các cháu cách nhớ đường, đánh dấu đường để trở về vị trí ban đầu hoặc về vùng nông thôn tham gia sản xuất, tăng gia bên cạnh việc du lịch, thưởng ngoạn. Điều lý thú là cháu tôi lớp 7, từ Pháp về, không giải nổi bài Toán lớp 5 của học sinh Việt Nam, nhưng lại có thể tự xử lý các sự cố điện gia dụng, bắt vít, khoan tường treo các vật dụng rất tốt.
4. Vấn đề được, bị kêu nhiều nhất là tiền. Triệu tư, triệu rưỡi, hay vài ba trăm. Bản thân tôi cũng là phụ huynh, tôi cho rằng, ngoài việc thu quá nhiều so với mức kinh phí cần bỏ ra, không thể xác nhận được rằng số tiền đó là nhiều hay ít. Nó cần tương đương với kết quả trải nghiệm và trưởng thành mà người học nhận lại. Tất nhiên, khi hoạt động trải nghiệm được nhận thức đầy đủ, tôi có niềm tin rằng sẽ không quá nhiều kêu ca, phàn nàn, càng ít người tấn công vào ngành Giáo dục. Một gợi ý nho nhỏ là nếu kinh phí vượt tầm của gia đình thì có thể xã hội hóa. Dĩ nhiên, để xã hội hóa được ở hạng mục này, mỗi cơ sở giáo dục cần có những chiến lược dài hạn.