Toàn cảnh lưới điện nông thôn - Bài cuối: Cần một chiến lược dài hơi

06/04/2012 18:21

Xem Bài 2: Diện mạo mới

Sau tiếp nhận, ngành Điện đứng trước bài toán cần sự cân nhắc giữa yếu tố công ích và lợi nhuận, giữa đầu tư trước mắt và lợi nhuận lâu dài. Hầu hết lưới điện do các mô hình đại lý quản lý, bán điện cho người dân đều có tổn thất tới 30 - 40%. Sau tiếp nhận, ngành Điện phải đầu tư tối thiểu xấp xỉ 700 - 900 nghìn đồng/hộ mới có thể đưa tỷ lệ này xuống 16 - 20%.

Với 294 xã đã tiếp nhận, Công ty Điện lực Nghệ An cần đầu tư ít nhất gần 3.000 tỷ đồng để có thể nâng cấp lưới điện và đưa tỷ lệ tổn thất xuống 6 - 8%. "Để nâng cấp lưới điện, mỗi xã ít nhất phải có 3-5 trạm biến áp và cải tạo, bổ sung thêm đường dây 0,4kV, chi phí đầu tư cho mỗi trạm lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn, ngành Điện không thể tự lo mà phải chờ vào vốn dự án, vốn vay của Nhà nước và các tổ chức.

Mặt khác, việc cải tạo lưới điện đã xuống cấp với một tỉnh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhu cầu sử dụng điện năng lớn không phải ngày một, ngày hai là có thể hoàn thành... Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa nhỏ, sửa chữa thường xuyên và thay thế số công tơ còn lại nhằm giải quyết vấn đề an toàn đường dây và cấp điện ổn định" - ông Vương Đình Dũng, Phó phòng Kế hoạch Vật tư cho biết.


Bên cạnh đó, áp lực nhân lực cũng đang là bài toán khó đối với Công ty. Trước đây, việc quản lý, thu tiền điện, sửa chữa điện nông thôn đều do các HTX đảm nhận, nay Điện lực các địa phương phải tiếp nhận thêm hàng trăm nghìn hộ mua lẻ điện thì phải có cán bộ có trình độ chuyên môn để quản lý. Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An trao đổi: "Số khách hàng trước đây thuộc phạm vi quản lý của Điện lực huyện chỉ khoảng vài nghìn hộ, nhưng nếu tiếp nhận lưới điện nông thôn do HTX chuyển giao, số hộ sẽ tăng lên hàng trăm nghìn.

Số khách hàng quá lớn, lượng tài sản tăng quá cao, trong khi lượng nhân viên không được tăng tương ứng nên Điện lực các huyện gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Công ty khắc phục việc thiếu cán bộ chuyên môn quản lý lưới điện nông thôn bằng việc thuê khoán lao động của các HTX điện năng cũ thu tiền điện, ghi công tơ. Việc này lại kéo thêm một loạt các chi phí đào tạo, trả lương dịch vụ cũng như giám sát, quản lý...".


Từ thực tế cho thấy, để dung hòa giữa lợi ích cục bộ và lợi ích chung, vai trò của chính quyền các cấp là đặc biệt quan trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn về tài chính, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay dự án thì không biết đến bao giờ mới hoàn thành việc nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn. Trong khi ngành Điện thiếu vốn, người dân mong muốn được sử dụng điện chất lượng tốt, họ sΩn sàng bỏ tiền túi thuê thợ điện, mất một khoản chi phí không nhỏ để nối điện tại gia như ở Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳnh Lưu (chúng tôi đã nêu ở bài 1), thiết nghĩ, cần có sự phối hợp với các cấp, các ngành cùng góp vốn để cải tạo lưới điện theo hình thức xã hội hóa. Và việc cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn không chỉ là "việc riêng" của ngành Điện, mà cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, tập trung các nguồn lực khác...


Đồng thời, ngành Điện có cơ chế kích cầu hợp lý cho từng đối tượng, nhất là đối với đội ngũ thợ điện thuê khoán ở tuyến dưới. Vận động họ theo học các khóa đào tạo về điện một cách bài bản, nâng cao ý thức và thái độ phục vụ theo yêu cầu của người dân, đảm bảo sửa chữa nhỏ, sửa chữa thường xuyên, khắc phục được ngay những sự cố xảy ra ở tuyến dưới... tiến dần đến việc sửa chữa dịch vụ, nâng cao thu nhập cho bản thân, đồng thời đảm bảo an toàn lưới điện nông thôn.


Theo thông tin từ Công ty Điện lực Nghệ An, ngày 21/2/2012, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có quyết định phê duyệt Dự án thành phần "Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An vay vốn ngân hàng tái thiết Đức" với số vốn hơn 700 tỷ đồng để cải tạo lưới điện. Cùng với việc vay vốn cải tạo lưới hạ thế, ngành Điện vay vốn Ngân hàng Thế giới 12 tỷ đồng (thuộc dự án JD) để cải tạo các lộ xuất tuyến đường dây hạ thế ở các trạm biến áp này.

Theo đó, dự kiến đến quý III/2012, Công ty Điện lực Nghệ An sẽ tiến hành cải tạo sâu lưới điện nông thôn ở 274 xã trên địa bàn 17 huyện và 2 thị xã, với các hạng mục như: thay thế đường dây trung áp (104,606 km); xây mới 187 trạm biến áp, cải tạo 2.878,908 km đường dây hạ thế; thay mới đường dây trung thế... Ngoài các nguồn đầu tư trên, Công ty ưu tiên nguồn vốn khấu hao cơ bản hàng năm để chống quá tải khu vực lưới điện nông thôn, sử dụng nguồn vốn sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên để xử lý an toàn lưới điện tại các điểm trọng yếu.


Hy vọng rằng, với dự án này, cùng với chiến lược đúng đắn của ngành Điện, lưới điện hạ áp nông thôn được cải tạo sâu, được nâng cấp thêm một bước đảm bảo chất lượng điện phục vụ người dân.


Duy Nam - Thảo Nhi

Mới nhất
x
Toàn cảnh lưới điện nông thôn - Bài cuối: Cần một chiến lược dài hơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO