(Baonghean) - Dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, Trại tạm giam Nghi Kim có 35 phạm nhân được xét đặc xá trước thời hạn. với chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, những nỗ lực, rèn luyện, tu dưỡng của các phạm nhân đã được ghi nhận. hiện nay, công việc chuẩn bị cho đặc xá ở trại tạm giam Nghi Kim cơ bản hoàn tất.
Tôi đến Trại tạm giam Nghi Kim vào những ngày trung tuần tháng 7 của mùa Vu lan. Đại úy Trần Xuân Thắng - cán bộ phụ trách giáo dục của trại dẫn tôi đi ngang qua những dãy hành lang hẹp và đến trước cửa một buồng giam. Không một phạm nhân nào biết sự có mặt của chúng tôi, cho dù họ chỉ cách cánh cửa mở toang vài sải tay. Tất cả đang chú ý vào chiếc máy thu hình và không ngừng bàn luận về chương trình đang phát sóng. Trên những gương mặt thô ráp không còn biểu hiện của sự gian manh hay u uất. Thay vào đó là sự cởi mở, hoạt bát như chưa bao giờ biết đến 2 chữ “tù tội”. Đại úy Trần Xuân Thắng cho biết, ngoài những buồng biệt giam, còn lại ở Trại tạm giam Nghi Kim, buồng nào cũng có ti vi, báo chí. Có những phạm nhân khi còn ở ngoài xã hội chưa bao giờ biết đến một trang báo, một bản tin truyền hình nhưng điều đó đã được thay đổi kể từ khi vào trại. Xem ti vi, đọc báo cũng là cách để phạm nhân được tiếp cận cuộc sống, nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi, hội tụ đủ điều kiện trước khi trở lại hòa nhập với cộng đồng.
![]() |
Đại úy Trần Xuân Thắng phổ biến kiến thức, kỹ năng cho những học viên
được đặc xá dịp 2/9/2013.
Trong một không gian khác của Trại tạm giam Nghi Kim, Đại úy Trần Xuân Thắng dẫn tôi đến lớp học và những học viên do anh phụ trách. Đó là khóa học dành cho những phạm nhân được đặc xá trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 năm nay. 35 người được đặc xá là 35 mảnh đời, 35 số phận, 35 kiểu phạm tội. Họ chỉ có chung một điểm đó là nhận thức về tội lỗi mình đã gây ra và không ngừng rèn luyện, phấn đấu, sửa chữa để được có mặt tại lớp học này. Lớp học nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các phạm nhân trước khi hòa nhập với cộng đồng. Tôi đến ngồi cạnh người phụ nữ duy nhất của lớp học khi chị vẫn say sưa ghi chép về “Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga – phạm nhân nữ duy nhất được đặc xá năm nay của Trại tạm giam Nghi Kim, vuốt lọn tóc dài vương trên má, chị nói: “Đây là một trong những nội dung, kiến thức của khóa học cán bộ ạ!”. Trước mỗi đợt đặc xá hoặc giảm án, các trại giam đều tổ chức các khóa học cho phạm nhân. Chương trình tập trung vào 3 chủ đề lớn là: giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng sống. Trong đó, có những nội dung như: giữ gìn trật tự an toàn xã hội, ATGT, TTATGT, Luật cư trú, kỹ năng tìm kiếm việc làm, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, lớp học còn thông tin những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và đặc thù mỗi địa phương. Trên cơ sở đó khi trở về cộng đồng, các học viên sẽ không bị bỡ ngỡ và có các hành vi ứng xử phù hợp.
Trại tạm giam Nghi Kim hiện đang giam giữ, quản lý, giáo dục 155 phạm nhân các loại. Và 35 phạm nhân được đề nghị đặc xá năm nay, người nhiều tuổi nhất 55 tuổi, ít nhất là 20. Phạm nhân Nguyễn Thị Hồng Nga bị truy tố và xét xử với tội danh: lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Sau gần 2 năm được cải tạo, giáo dục, với những cố gắng, rèn luyện bản thân trong quá trình thụ án, Nga đang đứng trước ngưỡng cửa được trở về với gia đình. Ở đó, chị có một tổ ấm với những đứa con ngoan đang chờ mẹ trở về. Không dấu được những giọt nước mắt lăn dài trên má, Hồng Nga thổn thức: “Chỉ mong các con tha thứ cho sai lầm của mẹ”. Phải! Những phạm nhân có thể được hưởng những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, được xã hội tha thứ, nhưng những người mẹ, người cha sẽ khó thôi day dứt trước con trẻ với bước đi lạc lối của đời mình.
Nguyễn Bá Lung đã không còn là một ông giám đốc đường bệ như cách nay hơn 5 năm. Cái danh “sếp Lung” mãi là một nỗi ám ảnh với chính ông. 42 tháng tù cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hẳn đã là bài học đắt giá cho phạm nhân Nguyễn Bá Lung khi vừa bước qua tuổi 50. Đã không còn sự giảo hoạt của vị giám đốc năm nào, Nguyễn Bá Lung của hôm nay cởi mở: “Ở ngoài vặn sai ren thì vào đây vặn cho đúng anh ạ! Chỉ thương vợ tảo tần chưa một ngày được có nụ cười trọn vẹn”. Vẫn còn nhiều cơ hội cho những người biết sửa chữa sai lầm của đời mình. “Quan trọng là họ đã nhận ra điều đó” – Thượng tá Trần Thăng Long – Giám thị Trại tạm giam Nghi Kim đã nói như vậy.
Cũng theo Thượng tá Trần Thăng Long, trước khi chốt danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá cho 35 phạm nhân, Trại tạm giam Nghi Kim đã niêm yết công khai chủ trương, tiêu chuẩn đặc xá tại các buồng giam. Danh sách đặc xá ngoài việc dựa trên kết quả đánh giá, xếp loại của Trại hàng tháng, hằng quý còn được các phạm nhân bình bầu. Các hoạt động như giáo dục, cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu, giấy đi đường đều đã được thực hiện đồng bộ.
Bên cạnh đó, khác với những đợt đặc xá, giảm án lần trước, lần này để tạo điều kiện tốt nhất cho phạm nhân trước khi ra khỏi cổng trại, Trại tạm giam Nghi Kim tiến hành đo và mua quần áo cho phạm nhân theo kích cỡ. Qua đó tránh tình trạng như trước đây, người thì chật quá, người thì rộng quá. Chỉ một chi tiết nhỏ này song có ý nghĩa động viên rất lớn đối với những người đứng trước ngưỡng trở lại làm một công dân. Tiền tàu xe, tiền ăn và tiền chi tiêu khi đi đường cũng được Trại tính toán kỹ càng cho mọi người được trở về nhà thuận lợi nhất. Công tác chuẩn bị cho đặc xá tại Trại tạm giam Nghi Kim đã sẵn sàng. Tất cả chỉ chờ ngày công bố quyết định. Mong những điều tốt đẹp sẽ đến sau những lầm lỗi.