Xã hội

Trải nghiệm và đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản ở Nghệ An

Công Kiên 28/07/2024 17:17

Chiều 28/7, tại Bảo tàng Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hoạt động trải nghiệm và đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các công ty lữ hành, du lịch và các đơn vị báo chí, truyền thông.

bna_1.jpg
Các đại biểu tham dự hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Công Kiên

Tham dự chương trình, các đại biểu được thưởng thức Chương trình trình diễn Dân ca ví, giặm của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh và trải nghiệm “Khám phá tinh hoa” của Bảo tàng Nghệ An.

bna_2.jpg
Đồng chí Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ nhiệm đề tài phát biểu. Ảnh: Công Kiên

Thực hiện Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt thuyết minh đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, từ năm 2022 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý di tích Nghệ An (đơn vị chủ trì thực hiện đề tài) triển khai thực hiện đề tài nêu trên. Trong đó có nội dung xây dựng mô hình tham quan, trải nghiệm về kinh tế di sản gắn với các loại hình di sản tiêu biểu.

bna_5.jpg
Các em học sinh trải nghiệm làm hương trầm. Ảnh: Công Kiên

Sau khi tiến hành khảo sát tại một số điểm tham quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Ban Chủ nhiệm đề tài thống nhất lựa chọn Bảo tàng Nghệ An và Quảng trường Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, lựa chọn mô hình tham quan, trải nghiệm.

bna_4.jpg
Các em học sinh trải nghiệm làm nồi đất. Ảnh: Công Kiên

Ban Chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn các mô hình trải nghiệm gồm: Tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thực hành trải nghiệm trình diễn Dân ca ví, giặm. Các nghệ nhân, các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm trình diễn và trực tiếp giao lưu với khán giả, du khách tham quan.

Tại Bảo tàng Nghệ An, tổ chức trải nghiệm làm gốm Trù Sơn, hương trầm Quỳ Châu và tương tác với hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng. Tại đây, các nghệ nhân làm nồi đất ở làng nghề nồi đất Trù Sơn và nghệ nhân làm hương trầm Quỳ Châu sẽ thực hành và hướng dẫn cách thức làm ra sản phẩm thủ công truyền thống.

bna_3.jpg
Chương trình biểu diễn Dân ca ví, giặm. Ảnh: Công Kiên

Gắn với các hoạt động này có không gian trải nghiệm, trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống và các mô hình trải nghiệm nghề làm hương trầm, nghề làm nồi đất để du khách có thể trải nghiệm tương tác và mua sản phẩm đó mang về như một món quà lưu niệm.

Mô hình trải nghiệm này được thực hiện thành công sẽ góp phần đa dạng hóa các hoạt động tại bảo tàng nhằm thu hút du khách đến với Bảo tàng Nghệ An ngày càng đông; nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời, từng bước nhân rộng mô hình tại các bảo tàng, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

bna_6.jpg
Đại diện Công ty Vietravel, chi nhánh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Công Kiên

Sau khi trải nghiệm các hoạt động, Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản, thuộc đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Phần lớn ý kiến của các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài và triển vọng trong phát triển kinh tế di sản. Thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền, quảng bá để thu hút du khách trải nghiệm sản phẩm, tăng nguồn thu nhập…

Mới nhất

x
Trải nghiệm và đánh giá mô hình thí điểm phát triển kinh tế di sản ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO