Tôi là “phóng viên nông dân”
Đó là biệt hiệu dễ thương tôi được mang khi phụ trách tuyên truyền mảng nông nghiệp. Cũng nhưnhững cán bộ ngành Nông nghiệp tự nhận mình là những người làm nghề “lên bờ xuống ruộng”-tôi đã gắn bó với đồng ruộng, với những mùa màng và hiểu hơn giá trị của hạt thóc làm từ mồ hôi, nước mắt…
(Baonghean) Đó là biệt hiệu dễ thương tôi được mang khi phụ trách tuyên truyền mảng nông nghiệp. Cũng nhưnhững cán bộ ngành Nông nghiệp tự nhận mình là những người làm nghề “lên bờ xuống ruộng”-tôi đã gắn bó với đồng ruộng, với những mùa màng và hiểu hơn giá trị của hạt thóc làm từ mồ hôi, nước mắt…
Tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội, ra trường, tôi “bập” vào nghề báo với một tâm thế hoàn toàn “không ngờ tới”. Ngày đầu chính thức “bước chân” vào tòa soạn, tôi được phân công là một trong những phóng viên theo dõi ngành nông nghiệp - một lĩnh vực mà nhiều người cho là khô khan, là cứng...
Lớn lên ở một vùng đất thuần nông, tôi vốn không xa lạ gì với cây lúa, củ khoai, nhưng chỉ đến khi là phóng viên theo dõi mảng này, tôi mới bắt đầu biết đến những giống lúa Khang dân, Nhị ưu, biết thế nào là lúa chất lượng cao, lúa lai, lúa thuần... Đến giờ, tôi vẫn không quên những ngày đầu chập chững vào nghề, chú Hoàng Chỉnh - lúc đó là biên tập viên, đã dạy tôi những kiến thức sơ đẳng nhất về nghề báo. Tôi bắt đầu được làm quen thế nào là tin, bài, phóng sự, vụ sản xuất nào gọi là vụ mùa, vụ đông xuân, rồi sản xuất hè thu phải chạy đua với thời vụ ra sao để tránh lụt... Được một thời gian, bạn cũ gọi điện hỏi thăm, tôi thường tếu táo: Luật hình sự, Hôn nhân gia đình... “bay” hết rồi,trong đầu giờ chỉ toàn ngô với lúa...”.
Phỏng vấn bà con nông dân ở Quang Sơn (Đô Lương) về tình hình sản xuất vụ xuân 2012.
Ngày được ký hợp đồng sau một thời gian dài thử việc và thi tuyển, những sung sướng ban đầu chưa kịp “tận hưởng”, chúng tôi đã phải làm quen ngay lập tức với “kỷ luật sắt” của trưởng phòng Bá Tân. Họp phòng đầu tuần, nếu hôm nào lỡ dậy muộn thì “bất kể tính mạng”, phóng xe vèo vèo với tốc độ nhanh nhất có thể, đến toà soạn là cắm đầu lao thục mạng lên phòng để làm sao “không chậm quá 5 phút”. Mới chập chững vào nghề, chưa kịp hiểu hết những kiến thức cần thiết, nhưng vào các cuộc họp đầutuần, mỗi phóng viên đều phải có một đề cương tuyên truyền 3 đến 4 bài trong lĩnh vực mình theo dõi, nhiều hôm phải cố gắng khắc phục cái rụt rè cố hữu, đứng lên thuyết trìnhtrước cả phòng để có thể bảo vệ vấn đề mà mình đưa ra. Hồi đó, không ít lần chúng tôi thầm kêu khổ, nhưng sau này ngẫm lại, chính cái “kỷ luật sắt” ngày ấy đã giúp mình trưởng thành biết bao nhiêu... Với một phong cách khác, nhà báoVăn Đoàn cũng là người chỉ bảo, uốn nắn cho tôi rất nhiều từ kỹ năng làm báo, nắm bắt và xử lý thông tin cho đến những kiến thức dù là nhỏ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi còn là Trưởng phòng, chú cũng đồng thời là người chịu trách nhiệm chính theo dõi mảng này, nên tất cả những bài viết của tôi chú đều đọc rất kỹ, nhiều hôm 11h đêm tôi còn “được” gọiphân công một đề tài hay trong nông nghiệp, hoặc thậm chí vì một chi tiết chưa chính xác trong bài viết, một kinh nghiệm hay trong cách xử lý thông tin.
Theo dõi mảng nông nghiệp, tôi cũng như những đồng nghiệp của mình có cơ hội được tiếp xúc với những nông dân chân chất, hiểu hơn về những vất vả một nắng hai sương cũng như những trăn trở, băn khoăn của bà con. Qua những miền quê, tôi biết thương cụ già gần 90 vẫn lọ mọ với nương mạ, ô muối ở Nam Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc... Thương biết bao những cô bé, cậu bé vùng cao mới 5-6 tuổi đã lũn cũn theo mẹ lên nương, những em bé vùng quê nghèo, mắt sáng lên nhìn thèm thuồng vào những cái kẹo trong tay tôi chưa phát kịp... Hiểu và thương người nông dân khi bao nhiêu công sức đổ ra, sắp đến ngày được hưởng thành quả thì trời giáng thiên tai, hay những trăn trở của bà con khi nhọc nhằn làm ra hạt lúa, củ khoai mà không bán được, trong lúc bao nhiêu khoản cần mà chưa biết nhìn vào đâu. Như lúc này đây, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn nhận được liên tiếp những thông tin thật xót lòng, đó là dứa đến mùa chín rục mà không tiêu thụ được ở Quỳnh Lưu, là vụ xuân 2012, bà con có một mùa vàng bội thu sau những nhọc nhằn vất vả, nhưng niềm vui khôngtrọn vẹn vì giá lúa vừa sụt thấp, vừa không có ai mua.
Tôi không thể quên những giọt nước mắt của người nông dân già trên ruộng lạc bị nắng hạn làm cháy xác xơ ở Nam Hưng (Nam Đàn), hay ánh mắt ngơ ngác của người đàn bà cố gắng bới tìm vài củ lạc chắc trongnắng hạn rồi lại mưa lụt ở Nghi Trường (Nghi Lộc); cảm giác khichứng kiến lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn nái bị dịch tai xanh ở Nam Đàn…
Đi viết tin, bài, tôi cũng được hỗ trợ từ những kỹ sư, những chuyên gia mảng nông nghiệp. Cũng thấy quý trọng hơnnhững “nông dân trí thức”. Lại nhớ lời nói “vui mà đúng” của một thạc sỹ ở Chi cục BVTV tỉnh- “nghề của chúng tôi là nghề... lên bờ xuống ruộng”. Viết nông nghiệp là không ngại nắng, ngại gió, ngại da đen,ngại khi tháo dép, lộiruộng. Hơn 10 năm gắn bó với cái nghề nông, càng ngày, tôiđã cảm thấy mình là“phóng viên nông dân” và vui khi đồng nghiệp gọi vậy.
Nhà báo Hữu Thọ, người cả đời quan tâm, theo dõi và viết về nông nghiệp, nông thôn trong một lần trả lời phóng vấn báo Nông Nghiệp Việt Nam có tâm sự rằng để có được thành công, ông đã phải học tập không ngừng, học cày, học bừa để có kiến thức thực tế, ghi chép những câu ca dao tục ngữ về nông nghiệp, nông thôn, đọc rất nhiều sách kỹ thuật nông nghiệp, lăn lộn để nắm tình hình, để hiểu và viết "Phải sống với nông dân mới có thể viết được về nông thôn. Có tình yêu nông thôn, có kiến thức về nông nghiệp và nông dân mới có thể viết hay được". Ngẫm lại, dù tự biết vốn kiến thức còn nhiều hạn chế, còn phải học hỏi nhiều, nhưng tình yêu với cái nghiệp làm “phóng viên nông dân” thì mình không hề thiếu...
Phú Hương