Tôn vinh những người công giáo “kính chúa-yêu nước“
“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” – đường hướng đó của người công giáo luôn được tiếp nối và lan tỏa.
Hôm nay (12/10), Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ của 400 linh mục, tu sĩ và giáo dân trong một sự kiện được tổ chức 5 năm một lần: Đại hội đại biểu Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII.
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội là tôn vinh những người công giáo tiêu biểu với những việc làm cụ thể, thiết thực, đang từng ngày, từng giờ đóng góp dựng xây quê hương, đất nước.
Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang không chỉ mở quán cơm 2.000đ cho người nghèo mà còn tích cực làm từ thiện. Ảnh: UB đoàn kết công giáo Việt Nam |
Trong những phong trào thi đua của người công giáo, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như linh mục Nguyễn Ngọc Phi ở Đà Nẵng. Ngoài công việc của một linh mục, ông còn là nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Công giáo và kỷ lục gia của Việt Nam, sáng tác hơn 300 truyện ngụ ngôn, hơn 500 bài hát, chủ yếu là nhạc về đạo.Năm 2017, linh mục vinh dự được trao bằng khen và cúp “Trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”. Hay như, giáo dân Trần Văn Kiều ở giáo phận Bùi Chu-Nam Định. Với việc mạnh dạn đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải, anh đã trở thành một trong những tài năng trẻ được Chủ tịch nước gặp mặt và biểu dương với danh hiệu “Doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh”….
Còn nhiều và nhiều tấm gương khác của người công giáo đang âm thầm tỏa hương, lặng lẽ đóng góp cho đời với tinh thần “kính chúa-yêu nước”. 7 triệu người công giáo, hiện diện trên khắp mọi miền đất nước, tham gia vào hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Họ là một phần của dân tộc, hòa vào dòng chảy của dân tộc, mong muốn đất nước phát triển, đời sống nhân dân được ấm no bởi lẽ “nước có vinh thì đạo mới sáng”.
Nhà thờ xứ Phương Chính, xã Hải Triều, Hải Hậu, Nam Định. |
Đâu đó, những linh mục, giáo dân vẫn còn mang nặng định kiến, chưa thật sự hợp tác với chính quyền, thì đó cũng chỉ là con số rất nhỏ.
“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” – đường hướng đó của người công giáo luôn được tiếp nối và lan tỏa. Là tôn giáo lớn thứ 2 ở Việt Nam sau Phật giáo, dù quá khứ hay hiện tại thì Nhà nước vẫn luôn tôn trọng và tạo điều kiện để đạo công giáo được phát triển. Điều đó thể hiện qua việc gia tăng tín đồ cũng như các trường đào tạo, các cơ sở từ thiện, nhân đạo của người công giáo. Cùng vì mục tiêu chung, cùng nhìn về một hướng, dù lương hay giáo cũng không bao giờ có khoảng cách./.