"Tôn trọng" và "phải tôn trọng"

18/11/2013 21:47

(Baonghean) - Vào năm 1943, cha tôi hướng dẫn tôi đọc bài tập đọc “Ông Các nô về thăm thầy cũ”. Bài viết kể: Về đến làng, ông Các nô -một vị tướng Pháp danh tiếng, nhớ đến thầy học cũ. Ông tìm đến ngôi trường đã từng học. Thầy cũ đã nghỉ. Đến nhà, trước người thầy nay đã rất già, ông ngả mũ cúi chào lễ phép: “Con là học trò của thầy. Con tên là Các nô, thầy còn nhớ con không ạ?”.

Ngày nay những người đi học thời Pháp đều nhớ đến một người rất quý trọng thầy ông Các nô. Tôi được biết, ở Pháp không chỉ có một ông Các nô quý trọng thầy. Có một số vùng (tôi không nhớ tên), cứ đến Lễ Nô-en những người nông dân có con hay không có con học thầy, đều đến nhà thầy thăm viếng, chúc tụng. Quà tặng thầy có khi chỉ là một chùm nho, một rổ khoai tây… Nhưng những người nông dân gửi tới thầy với thái độ rất trân trọng. Thăm hỏi, chúc tụng thầy đã thành một tục lệ đẹp. Ở Nhật Bản còn lạ hơn, ngay từ khi chỉ mới mang sắc phục của trường sư phạm, các học viên đã được quý trọng. Họ được nhường chỗ trên xe công cộng, được nhường lối khi đi trên đường. Ở Ấn Độ và Nhật Bản, sách nhà Phật ghi rõ: “Người thầy là một trong sáu phương thiêng liêng mà con người phải tôn thờ”.

Chúng ta rất tự hào ở Việt Nam, lòng tôn kính thầy có cả một truyền thống. Câu nói” Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không một người Việt Nam nào đã đến tuổi cắp sách đến trường mà không biết. Các bậc cha mẹ mỗi khi Tết đến vẫn nhắc nhở con cháu: “Mồng một Tết cha, mồng Hai Tết họ, mồng Ba Tết thầy”. Kho tàng văn học của người bình dân có không ít những câu chứa đựng tấm lòng và ý tưởng rất sâu xa:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Tôi cho rằng, yêu kính thầy là một nét đẹp của tâm lý, trí tuệ, con người. Tất nhiên, mỗi thời, mỗi nơi có những sắc thái riêng… nhưng từ “tôn sư trọng đạo” đến “phải tôn sư trọng đạo” có điều phải suy nghĩ thêm. Tôi xin kể lại đây câu nói của một vị chân sư mà tôi đọc được. Oshô kể: “Một lần, tôi được mời tới một buổi hội thảo có thầy hiệu trưởng, hiệu phó và nhiều thầy… Một thầy giáo đã để lộ mình. Ông ta yêu cầu học trò “phải tôn sư trọng đạo”. Sao lại phải tôn trọng? Nếu phải tôn trọng thì toàn bộ vẻ đẹp đã mất. Sự tôn trọng không còn sống động, không còn sự tự nhiên. Khi nào có một người thầy đích thực thì có một sự tôn kính tự nhiên. Nó đơn giản, trôi chảy, không có một chút gì cố gắng; thay vì yêu cầu trò phải tôn trọng, các vị hãy quyết định lại đi, xin bắt đầu từ người thầy. Đòi hỏi người thầy phải sống trong sáng, đẹp đẽ. Trong sáng, đẹp đẽ một cách tự nhiên”.

Dân ta từ rất lâu có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Suy nghĩ của vị chân sư (Ấn Độ) cũng trong mạch suy nghĩ của dân tộc ta thôi. Tôn trọng thầy là một phép tắc nhà trường mong muốn học trò. Tôn trọng thầy một cách tự nhiên thì vấn đề lại phải đặt ra từ chính người thầy. Sự tự nhiên, bền vững luôn được xây dựng từ chính người thầy. Cái đó phải được các nhà lãnh đạo, quản lý vun xới, đóng góp…

NSƯT: Đặng Thuyên

Mới nhất
x
"Tôn trọng" và "phải tôn trọng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO