Tổng thống Mỹ tiếp tục tạo dấu ấn với chống biến đổi khí hậu

05/08/2015 09:52

(Baonghean.vn)- Sau một loạt các thành công mới đây như bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại vừa có một bước đi được đánh giá là tạo dấu ấn tiếp theo trong chặng cuối nhiệm kỳ của mình. Đó là việc công bố dự thảo “Kế hoạch năng lượng sạch” mà bản thân ông Obama gọi là “bước tiến quan trọng nhất và lớn nhất”. Liệu việc tạo dấu ấn này của ông Obama có thuận lợi?

Tổng thống Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt nhiều kỳ vọng vào “Kế hoạch năng lượng sạch mới”. Nguồn: AP.

Kế hoạch năng lượng táo bạo và đột phá

Khẳng định biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay chứ không chỉ nước Mỹ, Tổng thống Obama vừa chính thức công bố kế hoạch giảm mạnh khí thải carbon từ các nhà máy điện với tên gọi “Kế hoạch năng lượng sạch của Mỹ”. Kế hoạch gồm một loạt các điều luật và quy định về vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện của Mỹ, lần đầu tiên đặt ra các giới hạn về lượng khí thải carbon của các nhà máy này. Theo đó đến năm 2030, các nhà máy phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với mức năm 2005. Kế hoạch của ông Obama cũng khuyến khích chuyển sang sử dụng năng lượng có thể tái tạo, đầu tư mạnh hơn nữa vào năng lượng gió và mặt trời.

Thực tế, biến đổi khí hậu vốn luôn là một đề tài nóng bỏng trên chính trường Mỹ từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền từ đầu năm 2009. Ông Obama đã nhiều lần nhấn mạnh vào chủ trương cắt giảm khí thải độc hại. Đặc biệt trong 2 năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống, chống biến đổi khí hậu đã trở thành một nội dung quan trọng hàng đầu. Thể hiện là hôm 19/3 đầu năm, ông Obama đã ký sắc lệnh yêu cầu chính phủ liên bang trong một thập kỷ tới cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 2008. Tiếp đó ngày 31/3, chính quyền Tổng thống Obama đã chính thức đệ trình Liên hợp quốc kế hoạch trong một thập kỷ tới cắt giảm 28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005. Đây được coi là một phần trong chiến lược chung, nhằm hướng tới một thỏa thuận lịch sử toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại hội nghị Liên hợp quốc dự kiến diễn ra tại Paris, Pháp vào cuối năm nay. Hay trước đó hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận lịch sử về giảm lượng khí thải vào năm 2030. Trong đó, Tổng thống Mỹ cũng đặt mục tiêu cho Washington trong việc cắt giảm khí thải khí nhà kính từ 26% đến 28% vào năm 2025.

Châm ngòi tranh cãi trên chính trường Mỹ

Thế nhưng khác với quan điểm của Tổng thống Obama, phe Cộng hòa cho rằng, hiện ngành than vẫn là ngành công nghiệp chính của Mỹ, bởi thế, các kế hoạch cắt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nước này. Các nghị sỹ Đảng Cộng hòa cho rằng, đây là các biện pháp độc đoán và sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, bất chấp theo Tổng thống Obama, kế hoạch mới này sẽ giúp giảm giá hóa đơn điện của người dân Mỹ trong tương lai và tạo ra việc làm trong ngành năng lượng tái tạo. Thậm chí cả trong trường hợp khí thiên nhiên đang trở nên phổ biến hơn thì hàng trăm nhà máy chạy than trải khắp nước Mỹ vẫn sẽ cung cấp khoảng 40% nguồn điện cho cả nước. Hay như với thỏa thuận giảm lượng khí thải đạt được cuối năm ngoái với Trung Quốc, đảng Cộng hòa hiện kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ cũng đã phản đối mạnh mẽ và cho rằng, Nhà Trắng thiếu sự ủng hộ hợp pháp về mặt chính trị để có thể đạt được một thỏa thuận quốc tế.

Nhưng bất chấp sự phản đối của phe Cộng hòa, Tổng thống Obama vẫn kiên định lập trường của mình. Và quyết tâm của ông chủ Nhà trắng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, vốn đã được xác định là một trọng tâm trong nhiệm kỳ Tổng thống, chống biến đổi khí hậu được ông Obama kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn, một dấu ấn riêng sau khi rời nhiệm sở. Mục tiêu này cũng xuất phát từ thực tế nước Mỹ những năm gần đây đã phải chịu hệ quả khôn lường của biến đổi khí hậu, mà siêu bão Sandy năm 2012 là ví dụ rõ nhất. Thứ hai, trong bối cảnh hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ diễn ra tại Paris, Pháp vào cuối năm nay, Mỹ với vai trò là đầu tàu kinh tế thế giới khó có thể đứng ngoài nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của toàn cầu. Bởi hàng chục năm nay, Mỹ và Trung Quốc - hai nước xả thải nhiều hàng đầu thế giới vốn vẫn luôn so bì lẫn nhau xem ai sẽ tự nguyện cắt giảm trước và cắt giảm bao nhiêu. Cũng vì sự đôi co này mà Nghị định thư Kyoto thông qua tại Nhật Bản năm 1997 đã không được thực hiện đầy đủ.

Và thứ ba theo các nhà quan sát, giảm phát thải khí nhà kính còn là bước đi quan trọng dọn đường cho phe Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà trắng vào năm 2016 tới đây. Dễ thấy mục tiêu này khi mới đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, đã giới thiệu một chương trình đầy tham vọng về phát triển năng lượng ​Mặt Trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Theo các nhà phân tích, bà Hillary đang muốn khẳng định rõ sự khác biệt với các đối thủ đảng Cộng hòa vốn ủng hộ năng lượng hóa thạch. Vì thế, hình ảnh của một nữ tổng thống Mỹ đầu tiên tạo ra một cuộc cách mạng trong sử dụng năng lượng, lại đang phụ thuộc khá nhiều vào các bước đi của đương kim Tổng thống Obama hiện nay. Với những lý do như vậy, chắc chắn Tổng thống Obama sẽ quyết tâm đạt được mục tiêu của mình, cho dù kế hoạch năng lượng được dự đoán sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Nhà trắng và Quốc hội, cũng như giữa các nhà lập pháp bảo vệ môi trường và ngành công nghiệp than ở Mỹ.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tổng thống Mỹ tiếp tục tạo dấu ấn với chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO