Tổ đoàn kết bám biển
(Baonghean) - Cứ 5 -7 tàu có công suất tương đương hợp lại thành một tổ, sử dụng chung một tần số để liên lạc thông báo tình hình, kịp thời hỗ trợ nhau trong lúc hành nghề trên biển - Các tổ đoàn kết này đang có những đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ Bộ đội Biên phòng nắm bắt tình hình, thông tin trên biển.
Tình làng nghĩa xóm “theo” ra biển cả
Từ bao đời nay, ngư dân ở các xã giáp biển như Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thuộc địa bàn Đồn BP Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An, quản lý, có truyền thống đoàn kết bám biển đánh bắt thủy, hải sản.
Trong những năm gần đây, số lượng tàu đánh bắt thủy sản có công suất lớn của các xã tăng lên nhanh chóng. Tính đến thời điểm hiện tại 4 xã đã có trên 285 phương tiện công suất trên 90 CV tham gia vươn khơi. Tuy nhiên, bà con ngư dân vẫn gặp một số khó khăn khi hành nghề vì điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mưa bão thất thường, an ninh trên biển diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các tổ đội tàu thuyền đoàn kết để ngư dân phát huy sức mạnh tập thể, tự tin bám biển.
Chính quyền địa phương, BĐBP gọi đó là các tổ đội đoàn kết, còn bà con ngư dân lại gọi tổ chức mình tham gia bằng cái tên rất thực tế là “hội băng đàm” trên biển. Tính đến nay, trên địa bàn do Đồn Biên phòng Quỳnh Phương quản lý thì 100% tàu đánh bắt ngoài khơi xa đều tham gia trong các “hội băng đàm”. Tổng cộng đã có 40 “hội băng đàm” được thành lập với 285 tàu tham gia đang hoạt động rất hiệu quả. “Anh em quý nhau như ruột thịt, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn.” – ngư dân Hồ Sỹ Liêm, xóm Rồng, xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, cho biết.
Ngư dân Hồ Sỹ Liêm - thành viên “hội băng đàm” xóm Rồng, xã Quỳnh Lập, trao đổi thông tin trên biển với cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương.
Tối ngày 4/4/2012, tàu của ông Trần Đình Hội, xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập trên đường đánh bắt thủy sản, khi còn cách bờ khoảng 2 hải lý thì bị lốc xoáy đánh chìm. Vụ tai nạn thương tâm đã làm 3 thuyền viên bị chết. Khi nhận được thông tin, lập tức các tàu trong “hội băng đàm” mà ông Hội tham gia đã bỏ mọi việc đánh bắt trên biển nhanh chóng trở về ứng cứu tàu bị nạn. Họ đã nhanh chóng cứu được 8 thuyền viên trôi dạt trên biển, quyên góp lo ma chay cho 3 thuyền viên tử nạn.
Trước đó, trong một chuyến đi biển, tàu cá của anh Nguyễn Văn Phương, xóm Phương Hồng, xã Quỳnh Phương làm chủ, đã bị kẻ xấu cắt trộm lưới trị giá trên 500 triệu đồng. Anh Phương bị mất ngư lưới cụ không thể ra biển đồng nghĩa với việc nhiều thuyền viên lao động trên tàu của anh cũng không có việc làm. Trước tình hình đó, “hội băng đàm” xóm Phương Hồng đã quyên góp hỗ trợ để gia đình anh Phương tiếp tục bám biển…
Nối dài “cánh tay” trên biển
Với việc các tổ đội đoàn kết trên biển thuộc địa bàn quản lý Đồn Biên phòng Quỳnh Phương được thành lập đã hỗ trợ rất tốt cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ, hàng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng máy Icom, phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho ngư dân trên địa bàn. Từ đó, bà con có ý thức thường xuyên mở máy 24/24h liên lạc với BĐBP để nắm bắt thông tin từ đất liền, với 5-7 tàu của đồng nghiệp với gần cả trăm thuyền viên đồng thời ra khơi, họ sẵn sàng tạo nên một “thành lũy” kiên quyết xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vào vùng biển nước ta. “Trước đây khi chưa tham gia “hội băng đàm”, khi vươn khơi rất đơn độc, nhưng giờ đây với sự xuất phát của nhiều tàu trong hội, chúng tôi rất tự tin để khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước.” – ngư dân Hồ Sỹ Liêm cho biết.
Cũng qua việc kết nối thông tin liên lạc với nhau, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã nắm được mọi thông tin, tình hình an ninh trên vùng biển mà đơn vị quản lý. Sau mỗi chuyến đi biển, đội trưởng các hội thường xuyên gặp cán bộ đồn để thông báo những vấn đề về an ninh mới nảy sinh trên biển để kịp thời có phương án xử lý. Trong năm 2011, đồn đã từng bắt được một vụ vận chuyển, sử dụng thuốc nổ với khối lượng lớn để đánh bắt thủy hải sản nhờ có các thành viên trong một “hội băng đàm” báo về.”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hàng nghìn thuyền viên các xã tham gia các hội bám biển có khá đông là anh em dân quân địa phương. Đây là lực lượng cơ động sẵn sàng làm nhiệm vụ khi đất nước cần, đồng thời giúp bà con ngư dân liên kết ra khơi khai thác thủy sản làm giàu, khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Anh Bách (Biên phòng)