Toàn cảnh lưới điện nông thôn- Bài 2: Diện mạo mới

05/04/2012 17:43

(Baonghean) Sau khi thực hiện chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, ngành Điện gặp không ít khó khăn: vốn đầu tư, hạ tầng xuống cấp, tổn thất điện, thiếu nhân lực... Song, vì lợi ích của người dân, Công ty Điện lực Nghệ An đã cố gắng giải quyết các tồn tại kéo dài, tạo nên diện mạo mới cho lưới điện hạ áp nông thôn...

Xem Bài 1: Vướng mắc trong tiếp nhận

Trước năm 2009, xã Hưng Lam (Hưng Nguyên) chỉ có 1 trạm biến áp, toàn bộ đường dây dẫn đều là dây trần, tiết diện nhỏ; cột bằng cọc sắt, cọc tre tạm bợ; chất lượng điện kém và có không ít vụ tai nạn xảy ra do mất an toàn lưới điện, gây thiệt hại về người và tài sản. Năm 2009, lưới điện hạ áp nông thôn của xã được bàn giao cho ngành Điện quản lý. "Sau khi tiếp nhận, ngành Điện đã đầu tư thay thế toàn bộ đồng hồ đo đếm điện; thay thế cột điện bê tông, thay thế đường dây bằng dây cáp vặn xoắn, dắm thêm 3 trạm biến áp nên chất lượng điện được nâng lên, người dân có điều kiện mua điện theo giá quy định của Chính phủ, hơn 100 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng...", ông Nguyễn Trung Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lam cho biết. Điện ổn định, người dân có điều kiện mở mang các ngành nghề sản xuất, dịch vụ; tiếp cận với các phương tiện nghe nhìn. Hiện toàn xã có 2 máy xay xát, 5 xưởng mộc, xưởng cưa, 4 cơ sở đóng gạch, 3 cơ sở hàn xì... góp phần nâng thu nhập bình quân lên 10,3 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 15%. "Tất cả nhờ có điện nên ổn định.

Trước đây, muốn sử dụng nồi cơm điện cũng khó, ti vi thì xem được năm, bảy phút là tắt phụp, thời gian cao điểm ở các xóm cuối nguồn phải dùng đèn dầu, hoặc nến chứ không có điện để thắp sáng nói chi đến vận hành máy xay, máy hàn... Được mua điện theo giá của Chính phủ nên mỗi tháng tiết kiệm được không ít so với trước đây. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố, có nhân viên Điện lực đến sửa chữa ngay, không để dây dưa như trước" - anh Lê Văn Nhã, chủ cơ sở hàn xì xóm 3, Hưng Lam phấn khởi nói.


Bà Trịnh Thị Xuân (xóm 3, Thanh Tường (Thanh Chương) cho biết: "Nhà thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ mỗi tháng 30.000 đồng nhưng cũng không sử dụng hết. Trước đây, phải mua điện giá cao, không được hỗ trợ nên đã nghèo lại càng chật vật." Cùng chung niềm vui với gia đình bà Xuân, người dân xã Thanh Tường phấn khởi vì sau khi HTX dịch vụ điện năng bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, được đầu tư nâng cấp đường dây, trạm biến áp nên chất lượng điện đảm bảo, không phải lo lắng chập điện, đứt dây mỗi khi mưa bão về...


Để mang lại lợi ích, niềm vui đó cho người dân, ngành Điện đã phải nỗ lực rất nhiều. Lưới điện hạ áp nông thôn chủ yếu được xây dựng cách đây 25-30 năm, hầu hết đều do người dân tự ý kéo mắc nên không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và độ an toàn; không được cải tạo, sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng.

Trước bất cập đó, ngành Điện đã bổ sung thay thế hệ thống tiếp địa, thay xà mục gãy, thay sứ cách điện vỡ, bổ sung cột đỡ dây để đảm bảo khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện... Tính đến hết năm 2011, ngành Điện đã đầu tư hơn 194,4 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ; ký hợp đồng với 1.116 nhân viên HTX điện năng cũ của các địa phương, tổ chức các lớp tập huấn về quản lý điện, phân công cán bộ ngành Điện theo dõi, xử lý những tình huống, sự cố về điện.


Nhằm đảm bảo tính pháp lý, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện với từng hộ (387.255 khách hàng). Do các công tơ đo đếm điện trước đây không được kiểm định nên không chính xác, Công ty Điện lực đã tổ chức thay hơn 360 nghìn công tơ đạt tiêu chuẩn.


Nhờ được đầu tư cải tạo, lưới điện hạ áp sau khi được tiếp nhận, sửa chữa đã cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Diện mạo của lưới điện hạ áp nông thôn của các địa phương trong tỉnh ở những khu vực được cải tạo đã thực sự đổi thay rất nhiều. Nhiều hàng cột tre, gỗ, dây dẫn trần chắp vá không đảm bảo an toàn được thay bằng hệ thống cột bê tông, cáp bọc nhựa, hòm công tơ được treo ngay ngắn trên cột.

Điều quan trọng hơn là tỷ lệ tổn thất điện năng ở khu vực đã cải tạo giảm mạnh, từ trên 30% xuống còn 15%; chất lượng điện năng cũng được cải thiện rõ rệt. Đến nay, 387.255 hộ dân được bán điện tận hộ theo giá của Chính phủ, 150.916 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên, để giải quyết nâng cấp cơ bản lưới điện tiếp nhận cần phải có các nguồn vốn đầu tư khác. Hiện ngành Điện đã và đang nỗ lực tìm kiếm và tận dụng tối đa các nguồn vốn vay khác nhau để cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận...


Duy Nam - Thảo Nhi

Mới nhất
x
Toàn cảnh lưới điện nông thôn- Bài 2: Diện mạo mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO