Trai bản bám rãy

13/03/2014 19:52

(Baonghean) - Chuyện con trai trong các bản vùng cao đi ở rãy nhiều người nghĩ là điều bình thường. Tuy nhiên, không hẳn vậy. Từ nhiều năm nay tại phần lớn các bản vùng cao, con trai lớn lên học xong nếu không đỗ đạt lại cùng nhau tay xách nách mang vào các khu công nghiệp các tỉnh miền Nam hay các bãi vàng kiếm việc làm...

Anh Lương Văn Kiêu cày đất bón phân cho vườn chè.
Anh Lương Văn Kiêu cày đất bón phân cho vườn chè.

Ở bản Tân Hương (Yên Khê - Con Cuông), lại có phần khác. Nhiều thanh niên trẻ trong bản đã chọn mảnh đất quê hương làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Một trong những người đi tiên phong trong phong trào trai bản ở rãy của bản Tân Hương là anh Lương Văn Kiêu. Năm nay, đã bước sang tuổi 32, anh Kiêu cũng đã có 4 năm ở rãy làm trang trại. Từng theo bè bạn vào miền Nam kiếm việc làm gần 1 năm, cảm thấy không phù hợp với cuộc sống xa nhà, anh trở về thôn bản và được bầu bào BCH Chi đoàn thôn bản. Nhờ năng nổ hoạt động phong trào Đoàn, anh sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, lại có một số năm giữ vai trò Bí thư Chi đoàn rồi Phó bản, đại biểu HĐND xã. Nhờ đó, anh có điều kiện thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt chủ trương đường lối của Đảng, các cấp ủy chính quyền. Anh nhận ra chỉ có việc phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mới có thể sớm ổn định!

Từ năm 2010, anh Kiêu quyết định vào thung lũng Tung Pù gây dựng trang trại. Anh làm một chiếc chòi canh nương để ở hẳn trên rãy, quyết chí phải làm cho ra trò. Đây vốn là vùng đất đã được người dân trong bản khai hoang từ hàng chục năm nay. Cây trồng chủ yếu trước nay như ngô, lạc, keo nguyên liệu… vốn chỉ cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Ban đầu, anh trồng 4.000m2 chè đến nay đã cho thu hoạch khá thường xuyên. Cùng năm đó, anh đầu từ trồng 100 gốc cam. Nhờ chịu khó chăm sóc bài bản, trong vụ thu hoạch đầu tiên anh thu về gần 50 triệu đồng. Riêng cây chè, một năm cho 7-8 lần thu hái, mỗi đợt cũng được từ 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm dê, mỗi năm cũng có được từ 3-4 lần xuất chuồng, thu về hàng chục triệu đồng mỗi lần bán dê. Tính sơ bộ, trang trại của anh Kiêu thu lại gần 100 triệu đồng mỗi năm...

Anh chia sẻ, chính cuộc sống công nhân đã giúp anh nghiệm ra một điều, bất cứ ngành sản xuất nào cũng cần áp dụng khoa học kỹ thuật. Nếu mỗi người chịu khó tìm tòi, học hỏi, tạo cho mình một kỷ luật lao động thì sẽ thu được hiệu quả trong công việc. Vì vậy mà trước khi trồng một cây hay nuôi một con gì anh đều tìm hiểu cặn kẽ đặc tính, cách chăm sóc cũng như nhu cầu của thị trường về nông sản đó.

Chúng tôi ghé thăm trang trại của anh vào đầu năm mới Giáp Ngọ. Vườn cam đang ra hoa, tỏa hương thơm ngát hứa hẹn một mùa bội thu. Anh cho biết, mấy ngày trước đã phun xử lý nhện đỏ hại cam. Vườn chè cũng độ nửa tháng nữa là có thế hái lứa đầu năm. Ra tết, thời tiết không thuận lợi, anh phải tăng cường phân bón để cây chè chóng sinh trưởng.

Vài năm trở lại đây, chính quyền xã Yên Khê có chủ trương phát triển vùng trồng cam tại nhiều thôn bản, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu chè. Chủ trương này đã góp phần giữ chân nhiều thanh niên trẻ bán trụ lại quê nhà. Ngoài anh Lương Văn Kiêu, trong bản còn một số chủ trang trại trẻ như Vi Văn Trang, Vi Văn Thoát. Họ đều tìm thấy động lực thực sự trong công việc ở nhà làm rãy.

VI Văn Chôồng

Mới nhất
x
Trai bản bám rãy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO