Khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch Cửa Lò

Thanh Hiền 12/02/2024 17:52

(Baonghean.vn) - Là thị xã du lịch nổi tiếng có bãi cát đẹp, nước biển trong xanh và ẩm thực hấp dẫn, Cửa Lò còn thu hút du khách nhờ dày dặn các di sản văn hóa đậm bản sắc xứ Nghệ và hồn quê Việt nói chung.

Di sản văn hóa song hành cùng du lịch

Thị xã Cửa Lò hiện có 40 di sản văn hóa vật thể đã được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng gồm 4 di tích Quốc gia (đền Vạn Lộc; nhà thờ họ Hoàng Văn; đền Mai Bảng; nhà thờ, khu lăng mộ Nguyễn Trọng Đạt) và 9 di tích cấp tỉnh.

bna-chua-lo-son-khoi-6-phuong-nghi-tan-anh-huy-thu-1875.jpg
Chùa Lô Sơn (khối 6, phường Nghi Tân). Ảnh: Huy Thư

Hằng năm, UBND thị xã khảo sát, rà soát thực trạng các di tích xuống cấp, hư hỏng để xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo, trình cấp có thẩm quyền cấp vốn hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nguồn tu bổ, tôn tạo chủ yếu thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Từ đó, hoạt động tôn tạo di tích đã chuyển sang một bước ngoặt mới, làm cho bộ mặt các di tích thực sự khởi sắc; cụ thể như đền Mai Bảng đã thực hiện tu bổ, tôn tạo nhà Thượng điện, Trung điện, mở rộng khuôn viên, mua sắm các đồ tế khí… với gần 7 tỷ đồng; đền Bàu Lối đã tu bổ, tôn tạo nhà Thượng điện, xây dựng tường bao, cổng, đường điện… gần 2,5 tỷ đồng; nhà thờ họ Hoàng Văn được mở rộng khuôn viên, làm đường… gần 1 tỷ đồng. Tất cả được thực hiện bằng 100% nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn thị xã Cửa Lò còn tồn tại và phát triển 6 loại hình với 97 di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở này, thị xã lựa chọn lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu “Lễ hội Đền Yên Lương” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Hiện tại, thị xã Cửa Lò đã được vinh danh 3 Nghệ nhân Ưu tú và 1 Nghệ nhân Dân gian.

bna-den-bau-loi-phuong-nghi-thu-anh-huy-thu-2270.jpg
Đền Bàu Lối (phường Nghi Thu). Ảnh: Huy Thư

Thị xã Cửa Lò có 5 lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ 2-3 năm một lần, có 1 Lễ hội Du lịch được tổ chức thường niên mỗi năm một lần. Đây là những lễ hội truyền thống văn hóa tiêu biểu của địa phương phục vụ phát triển du lịch. Các lễ hội này đều dựa trên nguyên tắc bảo tồn giá trị truyền thống, loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, khai thác tiềm năng của lễ hội để phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ giá trị chân thực của lễ hội.

Lễ hội ở TX .Cửa Lò đang từng bước tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, kích thích ngành Du lịch phát triển. Điều đó được minh chứng qua số lượng khách du lịch ngày càng tăng, thời gian lưu trú của du khách ngày càng dài, là nền tảng để mở rộng dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu cho địa phương (khi khách du lịch đến với lễ hội sẽ kéo theo các nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí… là cơ sở để phát triển các ngành dịch vụ: dịch vụ tour, dịch vụ di chuyển, lưu trú, ẩm thực, mua sắm…).

Ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Cửa Lò

bna-den-mai-bang-phuong-nghi-thuy-anh-huy-thu-9522.jpg
Đền Mai Bảng (phường Nghi Thủy). Ảnh: Huy Thư

Các ngành dịch vụ phát triển đã tạo ra việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng tăng, lực lượng lao động trong ngành Du lịch cũng từ đó từng bước được đào tạo hướng đến sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ du khách với phong cách, thái độ tận tình chu đáo, văn minh, lịch sự.

Những chính sách dài hơi

Những năm qua, UBND thị xã Cửa Lò đã chỉ đạo UBND các phường triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Tổ chức rà soát, kiện toàn các ban quản lý di tích đồng thời ban hành nội quy, quy chế hoạt động. Các di tích lịch sử, văn hóa được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng trộm cắp hiện vật, cháy nổ, an ninh trật tự tại di tích.

bna-den-van-loc-nghi-tan-anh-huy-thu-2047.jpg
Đền Vạn Lộc (Nghi Tân). Ảnh: Huy Thư

UBND các phường, ban quản lý các di tích luôn có báo cáo kịp thời tình hình hoạt động, các sự cố xuống cấp của các di tích về UBND thị xã để có chỉ đạo và biện pháp xử lý bảo vệ di tích trước khi có văn bản báo cáo lên cấp trên.

Để bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thị xã đã xây dựng chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cung cấp thông tin, trang bị những kiến thức cơ bản, các kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp tham gia một cách có hiệu quả vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; để doanh nghiệp thấy được vai trò của mình trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc biệt là vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa của địa phương.

bna_cưa lo (1).JPG
Lễ hội hoa đăng Cửa Lò thu hút hàng ngàn du khách tham gia. Ảnh tư liệu Đình Tuyên

Đồng thời, thị xã cũng đã xây dựng quy định đối với các doanh nghiệp được hưởng lợi từ di sản phải có kế hoạch đầu tư trở lại vào việc bảo tồn di sản như một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự nguyện trích một phần những khoản thu được từ khai thác di sản để quay ngược trở lại đóng góp và thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và gìn giữ di sản.

Với sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa, thời gian qua, thị xã đã thu hút đông đảo khách du lịch, người dân địa phương; trung bình tại các điểm di tích trọng điểm trên địa bàn (như đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, đền Bàu Lối…) mỗi năm có khoảng 15 triệu lượt du khách đến thăm viếng. Có thể khẳng định rằng, di sản văn hóa ở Cửa Lò có giá trị to lớn về nhiều mặt, là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác và phát triển du lịch bền vững.

Ông Hoàng Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò

Với sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa, thời gian qua, thị xã đã thu hút đông đảo khách du lịch, người dân địa phương; trung bình tại các điểm di tích trọng điểm trên địa bàn (như đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, đền Bàu Lối…) mỗi năm có khoảng 15 triệu lượt du khách đến thăm viếng. Có thể khẳng định rằng, di sản văn hóa ở Cửa Lò có giá trị to lớn về nhiều mặt, là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác và phát triển du lịch bền vững.

bna-bai-bien-cua-lo-anh-sach-nguyen-5730.jpg
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Sách Nguyễn

Cùng với sự hấp dẫn của “thiên đường nghỉ dưỡng biển”, du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian một vùng đất đang là xu hướng mới được nhiều đối tượng khách lựa chọn khi về với Cửa Lò. Điều này không những đem lại các lợi ích kinh tế, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, lễ hội truyền thống.

Lượng khách du lịch, hành hương liên tục tăng qua các năm là bằng chứng cho thấy Cửa Lò đang trở thành một địa chỉ thân thiện, gần gũi, an yên cho tâm hồn mỗi người dân khi tới đây./.

Mới nhất

x
Khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch Cửa Lò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO