Tôi đã đến nhà đày Lao Bảo

15/07/2013 18:47

Tỉ mẩn dò ngón tay, tôi đếm được 88 tên tuổi những người tù quê Nghệ An trên bảng danh sách 267 tù nhân chính trị chống Pháp (có 112 đảng viên cộng sản), trong gian trưng bày của nhà đày Lao Bảo (Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Có 2 cái tên đã trở thành những biểu tượng của lòng yêu nước: chí sỹ Hồ Bá Kiện (quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) và đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (quê Thanh Lương, Thanh Chương).

(Baonghean) - Tỉ mẩn dò ngón tay, tôi đếm được 88 tên tuổi những người tù quê Nghệ An trên bảng danh sách 267 tù nhân chính trị chống Pháp (có 112 đảng viên cộng sản), trong gian trưng bày của nhà đày Lao Bảo (Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Có 2 cái tên đã trở thành những biểu tượng của lòng yêu nước: chí sỹ Hồ Bá Kiện (quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) và đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (quê Thanh Lương, Thanh Chương).

Tôi đã đứng rất lâu trước hai trụ cổng xây bằng gạch hơn 100 năm tuổi trên con đường mang tên một người tù nhà đày Lao Bảo: Lê Thế Tiết – nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Biến động thời gian từng như muốn xóa đi những vết tích tội ác, hai cái trụ cổng này cũng chỉ còn lại một phần rêu phong mới được hậu thế khôi phục lên, để nay bất cứ người dân khóm Duy Tân (Thị trấn Lao Bảo) nào cũng có thể chỉ tay vào đó mà đoan chắc: Xưa, người tù nào bước chân qua cái cổng này, là coi như hết được làm phận người.

Tôi có lý do để cho phép mình mường tượng ra cảm giác “đã đến đây”, khi gieo từng bước đi vào di tích nhà đày Lao Bảo. Vì, nơi đây đã nhiều lần hiện ra trong trí óc tuổi trẻ của tôi qua những khắc khoải đau đáu của người bác ruột, một lão thành cách mạng (là học trò cưng đồng thời cũng là đồng hương tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách khi đồng chí là trợ giảng ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Hà Tĩnh từ 1924 - 1926) rằng, bác chưa một lần vào được nhà đày Lao Bảo để tìm lại những tư liệu chính xác về những giây phút cuối cùng hy sinh oanh liệt của người thầy trẻ tuổi (là học trò, nhưng bác tôi chỉ kém đồng chí Nguyễn Sỹ Sách 4 tuổi)…

Hẳn khi Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam (ở ngôi từ 1614 đến 1635) cho lập dinh trấn đồn Ai Lao để coi giữ vùng đất biên giới phía Tây Quảng Trị vào năm 1622, thì ngài đã không đồ rằng 286 năm sau (1908) đồn biên phòng đầu tiên phía Tây cõi Đàng Trong được ngoại xâm lập nơi giam cầm, tra tấn dã man các con dân yêu nước. Dựa vào những tư liệu về công lao mở cõi của vị chúa này, thì dinh đồn trú Ai Lao đã hình thành giữa một vùng rừng xanh núi thẳm, nơi mới chỉ có cuộc sống hoang sơ, thưa thớt của những “thổ dân” sống săn bắn hái lượm, di chuyển trong vùng ranh giới giữa Đàng Trong và xứ Ai Lao xưa.

Rất nhiều cứ liệu cho rằng họ là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Nhưng, theo chúng tôi cũng rất có thể đó là người Tà Ôi – Pa Cô; vì, khi người Bru - Vân Kiều di cư đến phía Tây Quảng Trị, họ đã sinh sống tập trung quanh chân núi Viên Kiều (để có tên dân tộc Vân Kiều sau này), vùng ấy lại thuộc huyện mới Đakrông phía dưới Hướng Hóa bây giờ… Thời đó, các “thổ dân” đã sống ở khu vực dinh đồn trấn Ai Lao trong một ngôi làng có tên là làng Bảo; dần dà gọi ghép là Bảo Trấn Lao, rồi để có tên là Lao Bảo bây giờ chăng? Dù sao, thì cái u tịch kiểu “u tì quốc” theo cách nói của nhà thơ Xuân Diệu nay vẫn phảng phất ở nội khu di tích nhà đày Lao Bảo.



Cụm tượng đài những người tù chính trị do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng
thực hiện ở nhà đày Lao Bảo.

Dường như những nhà đấy, tường đấy mới xây vài mươi năm lại nay, kể cả cụm tượng đài gương mặt tù nhân do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng dựng lên trong khuôn viên di tích, cũng không giúp gượng dậy được thực cảnh đổ nát đậm hoang phế của di tích nhà đày Lao Bảo. Trưởng ban quản lý di tích nhà đày Lao Bảo - Võ Thị Thu Hằng là một cô gái trẻ, biết chúng tôi từ Nghệ An vô, liền dẫn chúng tôi đi ngay đến nhà bia tưởng niệm cụ Hồ Bá Kiện để thắp hương cho cụ. Tôi đã không nén được niềm xúc động gai người khi Hằng hướng đôi mắt về phía xa xăm núi rừng xanh, nói: “Bia tưởng niệm cụ đây, nhưng hài cốt cụ còn nằm đâu đó trong rừng núi đất người, anh ơi!”.

Cụ Hồ Bá Kiện sau được truy nhận là liệt sĩ kháng Pháp, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Vốn là chí sỹ phong trào Văn Thân, từ năm 1905 cụ đã cùng với các chí sĩ lo việc vận động cho phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Cụ bị Pháp bắt ở Hưng Yên và đày đi Lao Bảo. Tại nhà đày Lao Bảo, vào năm 1915, cụ Hồ Bá Kiện liên lạc được với anh em tù nhân và binh lính, lãnh đạo cuộc nổi dậy phá khám, cướp súng, đưa nhau vào rừng tìm đường sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động, nhưng liên tục bị nhà cầm quyền thực dân Pháp điều quân truy bắt, và cụ cùng các đồng chí của mình đã hy sinh vào tháng 9 năm đó ở vùng núi Ban Ta Tha (Thái Lan) khi mới 43 tuổi. Cụ Hồ Bá Kiện ngoài biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất khuất ở đây, còn được ghi nhận là người đầu tiên và duy nhất lãnh đạo nổi dậy vượt ngục thành công ở nhà đày Lao Bảo.

Có lẽ ấn tượng nhất về khung cảnh tự nhiên của di tích nhà đày Lao Bảo là những cây vông đồng cổ thụ sần sùi gai, mà theo Hằng vốn là một dụng cụ tra tấn được thực dân Pháp áp dụng đối với các tù nhân khi bắt họ cởi hết quần áo, leo lên hàng chục mét rồi cứ thế ôm chặt thân cây đầy gai nhọn cứng mà tụt xuống, da thịt bị rạch nát, máu chảy ròng ròng, nhiều tù nhân cứ thế bị bỏ mặc đến cạn máu mà chết. Sự tàn ác, hà khắc tại nhà đày Lao Bảo đã được đồng chí Trần Hữu Dực, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị từ năm 1930, là tù nhân của nhà đày Lao Bảo, mô tả trong hồi ký: Khi bước chân đến nhà tù, việc đầu tiên của tù nhân là bị đưa vào lò rèn, đóng gông, xiềng, cạo đầu.

Nhiều trường hợp dao cùn quá, cạo rách cả da đầu, chảy máu, sau đó đưa xuống ca-sô, cùm lại. Mỗi một người hay một tốp tù mới đến, đều phải nằm sấp, úp mặt xuống đất trước cửa phòng giấy của tên chủ ngục, lính lục soát hết mọi thứ. Tất cả đồ đạc của người tù mới đến, bất kể cái gì, khô hay ướt, đều gói lại, ghi sổ, vứt vào kho. Đến khi lấy ra thì đồ vật hầu như hư hỏng hết… Mỗi người tù đều phải mang gông và xiềng sắt ở cổ, hai vòng sắt ở hai chân, có dây xích sắt ngoặc vào ba còng sắt ấy. Ngoài giờ đi làm, về lao là bị cùm ngay. Cùm xong mới được ăn cơm. Ăn xong phải nằm xuống, muốn ngồi dậy phải xin phép lính gác.

Ở trong nhà lao, cũng như đi làm ở ngoài, người tù không được nói, kể cả nói thầm. Ai muốn nói phải xin phép lính gác; khi đái, ỉa phải dùng ống tre có quai đeo ở mạ cùm. Người tù ăn cơm phải dùng bát gỗ, lâu ngày, mắm muối ngấm vào, khi đưa lên miệng, ngửi thấy mùi muốn nôn ọe, rất khó chịu. Bát đựng canh phải dùng ô đồng có rỉ rất độc, ăn rất nguy hiểm. Lương thực, thực phẩm thì được phát gì nhận nấy, dù là gạo mục, mắm thối. Người đi lấy rau lợn, rau thỏ, đồng thời lấy rau tù, khi có, khi không.

Mỗi người tù một năm được phát hai bộ quần áo màu xanh, rất xấu, một chăn, một chiếu, cũng loại xấu. Thuốc men chỉ có một thứ là ký ninh nước. Hàng tuần chiều thứ bảy, đi làm về, y tá và lính đứng sẵn ở cửa ra vào buộc mỗi người phải há mồm, chúng đổ vào mồm một cốc ký ninh nước, nuốt xong mới được đi. Đi làm ở ngoài thì cứ hai tù một lính, đi cách nhau năm mét. Lính cầm súng, ngón tay trỏ luôn để sẵn ở cò súng. Một đoàn tù đi làm không nghe một tiếng nói mà chỉ nghe tiếng xiềng sắt chạm nhau lẻng xẻng và tiếng chửi bới của lính. Chế độ lao động của tù nhân rất nặng nhọc, tàn ác. Việc đánh đập, hành hạ, kể cả bắn giết tù là chuyện bình thường...

Vì sự hà khắc, man rợ như thế, những người tù chính trị luôn tỏ thái độ phản kháng, đấu tranh đòi cải thiện chế độ giam cầm. Trong một lần đấu tranh trực diện với kẻ thù như thế vào ngày 19/12/1929, khi đang lớn tiếng tố cáo sự tàn bạo của nhà tù và nêu yêu sách, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã bị giặc hèn hạ sát hại ngay trong buồng tên chúa ngục (năm đó đồng chí mới 21 tuổi, nguyên là Ủy viên Tổng bộ đặc trách công tác trong nước của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội). Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được xác nhận là người cộng sản đầu tiên hy sinh ở nhà đày Lao Bảo. Trong gian trưng bày của nhà đày, hiện có treo bức tranh tả bối cảnh đấu tranh và hy sinh của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, được vẽ năm 1999, căn cứ vào các tư liệu xác thực nhất ở nhà đày Lao Bảo và lời kể của một số cựu tù nhân còn sống lúc đó.

Võ Thị Thu Hằng đã đưa chúng tôi đi thăm những dấu tích còn sót lại của các nhà lao. Lúc mới lập, nhà tù Lao Bảo chỉ có hai dãy nhà giam bằng gỗ, lợp ngói, tường trét toóc xi, gọi là Lao A và Lao B; mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 2m, rất chật hẹp nhưng giam giữ tới 60 tù nhân. Cuối năm 1934, thực dân Pháp cho xây dựng thêm hệ thống nhà lao kiên cố bằng bê tông, cốt thép là lao C, D, hầm E; Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m, giam giữ được khoảng 180 tù nhân. Và khu biệt giam có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1m, cao 2,14m.. Toàn bộ các công trình được bao quanh bởi hệ thống tường thành cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng…

Sau này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xây dựng cơ sở cách mạng trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (năm 1967- 1968) tại nhà đày, Mỹ đã dội bom để tiêu diệt bộ đội Việt Nam đang ẩn náu ở đây, làm các lao bị sập gần hết. Đến năm 1995, đài chứng tích, đàn âm hồn, nhà bia tưởng niệm cụ Hồ Bá Kiện được Nhà nước xây dựng. Năm 1991, nhà đày được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngay trên tầng hầm là phòng trưng bày, là cụm tượng đài do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng dựng lên khắc họa tội ác tày trời của giặc bằng thể hiện các gương mặt căm hờn, bất khuất vẻ đầy quyết tâm đấu tranh giành tự do của các tù nhân, như nhằm để xoa dịu những đau thương, mất mát của biết bao sỹ phu yêu nước, chiến sỹ cộng sản bị giam cầm ở nhà đày Lao Bảo.

Giữa cụm tượng đài, được ghi lại 4 câu thơ viết bằng nét chữ nguệch ngoạc, gân guốc của Tố Hữu vào tháng 6/1938 trong thời gian đồng chí bị giam cầm tại đây: “Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/ Cho da tôi dày dạn với ngày mai/ Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai”. Và bài thơ nổi tiếng “Con cá, chột nưa” của Tố Hữu cũng được viết trong những ngày này.

Di tích nhà đày Lao Bảo hiện là nơi hành hương về nguồn, giáo dục truyền thống bất khuất yêu nước của các bậc cách mạng tiền bối; đồng thời cũng là điểm đến của rất nhiều khách nước ngoài, đặc biệt là khách Thái Lan. Người già của khóm Duy Tân, Thị trấn Lao Bảo – ông Trần Nhơn Nam cho hay, di tích nhà đày rất thiêng liêng đối với nhân dân địa phương. Bà con luôn nhắc nhớ con cháu tôn trọng di tích. Các ngày lễ trong năm, chính quyền và nhân dân các cấp ở đây đều vào hương khói trong đài tưởng niệm…

Ông Nguyễn Nhơn Nam cũng kể rất nhiều hồi ức về rừng vông đồng cổ thụ xanh tốt một cách kỳ lạ ở đây, sau 1975 đã được thay thế dần bằng những khu dân cư, đồi cây cho quả trù phú. Thứ vông đồng xanh tốt một cách kỳ lạ ấy cũng đã như nhiều điều về nhà đày Lao Bảo chưa được làm sáng tỏ; nhưng, tôi đã đến đây để phần nào làm nhẹ bớt ưu tư nếu có của vong linh bác tôi, rằng: Người thầy kính yêu của bác, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã hiên ngang hy sinh khi mặt đối mặt với kẻ thù, chứ không phải bị bắn chết trong khi đang vượt tường trốn ngục, như một vài sách báo đã nói.


Bài, ảnh: Đình Sâm

Mới nhất

x
Tôi đã đến nhà đày Lao Bảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO