Tổng thống Indonesia: "Liệu pháp sốc" hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan?

22/08/2015 08:44

(Baonghean) - Những tưởng “liệu pháp sốc”, cụ thể là đánh đắm tất cả tàu cá vi phạm chủ quyền trong đánh bắt thủy sản mà Tổng thống Indonesia áp dụng ngay khi lên nắm quyền sẽ được xem xét lại vì đã gặp rất nhiều chỉ trích. Nhưng không, ngày 18/8 vừa qua, 34 tàu cá nước ngoài tiếp tục cùng chung số phận với những tàu trước đó. Dù đã “quen” với sự cứng rắn của người đứng đầu đất nước vạn đảo, nhưng những nghi ngờ “liệu pháp sốc” mà Tổng thống Joko Widodo đang áp dụng dường như có chút liên quan gì đó với chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi không phải là không có cơ sở.

Tổng thống Joko Widodo sinh ngày 21/6/1961 và thường được biết đến với cái tên thân mật là Jokowi. Ông từng là thị trưởng thành phố Surakarta. Ông được đảng của mình, Đảng Dân chủ - Đấu tranh Indonesia (PDI-P), chọn làm người chạy đua tranh cử trong cuộc bầu cử thống đốc Jakarta. Và thắng cử vào tháng 9/2012 sau một cuộc bầu cử vòng thứ hai, trong đó ông đánh bại thống đốc đương nhiệm Fauzi Bowo. Chiến thắng của Jokowi đã cho cái nhìn bao quát khi phản ánh sự lựa chọn của cử tri đối với lãnh đạo có phong cách chính trị "mới" và "trong sạch". Ngày 9/7/2014, ông là 1 trong 2 ứng cử viên chạy đua tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia. Ông tranh cử với Prabowo Subianto, một cựu tướng quân đội. Ngày 22/7/2014 Jokowi được công bố là tổng thống đắc cử của Indonesia, giành chiến thắng với 53,15% phiếu bầu so với số phiếu bầu của đối thủ của ông là Prabowo 46,85%.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Internet.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Internet.
Khác hẳn với những chính trị gia ở đất nước vạn đảo, ông là tổng thống đầu tiên xuất thân từ tầng lớp lao động. Trước khi bước vào chính trường, Joko Widodo và cha của mình đều là những người thợ mộc chuyên sản xuất bàn ghế và sau này ông thành công trong lĩnh vực bán lẻ đồ gỗ và xuất nhập khẩu. Sau này, khi tham gia vào chính trường với chức vụ Thị trưởng thành phố Solo hay Thống đốc Jakarta, Joko Widodo vẫn giữ được phong cách gần gũi, thân thiết với người dân, nhất là với tầng lớp lao động nghèo. Với người dân Jakarta, hình ảnh một quan chức địa phương ăn mặc giản dị trong bộ quần tây và áo sơ mi không bao giờ đóng thùng đã trở lên gần gũi và thân thuộc. Cũng phải, bởi khác với những người tiền nhiệm, Jokowi luôn có những chuyến viếng thăm bất chợt tới các khu chợ, khu cư xá dành cho người nghèo để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ và để kiểm tra những công trình, dự án phúc lợi ở Jakarta.

Nhậm chức Tổng thống Indonesia trong bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào tình cảnh đình đốn do sự lỏng lẻo về luật pháp. Cùng đó là tình trạng tham nhũng trở thành căm bệnh trầm kha nhiều năm chưa có thuốc đặc trị đã gây nên sự bức xúc tột độ cho người dân. Vì thế không ít nhà phân tích cho rằng, một người trẻ tuổi chỉ với nhiệt huyết sẽ khó đạt được thành công trong tương lai gần. Bởi kỹ năng điều hành một đất nước chắc chắn sẽ khác hẳn với khi đang là một Thống đốc và điều này ông vẫn đang thiếu, đặc biệt là trong đối ngoại.

Và quả thực, các nhà phân tích chính trị đã đúng, bởi từ khi trở thành Tổng thống Indonesia, thành tựu mà ông mang lai cũng chỉ trong một chừng mực nhất định. Cụ thể, về mặt kinh tế, vừa nhậm chức được một tháng, Tổng thống Indonesia đã lần lượt tiến hành cắt giảm trợ cấp giá xăng dầu (chiếm đến 20% ngân sách quốc gia) và cho tăng giá nhiên liệu lên đến 30%. Tuy đây là một chính sách cải cách không mấy hợp lòng dân, do có đến hơn 40% người dân trong tổng số 250 triệu người phải sống dưới ngưỡng 2 USD/ngày, nhưng trong một chừng mực nào đó lại được nhiều nhà phân tích và tài trợ đánh giá cao. Chính sách này có thể giải tỏa những quỹ quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng, vốn thiếu thốn trầm trọng tại một nước có đến 17.000 hòn đảo và đảo nhỏ; hay như cách xử lý vụ tai nạn hàng không của hãng AirAsia trên biển, mà cụ thể là chuyến bay số hiệu QZ8501 đã được người dân và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Ông Widodo tỏ ra cương quyết, ra lệnh xem xét lại các quy định an toàn hàng không và nỗ lực hợp tác chặt chẽ trong việc tìm kiếm và cứu hộ. Về mặt chính trị, Tổng thống Indonesia đã quyết định duy trì thể thức phổ thông đầu phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương và vùng (bầu Thị trưởng và Thống đốc bang).

Tuy đạt được một số thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhưng không thể phủ nhận rằng, đã có những xói mòn về độ tín nhiệm của người dân đối với đương kim Tổng thống. Những người từng đặt nhiều hy vọng vào ông Widodo trong công cuộc chống tham nhũng thì có vẻ đang rất thất vọng. Và Tổng thống đương nhiệm cũng đang đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt do việc bổ nhiệm một người đang trong tầm ngắm điều tra tham nhũng lên nắm ngành cảnh sát quốc gia.

Còn trong ngoại giao, rõ ràng cho đến thời điểm này, việc Indonesia cương quyết xử tử 6 tội phạm ma túy, trong đó có 5 người nước ngoài, đã gây ra một cơn bão táp ngoại giao với Brazil và Hà Lan. Hai quốc gia này có công dân bị hành quyết đã lần lượt triệu hồi đại sứ của mình về nước. Bất chấp áp lực quốc tế và cùng lúc hơn 30 tử tù nước ngoài đang chờ ngày hành quyết, việc ông Jokowi tuyên bố sẽ không nhượng bộ có nguy cơ bị chỉ trích mạnh mẽ ngay trong nước. Theo đánh giá của nhà điều hành Viện Setara bảo vệ Nhân quyền, “hiện nay Indonesia đang thụt lùi”. Bởi vì trước đây, cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhyono từng tuyên bố rằng Indonesia đang hướng tới lệnh đình hoãn án tử hình.

Một tàu cá nước ngoài bị đánh đắm tại Indonesia.
Một tàu cá nước ngoài bị đánh đắm tại Indonesia.
Hay như vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt khoảng thời gian từ cuối năm ngoái, khi Indonesia cho đánh chìm một số tàu cá nước ngoài “vi phạm” khi tham gia đánh bắt trên biển. Đặc biệt vào ngày 18/8 vừa qua, Indonesia đã cho đánh chìm 34 tàu cá nước ngoài bị tạm giữ trước đó. Tổng thống Jocowi và những người thực thi nhiệm vụ này gọi là “liệu pháp sốc cho những kẻ đánh bắt bất hợp pháp”. Trên thực tế, “liệu pháp sốc” đã thực sự đem lại những cú sốc lớn cho dư luận quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN.

Vẫn biết rằng theo như tính toán của chính quyền Jakarta, việc mỗi ngày có tới 5.400 tàu thuyền hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia đã gây ra thiệt hại cho đất nước vạn đảo khoảng hơn 24 tỷ USD là con số rất lớn. Nhưng tính hợp pháp trong chính sách "Liệu pháp sốc" mà Indonesia đang thực hiện tới đâu đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Trong khi Tổng thống Widodo và những người dưới quyền luôn khẳng định Indonesia khẳng định chính sách đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp Indonesia cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Nhưng theo Điều 73 của UNCLOS quy định nhiều biện pháp có thể áp dụng để thực thi pháp luật và quy định của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế, nhưng trong đó không bao gồm đánh đắm tàu. Thêm vào đó, điều gây trở ngại cho Indonesia trong việc thực hiện chính sách chống đánh bắt cá trái phép là họ phải thực thi nghĩa vụ phóng thích người và phương tiện ngay lập tức được quy định theo UNCLOS 1982.

Ngày 20/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có Công hàm gửi phía Indonesia về việc này và yêu cầu phía Indonesia khi xử lý các ngư dân Việt Nam vi phạm lãnh hải của Indonesia cần phải phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân. Cùng ngày, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng: “Một lần nữa chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia".

Ngày 31/12 tới đây, Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời và được kỳ vọng là tạo nên một sức mạnh tổng thể trong phát triển kinh tế, quốc phòng và ổn định khu vực. Trong khi đó, theo những thống kê, vấn đề vi phạm chủ quyền trong đánh bắt thủy sản không chỉ diễn ra ở Indonesia mà đây là vấn đề của tất cả các nước ASEAN.

Vẫn biết việc vi phạm pháp luật cần phải trừng trị, nhưng pháp luật nào cũng dựa trên những tiêu chuẩn chung và nằm trong tương quan giữa pháp luật của quốc tế, cụ thể ở đây là UNCLOS 1982. Và nếu vậy thì hành động của Tổng thống Jokowi có phải là một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan? Câu hỏi đặt ra là nếu như tất cả các quốc gia đều có các hành xử, hoặc trả đũa lẫn nhau thì một ASEAN hòa bình, thống nhất và tin cậy toàn diện liệu có phải là ước mơ xa vời?

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tổng thống Indonesia: "Liệu pháp sốc" hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO