Trả lại vẻ đẹp văn hóa cho lễ hội
(Baonghean) - Thời gian qua, ngành Văn hóa đã góp công lớn trong việc phục dựng những lễ hội dân gian đồng thời có thêm nhiều lễ hội hiện đại hay còn gọi là lễ hội mới. Hiện lễ hội ở Nghệ An khá phong phú, đa dạng, được tổ chức từ làng, xã, huyện, tỉnh và cả lễ hội cấp quốc gia, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa.
Lễ hội ở Nghệ An hôm nay cơ bản đã được trả lại vẻ đẹp vốn có của lễ hội truyền thống, đồng thời mở mang, du nhập để xây dựng lễ hội mới mang màu sắc vừa hiện đại gần gũi, vừa tôn nghiêm, thành kính. Các hoạt động lễ hội đã thể hiện niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng. Đặc biệt, lễ hội ở Nghệ An còn thể hiện và gắn liền với truyền thống, bản sắc văn hóa của các cộng đồng, các tộc người, ví dụ như Lễ hội Hang Bua gắn với sinh hoạt cộng đồng của người Thái, Lễ hội sông nước Cửa Lò gắn với bà con vùng biển…
Mặc trang phục tùy tiện khi tham gia đấu vật truyền thống trong lễ hội
Ảnh: Thanh Lê
Tuy vậy, hoạt động lễ hội ở Nghệ An cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Đó là một số lễ hội khi được khôi phục, cách thức tổ chức, diễn trình phần nhiều giống nhau, không thể hiện được sự độc đáo, cái riêng của từng lễ hội. Bên cạnh những “kịch bản mẫu” đã được sao chép, phổ biến thì có thể nhận thấy yếu tố “sân khấu hóa” đã làm mất đi tính chân thực, hồn nhiên đầy thiêng liêng của lễ hội. Một số lễ hội của bà con dân tộc thiểu số miền núi có hiện tượng pha tạp văn hóa lễ hội của người Kinh khiến bản sắc riêng bị mờ nhạt.
Bên cạnh đó, nhiều “chiêu, trò” trá hình, các tệ nạn vẫn tìm dịp lễ hội để phô diễn, làm mất đi nét tôn nghiêm của lễ hội: cờ bạc, móc túi, hành nghề mê tín dị đoan, người ăn xin nài nỉ khách thập phương, hàng quán lộn xộn, giá cả “trên trời”… Đã có những bài viết chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế trên là do “các cấp chính quyền còn bao sân, chưa để cho người dân tự chủ trong việc tổ chức lễ hội.” Chính lãnh đạo ngành Văn hóa và một số chuyên gia cũng đã từng mong mỏi: “Lễ hội của người dân, phải trả lại cho người dân”, song thực tế đến với chính quyền cấp xã, huyện thì có lẽ vẫn còn “mắc” ở đâu đó?
Nổi lên trong câu chuyện lễ hội là văn hóa trang phục. Mặc dù đầu tư cho phục dựng rất công phu nhưng trang phục tại lễ hội lại không đồng bộ. Bộ phận chủ lễ nhiều khi không ăn mặc, đi đứng, nói năng đúng quy cách. Khách đến dự lễ cũng không có quy định nào về lễ phục, nhất là trong phần lễ. Một số lễ hội truyền thống cũng đổ tại kinh phí mà bỏ qua phần lễ phục của người rước kiệu hay cầm cờ, quạt…Ngay cả một lễ hội mới và đầy trang trọng như Lễ hội Uống nước nhớ nguồn tổ chức vào tháng 7 hàng năm thì trong vấn đề trang phục cũng lúng túng. Dự lễ, người comple đen, người sơmi trắng cộc tay. Tiếc là một chi tiết nhỏ này nhưng nhiều năm nay không hề được khắc phục. Còn ở phần hội thì đúng là “muôn hình vạn trạng”, mặc gì tùy thích. Các trò chơi dân gian trong lễ hội như kéo co, đấu vật, chơi đu…, từ người chơi cho đến người lĩnh hội chưa có quy định về trang phục, nói năng… như cách ông cha đã làm. Chơi đu mà các thiếu nữ diện quần bò, áo phông; hai đội kéo co người mặc áo, người xắn quần, cởi trần; còn đấu vật thì chẳng ai thấy được “lấm lưng, trắng bụng” vì hai “đô” đều mặc áo, quần mỗi người mỗi kiểu. Ấy vậy, nhưng được quay phim, phát sóng hẳn hoi mà vẫn không ai có ý kiến gì. Và lễ hội vẫn “thành công, mang đậm bản sắc…”
Ngay như các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đặc thù được mang đến lễ hội, làm dấu ấn riêng đặc sắc, đồng thời nhằm quảng bá với du khách thập phương cũng có việc phải bàn. Nhiều nhà nghiên cứu đã từng nhắc nhở, đôi khi trang phục mặc ví dặm lại đưa vào ví phường vải. Đó là hai loại hình sinh hoạt văn hóa khác nhau. Ví phường vải phải kết hợp quay xa với hát ví nhưngđem diễn trên sân khấu mà không có những đạo cụ, không gian cần thiết… khiến việc trình diễn trở nên lạc điệu, khó nắm bắt. Trong lễ hội mới, có những trích đoạn hát ví, hát phường vải được sáng tác mới rất cần được nâng tầm để xứng với văn hóa của cha ông...
Ai đó nói rất hay và rất đúng rằng, lễ hội là một chân dung văn hóa tiêu biểu của cộng đồng. Bởi vậy, tăng cường công tác nghiên cứu, hướng dẫn và quản lý lễ hội theo hướng tôn trọng các giá trị truyền thống, hướng thiện, tổ chức an toàn, nề nếp là yêu cầu đặt ra thường xuyên đối với các cấp chính quyền, nhất là đối với các cơ quan văn hóa. Chỉ có như vậy thì mỗi khi đâu đó có lễ hội, mới rộn lên không khí náo nức, hăm hở và trang nghiêm của cả cộng đồng, mọi nhà, mọi người!
T.V