Trả lại tuổi thơ cho em

23/09/2013 18:18

Theo công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (CRC), trẻ em có quyền được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tự do tham gia đời sống văn hóa, nghệ thuật. (Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của LHQ về Quyền trẻ em ngày 20/2/1990). Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định rõ: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi” nhưng dường như cái quyền cơ bản này của một số em đã không được người lớn tôn trọng.Áp lực học... và học

(Baonghean) - Theo công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (CRC), trẻ em có quyền được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tự do tham gia đời sống văn hóa, nghệ thuật. (Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của LHQ về Quyền trẻ em ngày 20/2/1990). Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định rõ: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi” nhưng dường như cái quyền cơ bản này của một số em đã không được người lớn tôn trọng.

Áp lực học... và học


Cách đây vài tuần, gặp cậu bé Phan Nhật Thắng (học sinh lớp 8). Khi hỏi “Hè vừa rồi Thắng có đi du lịch ở đâu không?”. Cậu bé nhăn nhó: “Chẳng được đi đâu cả chú à! Mẹ cháu chỉ cho nghỉ một tuần rồi bắt cháu đi học hè, mà lịch học thì kín mít”. Tìm hiểu qua mẹ cháu, được biết cái “sự” học hè của Thắng không chỉ bắt đầu từ năm nay mà cách đây đã 4 năm. Ban đầu chỉ học 2 môn Toán và Văn, rồi thêm tiếng Anh và hè vừa rồi thêm môn Vật lý.

Nhìn lịch học hè của đứa trẻ lớp 8 này, tôi giật mình: Mỗi tuần 3 buổi học Toán, 2 buổi học Văn, 2 buổi học Lý và 4 buổi học tiếng Anh (2 buổi ở Trung tâm Anh ngữ ASEM và 2 buổi ở nhà cô). Cả mùa hè vừa qua, trong tuần, Thắng chỉ được nghỉ học ngày Chủ nhật, nhưng không có nghĩa được đi chơi mà ở nhà ôn bài dưới sự kèm cặp của mẹ. Vào năm học mới, ngày Chủ nhật “tự do” đó cũng không còn. Mẹ của Thắng giải thích về lý do cậu bé phải học nhiều là bởi “bạn bè của cháu đều đi học thêm, nên phải cho cháu học để khỏi tụt hậu. Mà cháu lại nghịch ngợm, thiếu tập trung, không thể tự học ở nhà, hơn nữa vợ chồng tôi không có thời gian kèm cặp, nên gửi cho các thầy cô kèm cặp hộ”.

Không chỉ học sinh THCS như Nhật Thắng mà nhiều trẻ vừa bước vào tiểu học đã nặng “gánh” học hành. Cô giáo dạy Văn ở một trường THPT trên địa bàn Thành phố Vinh than thở “học sinh bây giờ khổ thế, chương trình học quá nặng nên không có thời gian vui chơi, học môn Văn thì như cái máy vì không có thời gian để cảm thụ”…
Còn ở Trung tâm Anh ngữ quốc tế ASEM – nơi được biết đến là Trung tâm Anh ngữ đầu tiên ở Nghệ An dạy Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.

Trung tâm này có cả một lớp tiếng Anh dành cho học sinh ở lứa tuổi mầm non và những năm đầu tiểu học. Tiếp xúc với một số học viên nhí của lớp học có hơn 10 em này, điều đáng nói là nhiều em tỏ ra bị gượng ép khi học môn ngoại ngữ này. Tôi đã được chứng kiến cháu Quỳnh Anh, học sinh lớp 1, Thành phố Vinh, nhất định không chịu vào lớp học. Mẹ cháu hết dỗ dành, rồi dọa nạt nhưng cháu vẫn một mực đòi về nhà. Phải đến khi giáo viên ra cùng dỗ dành thì cháu mới miễn cưỡng vào lớp. Ngồi vào bàn rồi vẫn mếu máo nhìn theo mẹ.

Không chỉ ở thành phố, ở các huyện từ đồng bằng đến miền núi, có rất nhiều học sinh cũng mang gánh nặng học thêm. Trong một lần lên huyện miền núi Quỳ Hợp, gặp con trai của một cán bộ ngành Giáo dục. Cậu bé lớp 6 có thân hình nhỏ con này cho biết, một tuần, ngoài giờ học chính khóa, cháu còn có đến 7 buổi học thêm - 2 buổi ở trường và 5 buổi ở nhà thầy cô. Các buổi tối hoặc những hôm được nghỉ học ở nhà, bố mẹ lại thay nhau kèm cặp khiến cháu hiếm khi được xem trọn một bộ phim thiếu nhi, hay chơi cùng bạn bè.

Kỳ vọng và những đổ vỡ

Có thể thấy, gánh nặng học tập của học sinh bây giờ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ phía xã hội, ngành giáo dục, nhà trường và gia đình. Chương trình các cấp học, sau nhiều lần cải cách, dư luận xã hội đánh giá là ngày càng... nặng. “Nặng” vì nội dung chương trình, do cách triển khai thực hiện, vì cách đánh giá kết quả không đảm bảo sự phân hóa trên cơ sở nhu cầu, khả năng, điều kiện của học sinh; do nhận thức chung của nhà trường và xã hội nặng về “dạy chữ”…

Làm cha, làm mẹ ai cũng mong con mình chăm ngoan, học giỏi, tự tin, sáng tạo và luôn kỳ vọng, đặt niềm tin vào con cái. Chính vì quá kỳ vọng vào con, nhiều phụ huynh đã có những cách hành xử phản khoa học. Một giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học ở Thành phố Vinh kể: Trong lớp có một học sinh nam đuối môn Toán so với các bạn. Cô gặp bố em để trao đổi với mong muốn gia đình kèm cặp thêm cho em khi ở nhà nhưng không ngờ, vị phụ huynh này lại nổi nóng bạt tai con ngay trước mặt cô giáo “vì tội học dốt”, khiến học sinh này giận cô và trở nên lầm lì. "Kể từ đó, tôi rất cân nhắc mỗi khi muốn trao đổi tình hình học tập của các em với phụ huynh".

Dễ thấy trong nhiều gia đình, đặc biệt ở thành phố, nhiều em nhỏ hầu như không có tuổi thơ. Không được trải nghiệm thiên nhiên, cuộc sống nên tâm hồn các em trở nên khô cứng, mà những bài văn tả sự vật, tả cảnh ngây ngô, buồn cười là những minh chứng rõ ràng nhất.

Việc phụ huynh bắt ép con em học tập quá nhiều so với thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Một bác sỹ ở khoa Khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết: “Những năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp là các học sinh được cha mẹ đưa đến khám và tư vấn do bị căng thẳng trong học tập dẫn đến sang chấn, trầm cảm. Năm 2012, khoa tiếp nhận một học sinh 14 tuổi, có triệu chứng nhìn thấy sách giáo khoa là sợ, suốt ngày nói lảm nhảm. Có cháu đang là học sinh lớp 10 do áp lực học tập dẫn đến bỏ ăn, đến lớp thì thu mình, biệt lập với bạn bè… Tuy số bệnh nhân như trên đến với bệnh viện rất ít, do nhận thức hạn chế và tâm lý sợ mang tiếng của các bậc phụ huynh, nhưng trên thực tế có rất nhiều cháu mắc phải những vấn đề tâm lý trên. Hiện nay, ở tỉnh ta đang thiếu những cơ sở tư vấn tâm lý học đường để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của áp lực học tập cho học sinh. Thế nên, nhiều trường hợp các cháu bỏ học đi chơi game hay bỏ nhà đi “bụi” cũng từ đó…”.

Trả lại tuổi thơ cho em

Xin có một chút so sánh: Cách đây một năm, tôi may mắn được tham quan tỉnh Cotes d’Armor của nước Pháp, được ăn tối với các gia đình người bản địa có con đang học tiểu học. Tôi nhận thấy, học sinh ở đây, vào buổi tối đều dành hầu hết thời gian để vui chơi mà không phải cắm đầu vào ôn bài như học sinh Việt Nam cùng độ tuổi. Ở trường, các em cũng học bán trú nhưng kiến thức rất nhẹ nhàng và có rất nhiều buổi sinh hoạt nhóm, ngoại khóa. Có lẽ vì vậy mà các em rất tự tin, chủ động trong giao tiếp với người lớn cũng như xử lý các tình huống.

Gần đây, cộng đồng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam chia sẻ một status của trang cá nhân Con Yêu, trong đó có những dòng thơ nói về tâm sự của một ông bố với con gái: “Ba lại ngồi làm toán giúp con/Để xong nhanh con còn ngồi xem truyện/Học hành là việc cả đời phải luyện/Còn tuổi thơ thì vùn vụt qua nhanh/Ba không muốn con trở thành vật hy sinh/Không muốn biến con thành “huy chương” cho ba mẹ/Niềm tự hào đôi khi rất nhỏ bé:/Uống một cốc nước trà con gái ba pha...”.

Hay những dòng tâm sự của ông bố trẻ Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2000: “Trong khi người ta bằng mọi cách cho con cái vào trường điểm, chất lượng cao, thì bố chỉ mong hai nhóc sau này được học trường làng, được học ít mà vui chơi nhiều, được thực sự có được một tuổi thơ nhiều kỷ niệm, được nhẹ nhàng không bon chen điểm chác thành tích. Thế là đã hơn thế hệ bố mẹ nhiều lắm. Bố không cần các con học giỏi, bố mong các con được sống một cuộc sống ý nghĩa, vì không bao giờ có một giai đoạn nào trong cuộc sống tươi đẹp hơn tuổi thơ mình”.



Học sinh Trường TIểu học Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) chơi đánh thẻ. Ảnh: T.P

Học tập là quá trình cần phải phấn đấu lâu dài, và không phải ai muốn con mình học giỏi đều đạt được ý nguyện. Đa số những gia đình nghiêm khắc, định hướng tốt thì con đều thành đạt, nhưng nếu áp đặt con thực hiện mơ ước của mình một cách mù quáng và thô bạo thì không những mục tiêu của mình không đạt được mà còn biến tuổi thơ của con mình thành nỗi ám ảnh. Do vậy, các bậc cha mẹ hãy dạy con học bằng một thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt được một mốc nhất định và tạo điều kiện cho con được vui chơi, được khám phá, trải nghiệm cuộc sống đầy màu sắc diễn ra xung quanh mình bằng cặp mắt hồn nhiên, trong trẻo.

“Trẻ em như búp trên cành” - tôn trọng, bảo vệ quyền trẻ em, gắn với nền giáo dục có định hướng đúng đắn là những bước quan trọng nhất để có một thế hệ tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Những năm gần đây, các ban ngành, đoàn thể, đi đầu là Đoàn Thanh niên, Hội đồng đội các cấp đã tích cực vào cuộc tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao lành mạnh và bổ ích phù hợp với lứa tuổi cho trẻ em. Đặc biệt, hướng trẻ vào tìm hiểu bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc như việc đưa các trò chơi dân gian, dân ca vào trường học. Điều này cho thấy sự kết hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành sự phát triển hài hoà, toàn diện “đức, trí, thể, mỹ” là rất quan trọng.

Tuy nhiên, ở đâu đó, vào lúc này lúc khác vẫn có những cách giáo dục “méo mó” gây ảnh hưởng đến tâm hồn và sự hình thành nhân cách của trẻ. Đơn cử gần đây nhất, trong các buổi lễ cầu nguyện tại một số nhà thờ giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, một số Linh mục đã rao giảng những nội dung xuyên tạc, kích động và còn “ấn” vào tay các em những băng rôn, khẩu hiệu có nội dung chống đối chính quyền nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị đen tối của một bộ phận chức sắc, linh mục. Việc làm này đã vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục Việt Nam. Ðã đến lúc cần có những biện pháp can thiệp kịp thời, trả lại tuổi thơ cho trẻ em, để những búp non trở thành những chiếc lá xanh tươi vươn mình lên đón nắng.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Phó trưởng khoa Giáo dục Trường Đại học Vinh: Trẻ em đang ở giai đoạn phát triển về các mặt: thể chất, xã hội và tâm lý. Tuy nhiên, mỗi độ tuổi nhất định sự phát triển các mặt nói trên có đặc trưng riêng. Muốn trẻ phát triển hiệu quả, cần triển khai chương trình giáo dục phù hợp với trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện. Ngoài việc học kiến thức, các em cần có thời gian tham gia, tìm hiểu các hoạt động xã hội thực tế để tăng cường các kinh nghiệm lịch sử - xã hội và khả năng giao tiếp.

Đối với việc dạy ngoại ngữ và năng khiếu cho trẻ ở bậc mầm non, theo tôi, về dạy ngoại ngữ: Nếu dạy sớm quá khi trẻ chưa sử dụng được tiếng mẹ đẻ thì sẽ có hiện tượng lẫn lộn, “giao thoa” làm hạn chế sự tiếp thu ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, cũng như ngoại ngữ. Có thể cho trẻ học ngoại ngữ sau 3 tuổi. Còn dạy các môn năng khiếu khác cũng cần chú ý đến sự phát triển về thể chất của trẻ. Đừng quá quan trọng kết quả đạt được ở trẻ mà hãy làm cho trẻ thấy thích tham gia và tham gia tích cực vào các hoạt động chơi để qua đó học những gì cần thiết.


Minh Quân

Mới nhất
x
Trả lại tuổi thơ cho em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO