Tôi đã vượt qua cái chết như thế nào

(Baonghean.vn)- Hơn 13 năm, bệnh tật hành hạ, Nguyễn Thu Thủy đã vượt lên bằng sự kiên cường của mình và bằng tình yêu thương của những người thân. Cô gái ấy vẫn nuôi thầm khát khao được sống có ích, cho chính mình và cho mọi người. Dưới đây là những tâm sự của Thu Thủy về cuộc đời và mong ước của mình…

Nguyễn Thu Thủy: Tôi đã hồi sinh từ những yêu thương
Nguyễn Thu Thủy: Tôi đã hồi sinh từ những yêu thương

Tôi sinh ra và lớn lên hồn nhiên, vui vẻ ở mảnh đất nhỏ bé ven đô Thành phố Vinh xinh đẹp. Cuộc đời tôi bình yên trôi đi như bao đứa bạn cùng trang lứa cho đến năm tôi học lớp 10. Đúng vào cái tuổi đang căng tràn sức sống của một cô nữ sinh cấp 3.

 Người tôi rơi vào trạng thái mệt mỏi liên miên. Da dẻ xanh xao và người không còn chút sức lực nào. Bố mẹ lo lắng và quyết định đưa tôi đến bệnh viện khám xem như thế nào. Các bác sỹ chẩn đoán tôi bị bệnh thiếu máu nghiêm trọng. Thế là công cuộc hiến máu cho tôi bắt đầu, từ những người đầu tiên là cha và anh trai.

Nhưng lạ thay, máu truyền vào người tôi bao nhiêu cứ như đổ ra sông ra biển. Người tôi vẫn xanh xao không kém trước đó là bao, thậm chí còn gầy gò đi trông thấy. Thương tôi đau yếu, gia đình lại khó khăn, cả xóm tôi kéo nhau đi thử máu để hiến cho tôi. Hết người này đến người kia cho tôi máu, nhưng cuối cùng bệnh của tôi vẫn không hề thuyên giảm.

Cuộc đời cha mẹ đã khổ bao nhiêu, giờ thấy đứa con gái duy nhất của mình lâm vào bệnh tật đau đớn lại càng đau xót hơn. Thương con, thương cháu, cha mẹ cùng chú ruột tôi – cũng là một bác sỹ giỏi quyết định đưa tôi ra Hà Nội khám lại.

Tôi cùng cha, chú, anh trai và một người bạn bác sỹ của chú lên tàu ra Hà Nội. Tôi và cha được ở toa giường nằm. Chú cùng người bạn và anh trai ở toa ngồi. Trên đường đi, tôi mệt lử và thiếp đi trong vòng tay cha và không tỉnh lại nữa.

Thấy tình hình nguy cấp, cha và những người cùng đi quyết định đưa tôi xuống giữa đường để cấp cứu. Tôi được chuyển thẳng lên viện 103 (Hà Nội).

Một ngày sau khi nằm tại khoa cấp cứu, tôi mới mở mắt tỉnh dậy. Tôi tiếp tục nằm viện, được khám, xét nghiệm, chụp đủ mọi thứ nhưng kết cục các bác sỹ vẫn không tìm ra được tôi mắc bệnh gì.

 Hơn một tuần tôi nằm viện, bảo hiểm không có, nhà không còn gì để bán. Nhìn cha gầy héo đi vì đứa con gái đang sống dở chết dở, tôi khóc. Một ngày ở viện tôi “tiêu” hết 2 triệu đồng vì không có bảo hiểm. Ở nhà, mẹ và các anh chạy vạy vay tiền khắp nơi để gửi ra cho tôi chữa bệnh. Nhưng rồi bao nhiêu tiền ra đi theo tôi vẫn trở về con số 0. Bệnh viện gửi trả tôi về nhà. Cha gọi điện về bảo với mẹ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Riêng tôi lúc ấy vẫn không hề biết rằng mình sắp chết.

Chú tôi thương cháu quá không kìm được nước mắt. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy chú – một người đàn ông vốn mạnh mẽ là thế đã khóc òa trên vai cha tôi. Sau đó, một lần nữa chú nhờ các giáo sư, bác sỹ mà chú quen thân chẩn đoán thêm cho tôi một lần cuối cùng. Nhờ thế, tôi được phát hiện bị bệnh thiếu máu huyết tán và luput ban đỏ.

Tôi phải nhập viện ngay lúc đó để tiếp tục điều trị. Hơn một tuần sau đó, bệnh có phần thuyên giảm và tôi được xuất viện, nhưng mỗi tháng vẫn phải ra Hà Nội để kiểm tra định kỳ. Những tưởng tôi đã may mắn thoát khỏi bệnh tật, nhưng ngược lại, dù vẫn khám và uống thuốc đều đặn nhưng bệnh vẫn không có gì thay đổi.

Thỉnh thoảng tôi hỏi cha về bệnh cũng như tình hình kinh tế của gia đình, cha chỉ cười bảo: “Chỉ cần con sống là được, tiền bạc không hết bao nhiêu đâu con ạ!”. Nhưng tôi biết, vì tôi mà nhà tôi đã không còn một tài sản nào có giá trị nữa. Vì thế, tôi lại cắn răng, nhủ lòng phải sống sao cho vui vẻ, cho ý nghĩa để cha mẹ yên lòng.

Bệnh thiếu máu huyết tán và luput ban đỏ của tôi chỉ có thể thuyên giảm nếu được cắt lách đi, bác sỹ bảo thế. Lần lựa mãi, cha và chú tôi quyết định cho tôi đi viện để phẫu thuật cắt bỏ lách. Chẳng may, sau khi cắt, tôi lại tiếp tục bị áp xe nên phải mổ lại và đành nằm điều trị thêm một tuần nữa mới xuất viện. Sau một thời gian, tôi ra lại Hà Nội để khám lại. Cha tôi đã khóc vì vui mừng khi nghe bác sỹ bảo rằng bệnh thiếu máu huyết tán của tôi có kết quả xét nghiệm âm tính. Vậy là tôi đã thoát khỏi căn bệnh quái ác ấy sau hơn 3 năm chiến đấu với nó.  

Dù đã khỏi bệnh nhưng hàng tháng tôi vẫn tới bệnh viện để xét nghiệm máu. Năm 2005, một lần khi làm xét nghiệm tại Bệnh viện, tôi được các bác sỹ chẩn đoán tôi bị thận biến chứng từ bệnh luput ban đỏ. Một lần nữa, nhà tôi lại lao đao vì đứa con gái bệnh tật là tôi. Mẹ tôi suốt ngày ôm tôi khóc như không thể ngừng lại. Cha là đàn ông, nhưng không ít lần tôi thấy cha ngồi đâu đó trong bóng tối, rơi nước mắt. Nhìn cha mẹ, tôi ước mình có thể chết đi, để cha mẹ tôi không phải ngày đêm khóc ròng rã, không phải ngày nào cũng chạy đôn đáo khắp nơi vay tiền chữa bệnh cho con.

Việc tôi vào, ra viện trở nên quá đỗi bình thường đối với mọi người trong gia đình tôi. Bệnh thận của tôi ngày càng nặng lên trông thấy. Tôi phải cấp cứu chạy thận đến 9 lần ở bệnh viện Bạch Mai, nhưng điều đó vẫn không thay đổi được gì.

 Mắt tôi ngày càng to và lồi ra như hai con ốc, không thể nhìn thấy. Người phù nề lên như một con heo bị bơm nước. Một lần nữa, tôi bị bệnh viện trả về trong vô vọng. Nhưng có lẽ số tôi vẫn chưa đến lúc phải từ biệt mọi người. Và một lần nữa, nhờ những mối quan hệ của mình, chú tôi lại cứu tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Người tôi trở lại bình thường, mắt dần hồi phục. Và tôi đã sống lại như một phép lạ. Nhưng một năm sau, mọi thứ đã không như mong đợi, tôi chính thức bước vào “sự nghiệp” chạy thận.

Lúc này đây, tôi thực sự chỉ muốn chết. Tôi đã gào khóc xin cha mẹ hãy cứ để tôi như thế, đừng tốn tiền vào bệnh tật của tôi nữa làm gì. Nhưng xót xa thay khi cha mẹ tôi vẫn khăng khăng bảo rằng: “Dù có đến hơi thở cuối cùng thì cha mẹ vẫn không bỏ con một mình đâu...”. Lời cha nói sao mà nghe như rỉ máu vào tim tôi. Thương cha mẹ bao nhiêu, tôi lại thấy hận bản thân mình bấy nhiêu. Cha mẹ nuôi tôi mấy chục năm trời, tôi chưa kịp đáp công ơn ấy thì nay họ lại phải tiếp tục chiến đấu với những căn bệnh quái ác của tôi.

Một tuần tôi đến viện chạy thận 3 lần. Mọi thứ trước mắt tôi coi như chẳng còn ý nghĩa. Tôi chạy thận cũng chỉ để làm cha mẹ yên lòng. Bởi tôi biết rằng căn bệnh này chưa tha cho ai bao giờ. Nhưng chính lúc ấy, nhóm những bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã đến bên tôi. Họ đã giúp tôi quên đi sự đau đớn, tránh xa những bi quan mà xưa nay tôi đang gặm nhấm từng ngày.

Đồng cảnh, chúng tôi chia sẻ với nhau, quan tâm, săn sóc cho nhau. Ở đó, còn có biết bao hoàn cảnh còn thương tâm hơn tôi nhiều. Và tôi cảm nhận rằng, mình vẫn còn rất may mắn. Có lẽ vì thế, tôi đã vực dậy được tinh thần của mình. Sống lạc quan, yêu đời trở lại.

Yêu thích nghề y từ lâu, nhưng vì không có điều kiện để học nên tôi chỉ tốt nghiệp được lớp sơ cấp. May mắn với tôi là chú tôi mở phòng khám tư, nên tôi được chú cho đến văn phòng chú làm việc. Chỉ là những công việc nhỏ nhặt như đánh máy kết quả siêu âm, in ấn...nhưng chừng đó thôi cũng đủ làm tôi thấy cuộc đời này còn tươi đẹp biết mấy.

 Nhưng một tuần tôi phải đến viện chạy thận 3 lần, nên những lần tôi bắt buộc nghỉ ở nhà tôi buồn lắm. Tôi mong những ngày nghỉ ấy trôi qua thật nhanh,  để tôi lại được đi làm, được gặp gỡ những bệnh nhân, được làm việc với chú, và nhất là được thấy rằng, mình vẫn còn có ý nghĩa cho cuộc sống này.

Như thế tôi đã sống chung với bệnh tật hơn 13 năm qua. Tôi vẫn luôn “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương...”. Tôi nghĩ mình là người may mắn dù đã, đang và sẽ trải qua không biết bao sóng gió ngoài kia nữa. Tôi biết rằng, cuộc đời này mình sẽ gắn bó với cái máy chạy thận suốt đời, nhưng tôi vẫn luôn ước mơ, tôi muốn được khỏe mạnh để đi du lịch đây đó khắp nơi trên đất nước thân yêu, xinh đẹp, đến những nơi mà tôi chưa một lần được đặt chân đến...

Thiên Thiên (ghi)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.