Tộc họ hùng binh ở quê hương Hải đội Hoàng Sa

10/04/2012 18:49

Huyện đảo Lý Sơn có đến hơn 40 tộc họ có người tham gia các đội hùng binh vâng mệnh triền đình giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác sản vật, cắm mốc chủ quyền lãnh hải, đến nay còn lưu danh.

Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, diện tích vỏn vẹn 10 km2 nhưng có đến 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó hơn một nửa di tích, nhà thờ, tư liệu quý ở các tộc họ liên quan trực tiếp đến lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Võ Văn Út, hậu duệ đời thứ sáu của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết từng được nghe ông cha kể về những chuyến ra khơi chinh phục biển Đông của tổ tiên mình trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Trong muôn vàn chuyện kể của cha, Út ấn tượng đặc biệt hình ảnh chiếc thuyền buồm dài 15 mét, rộng 4,5 mét cứ tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, bậc tiền nhân trong dòng họ của mình rời đảo Lý Sơn thẳng tiến ra Hoàng Sa khai thác sản vật, cắm mốc, đo đạc thủy trình. Đến tháng 8, khi gió mùa Đông Bắc về, đội Hoàng Sa trở về cập cửa biển Hội An hoặc Thuận An (Thừa Thiên Huế) nộp lên triều đình.


Cậu Út ngày ấy nay gần 60 tuổi, nhớ lại: "Cha ông tôi vẫn kể, trước khi mọi người lên đường làm nhiệm vụ, nhà thờ tộc họ tổ chức lễ khao lề thế lính còn gọi là lễ xuất quân, động viên trai tráng yên tâm làm tròn sứ mệnh mà triều đình giao phó. Gia đình nào có người đi Hoàng Sa thì được miễn thuế hàng năm, làng trợ cấp lương thực gồm: gạo, muối, dầu ăn, nước uống... Ngoài ra, làng còn có quỹ đất cho người ở địa phương thuê đến mùa thu hoạch nộp thuế gây quỹ để hỗ trợ hàng năm cho đội hùng binh".


Dòng họ Võ Văn đang lưu giữ những tài liệu cho thấy tổ tiên họ từng gia nhập đội hùng binh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ từ năm 1786. Căn cứ vào tài liệu Hán Nôm tìm thấy trong dòng họ, Cai đội Võ Văn Khiết là người Lý Sơn chỉ huy đội Hoàng Sa sớm nhất. Nối tiếp ông Khiết là Cai đội Võ Văn Phú ra Hoàng Sa vào năm 1803. Ngoài ra, dòng họ Võ Văn còn có nhiều người đi Hoàng Sa nữa, tiêu biểu là Võ Văn Hùng - người mà trong các bộ chính sử triều Nguyễn có nhắc đến nhiều lần với vai trò người dẫn đường cho thủy quân và tuyển chọn đà công, thủy thủ...


Mô hình khinh thuyền - phương tiện năm xưa hải đội sử dụng lên đường làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Trí Tín.

Không riêng gì tộc họ Võ Văn, ở huyện đảo Lý Sơn còn có các tộc họ: Phạm Quang, Phạm Văn, tộc họ Đặng, họ Nguyễn... đều có nhiều thế hệ binh phu đi lính Hoàng Sa liên tiếp nhiều thế kỷ.


Tộc họ Phạm Quang có cai đội Phạm Quang Ảnh đi Hoàng Sa vào năm Ất Hợi (1815) thời vua Gia Long để đo đạc thủy trình. Tộc họ Phạm Văn, ngoài Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật, còn có nhiều người đi Hoàng Sa nổi tiếng như: Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên đi Hoàng Sa vào năm Ất Mùi (1835) đem lính và các phu thuyền chuyên chở vật liệu ra dựng miếu, dựng bia đá trên đảo Hoàng Sa.


Ông Phạm Thoại Tuyền, gần 70 tuổi, hậu duệ đời thứ 4 của Chánh đội trưởng thủy quân Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật bồi hồi xúc động: "Lúc còn bé, tôi nghe ông nội và cha kể lại, thuở ấy do phương tiện đi biển còn thô sơ nên những người trong tộc họ tuân lệnh triều điều ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa hy sinh ở vùng biển ấy nhiều vô kể. Trước khi người thân đi, gia đình chuẩn bị bánh ú, bánh ít gói bằng lá bàng vuông, cơm nắm gói lá chuối, bẹ cau khô để làm lương thực để dành ăn lâu ngày".


Là người am hiểu sâu sắc về hải đội Hoàng Sa, nghệ nhân Võ Hiển Đạt (80 tuổi) ở thôn Tây cho biết thêm: "Từ thời nhà Nguyễn, những hùng binh can trường của đất đảo trước khi ra Hoàng Sa, ngoài số lương thực đủ ăn cho 6 tháng, họ không quên mang theo 3 sợi dây mây, một chiếc chiếu. Khi gặp bất trắc trên biển, đồng đội lấy dây mây cột chiếu bó xác người xấu số cùng tấm thẻ bài ghi rõ họ tên thả xuống biển hy vọng trôi dạt về quê hương, bản quán".


Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ thứ tư của cai đội trưởng Phạm Hữu Nhật thắp hương bên ngôi mộ gió . Ảnh: Trí Tín.

Bằng chứng cụ thể, sinh động nhất là tờ lệnh quý Hoàng Sa do gia tộc họ Đặng truyền đời gìn giữ suốt 175 năm liên quan trực tiếp chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mới đây, Bộ Ngoại giao đã tặng bằng khen cho tộc họ Đặng vì thành tích đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Tờ lệnh là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15/4, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa.


Để ghi nhớ công ơn của đội Hoàng Sa năm xưa, đã thành lệ làng, tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính tri ân công đức tổ tiên không tiếc máu xương, từng giong buồm ra biển đông khẳng định chủ quyền lãnh hãi Tổ quốc. Trong bài Văn tế lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (1815), đến nay các tộc họ còn lưu giữ cho đời sau: "Những chiến sĩ tuân lệnh triều đình bảo vệ biên phòng lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã liều thân vì Tổ quốc. Sắt son một lòng ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi...".


Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi khẳng định, các bộ chính sử, châu bản triều Nguyễn cùng hệ thống di tích nhà thờ, lăng miếu và hàng nghìn mộ gió lính Hoàng Sa trên đất đảo, là bằng chứng sống động các thế hệ Lý Sơn từng ra Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.


Theo Express

Mới nhất
x
Tộc họ hùng binh ở quê hương Hải đội Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO