Trách nhiệm của người đại biểu dân cử

26/12/2012 17:44

(Baonghean) - Với 95,18% số phiếu tán thành, Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (gồm 49 chức danh).

Quốc hội đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan trong bộ máy lãnh đạo; góp phần tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, là một cách để củng cố chính quyền nhân dân vững mạnh, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (Khoá XI) của Đảng; giúp cho nguời được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được trách nhiệm để phấn đấu, rèn luyện nâng cao hiệu quả công tác.

Vậy, với trách nhiệm chính trị của mình, các đại biểu Quốc hội và HĐND họ sẽ thể hiện chính kiến như thế nào đối với các chức danh do mình bầu ra?

Đây không chỉ là quyền đánh giá của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, mà còn là nghĩa vụ chính trị của đại biểu. Họ phải có nghĩa vụ đánh giá và nêu chính kiến rõ ràng của mình để khi mà các "công bộc" của dân có khuyết điểm phải bị miễn nhiệm, bãi nhiệm và tự giác từ chức. Liệu các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có đủ năng lực để đánh giá khách quan không, có thay thế được những người không đủ tín nhiệm nữa không. Đại biểu có đồng ý hay không đồng ý bỏ phiếu bãi nhiệm, miễn nhiệm...

Để thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không trở thành hình thức, ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để lấy phiếu tín nhiệm, cần phải có thêm cơ chế giám sát việc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực thi bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi chỉ số tín nhiệm đó là điều quan trọng nhất, buộc những người có tín nhiệm thấp tự nhận thấy không đủ uy tín và năng lực để điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương mình, phải tìm cách tốt nhất cho bản thân trong danh dự, trong văn hoá, đấy là tuyên bố từ chức, cái đó mới là cơ bản. Dân chủ đang là một nhu cầu, một điều kiện, một xu thế của sự phát triển, sẽ góp phần lựa chọn, sàng lọc, giáo dục, xây dựng đội ngũ công bộc biết đoàn kết, tiến công, tăng tốc, vì lợi ích của dân và của chính mình. “Đánh giá tín nhiệm”, chức danh không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm chính trị của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.


Hoàng Tùng (Bộ CHQS Nghệ An)

Trách nhiệm của người đại biểu dân cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO