Trả lại một “duyên cây” trên đất Nam Đàn

(Baonghean) - Thu trung bình 17 tỷ đồng/năm từ 285 ha trồng chanh là một con số thực sự ấn tượng đối với một bộ phận nông dân vùng chuyên canh chanh Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Lộc (Nam Đàn). Nhưng có ai biết, thứ quả vô cùng thân thuộc và gần như không thể thiếu trong ẩm thực, giải khát hàng ngày này cũng có những thăng trầm không kém...?

Đã một thời, sản phẩm chanh quả Nam Đàn lên ngôi khi vừa “cầu” vượt “cung” lại vừa được giá, nhiều hộ nông dân Nam Đàn hăm hở với nghề trồng chanh, lần lượt xóa nghèo lên khấm khá. Chanh Nam Đàn dần có uy tín thị trường khi xây dựng được một vùng chuyên canh cây chanh rộng lớn năm 2 vụ bên tả ngạn sông Lam, tập trung nhiều ở 3 xã Khánh Sơn, Nam Kim và Nam Lộc.

Ông Hà Văn Hợi, người trồng chanh xóm 4, xã Khánh Sơn nhớ lại: Sau trận lụt lớn năm 1978, gia đình ông cùng nhiều hộ dân thực hiện phong trào di cư lên vùng đồi nhường đất đồng bãi cho sản xuất nông nghiệp. Ổn định nơi ở mới là bắt tay làm vườn, trồng đủ loại cây trong đó có cây chanh, nhưng cũng chỉ là để dùng trong gia đình thôi. Đến những năm 1990, gia đình ông Hợi và bà con chòm xóm vẫn đắp đổi cuộc sống thiếu thốn nhiều bề ở vùng đất nửa đồi núi, nửa thấp trũng, cây lúa và rau màu thu nhập bấp bênh. Không ai nghĩ, “lối mở” lại từ cây chanh thân thuộc hàng ngày ở góc vườn...

Bắt đầu vào những năm 1990, xã Khánh Sơn thực hiện chủ trương trồng chanh đại trà. Ông Hà Văn Hợi, một trong những người đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương này, và hiệu quả thật bất ngờ: Vài ba năm sau, với 300 gốc chanh, bình quân hàng năm gia đình ông thu được khoảng 5 - 9 tấn quả  bán thu gần trăm triệu đồng. Theo ông Hợi, việc tìm ra thứ cây trồng hiệu quả hơn cây chanh trên đất Khánh Sơn là cực khó: “Với đặc điểm đất đá o­ng, đá vôi ở đây, chưa có loại cây nào “đứng chân nổi” mà chỉ có cây chanh.

Thực tế thì trồng chanh không tốn nhiều vốn mà chỉ cần chịu khó, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật là được” . Ông Hợi cũng cho biết, nhờ trồng chanh, vợ chồng ông góp đầu tư 350 triệu đồng mua 1,5 ha rừng cao su cho người con trai cả ở Đắc Lắc, đến nay đã thu hoạch, rồi còn mua đất ở Đồng Nai để người con gái thứ hai vào lập nghiệp. Năm 2012 vừa qua, được coi là một năm thất bát của nghề trồng chanh, 300 gốc chanh nhà ông thu cho ít quả hơn nhưng giá cả lại cao, bán cũng được khoảng 80 triệu đồng.

Tại xã Nam Kim, gia đình ông Phạm Văn Nam ở xóm Khe Lau, có 400 gốc chanh, cũng cho thu trung bình 100 triệu đồng/năm, trở thành hộ giàu của xã... Có rất nhiều hộ ở vùng chanh 3 xã Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Lộc đã khấm khá lên giàu nhờ trồng chanh như thế. Ông Đặng Văn Tân - Phó Chủ tịch xã Nam Lộc cho biết: “Xã có khoảng 800 hộ trồng chanh, người ít nhất cũng trên 500 m2, người nhiều khoảng 4.000 m2. Từ nhiều năm nay, cây chanh đã thực sự là loài cây làm giàu cho khoảng gần 200 hộ với mức thu nhập từ 40 triệu đồng/năm trở lên”. Và từ đây sản phẩm chanh quả Nam Đàn đã có khắp thị trường trong tỉnh và một số tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…; được thương lái đến thu mua tận vườn.

Vườn chanh của ông Hà Văn Hợi ( xóm 4, xã Khánh Sơn) mỗi năm thu gần 100 triệu đồng.

Nhưng rồi khó khăn của việc phát triển cây chanh đến từ nhiều phía mà người trồng chanh Nam Đàn chưa lường tới: đầu ra, sự thoái hóa vườn chanh... Không khỏi có tâm lý hoang mang, nhụt chí. Tổng diện tích chanh 3 xã sụt giảm dần, từ 316,81 ha năm 2005 đến nay chỉ còn 285 ha, và năng suất chanh cũng giảm rõ rệt, đơn cử như ở xã Nam Lộc năng suất chanh các năm 2000 – 2005 – 2010 lần lượt là 20 tấn/ha, 18,62 tấn/ha và 10 tấn/ha, theo đó  sản lượng giảm rõ rệt (từ 6.274,60 tấn năm 2005 xuống còn 3.348, 19 tấn năm 2010).

Hay tại xã Khánh Sơn có 65 ha (2000), năng suất 20,97tấn/ha, năm 2010 diện tích này tăng lên 86ha, nhưng sản lượng chỉ còn 10,97 tấn/ha; xã Nam Kim năm 2000 có 45 ha, sản lượng 21,62 tấn, năm 2010 diện tích tăng lên 170,92ha nhưng sản lượng chỉ còn 11,62tấn/ha. Cho đến các năm gần đây, thì cây chanh ở Nam Đàn đã thực sự có dấu hiệu đứng trước những bấp bênh: Giá cả biến động với những vụ chính giá “rớt  sâu”, cục bộ có những cây chanh cho rất ít quả và xuất hiện nhiều loại bệnh rất khó phòng trừ, đặc biệt là 2 loại bệnh thối gốc rễ và xám quả; cây thoái hóa theo chu kỳ.

Ông Hồ Quang Vinh - xóm 6, xã Khánh Sơn, cho hay: “Vườn chanh nhà tôi có 420 cây, trong đó chỉ còn 40 cây sinh trưởng tốt cho thu nhập cao, 30 cây thoái hóa nhẹ, còn lại có tới 300 cây thoái hóa trung bình và 80 cây thoái hóa nặng xu hướng không những không còn cho quả, mà nếu cho quả cũng không đạt chất lượng hàng hóa”. Tại vườn chanh của gia đình, ông Phạm Văn Sơn - xóm Nhà Hươu, xã Nam Kim, chia sẻ: “Nhà có 238 gốc chanh, trong đó có 15 cây sinh trưởng tốt, 185 cây thoái hóa nhẹ và trung bình, 38 cây thoái hóa nặng. Nếu không tìm được hướng cải thiện chất lượng vườn chanh, có lẽ cần sớm chuyển sang loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn”...

Trước thực tế nêu trên, 3 năm gần đây các địa phương có chủ trương chuyển sang tập trung trồng cây thiên lý, nhưng rồi loại cây này nhanh chóng chết yểu, xã lại quay sang khuyến khích người dân thử nghiệm trồng na, cam, xoài, mít, vải, chuối... Vẫn không có hiệu quả! Trăn trở, loay hoay  mãi, lãnh đạo và nhân dân các xã Khánh Sơn, Nam Lộc và Nam Kim vẫn xác định “chung thủy” với cây chanh và tập trung tìm giải pháp ổn định nghề, và từ đó chuyển một bước quan trọng trong tư tưởng: Năng suất, sản lượng chanh sụt giảm không chỉ cứ đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan mà quên mất là yếu tố chủ quan.

Ông Hà Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: “Hiện nay, số lượng cây chanh cho năng suất kém có 2 nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan, là do mưa quá nhiều, cây tốt lá, quả sẽ ít đi, hoặc mưa nhiều quy trình ra quả đến kỳ thu hoạch sẽ ngắn lại khiến cho chanh trái vụ sẽ phải thu hoạch sớm hơn, năng suất và chất lượng quả đều kém. Nguyên nhân chủ quan, là do lâu nay, nhiều gia đình thâm canh, chăm sóc và thu hoạch chanh chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống, ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Vậy, cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào? Dứt khoát phải có sự phối hợp, hỗ trợ từ bên ngoài! Lần đầu tiên, Nhà nước và nhà khoa học vào cuộc sát cánh với nhà nông vùng chuyên canh cây chanh Nam Đàn: Cuối năm 2012, Sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí để Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình cải tạo vườn chanh thoái hóa tại huyện Nam Đàn”.

Dự án nhanh chóng bắt tay vào thực hiện giai đoạn 1 là xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cải tạo các vườn chanh thoái hóa. Và cũng đến lúc này, người trồng chanh Nam Đàn mới vỡ lẽ ra rằng, trong kỹ thuật trồng chanh giống là khâu quan trọng quyết định năng suất và chất lượng quả. Trong khi đó quá trình để phát triển các vườn chanh của người dân việc sản xuất, lưu thông giống chưa có sự quản lý của các ngành chức năng, số hộ mua giống chanh từ các cơ sở sản xuất có uy tín chiếm tỷ lệ thấp (2/100 hộ); có trên 87% hộ tự sản xuất bằng phương pháp chiết cành theo kinh nghiệm, không tuân thủ  quy trình sản xuất cây giống sạch bệnh.

Thậm chí, có một số hộ cho biết lấy giống từ tận dụng cây già sắp hủy mà không xác định được những cành cây dùng để nhân giống này có nguy cơ tiềm ẩn bệnh hay không. Trong phun thuốc bảo vệ thực vật cũng thế, người trồng chanh thường sau khi phát hiện thấy sâu bệnh mới bắt đầu phun, mà đó vốn là một phương pháp không hợp lý vì khi phát hiện thấy sâu bệnh là lúc sâu đã ở giai đoạn tuổi lớn, bệnh đã phát triển mạnh, khó phòng trừ và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, hộ dân đã tăng cao nồng độ và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây chanh so với khuyến cáo đã làm tăng khả năng thích nghi của dịch hại và đồng thời làm ô nhiễm môi trường.

Phần lớn các hộ dân đều đắp đất hàng năm vào gốc cây để cây không bị đọng nước và tạo rễ phụ, bổ sung nguồn dinh dưỡng. Đây là một kinh nghiệm tốt trong việc duy trì và làm tăng năng suất cho cây chanh, tuy nhiên việc đắp đất không đúng kỹ thuật đã làm cho gốc bị nghẹt và sinh bệnh. Đối với những gốc chanh đã bị nhiễm bệnh do tập đoàn nấm đất gây ra thì việc đắp đất này còn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại nặng và làm cho gốc chanh nhanh chóng bị thoái hóa... Tất cả, đã làm cho đất đai vốn có duyên với cây chanh ở vùng chanh Nam Đàn dần mất cân đối dinh dưỡng, bị chai cứng, bạc màu, dẫn đến cây chanh suy giảm sức sống và nhanh bị thoái hóa, giảm năng suất, sản lượng và chất lượng. Đồng nghĩa, nếu khắc phục được các hạn chế trên, người trồng chanh Nam Đàn sẽ lại tiếp tục có những vụ chanh bội thu, đem lại giá trị kinh tế cao. 

Hiệu quả bước đầu của Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình cải tạo vườn chanh thoái hóa tại huyện Nam Đàn” được thực hiện tại 3 xã Nam Kim, Nam Lộc và Khánh Sơn và đã lấy lại niềm tin gắn bó với giống cây làm giàu cho nông dân không chỉ 3 xã trên mà còn với cả 5 xã bên tả ngạn của huyện. Còn rất nhiều việc phải làm để cải tạo, chống thoái hóa cây chanh  ở đây, nhưng  đường hướng và giải pháp  khôi phục vị thế cây chanh trong phát triển kinh tế của cùng chuyên canh chanh ở Nam Đàn đã được xác định. Người trồng chanh có thể hy vọng vào một tương lai gần thực sự làm giàu bằng khẳng định thương hiệu sản phẩm chanh Nam Đàn và hiện thực hóa giấc mơ một nhà máy chế biến đứng chân trên địa bàn từ tích cực tăng diện tích, sản lượng và chất lượng chanh quả; phát huy bền vững thế mạnh một vùng đất đai chỉ “chịu” duyên nợ với cây chanh!

Bài, ảnh: Anh Vũ

tin mới

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

(Baonghean.vn) -Thực hiện Kế hoạch mở đợt kiểm tra cao điểm về hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), chiều 28/3, đoàn công tác Ban chỉ đạo IUU của tỉnh tiến hành kiểm tra tại địa bàn Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai.

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.