Pháp luật

Trạm biến áp chưa có điện vì chờ... đường dây?

Tiến Đông 27/06/2024 19:54

Hơn 5 năm sau khi được ký quyết định phê duyệt đầu tư, Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ đã xây dựng xong. Điều đáng nói là đến nay hệ thống cột và đường dây đi qua huyện Đô Lương vẫn chưa hoàn thiện, khiến cho việc đấu nối để vận hành chưa thực hiện được.

Dự án cấp thiết

Dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 21/1/2019 tại Quyết định số 103/QĐ-BCT, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật vào ngày 6/12/2020. Đây là dự án thuộc nhóm B, công trình năng lượng cấp II, do Ban quản lý dự án lưới điện, thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 182 tỷ đồng.

bna_tram.jpg
Trạm điện 110kV tại xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Tiến Đông

Dự án có tổng chiều dài 26,074 km, đi qua các xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) và Xuân Sơn, Lạc Sơn, Thịnh Sơn, Văn Sơn, Đông Sơn, Giang Sơn Đông của huyện Đô Lương. Đây là trạm thuộc danh mục dự án lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức (kfW3).

Đặc biệt, Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ được xây dựng mới theo mô hình trạm không người trực và được thiết kế với quy mô 2 máy biến áp 40MVA (giai đoạn đầu lắp trước một máy). Riêng hệ thống đường dây thì sẽ xây dựng mới đường dây 110kV từ trạm 220kV Đô Lương về trạm 110kV Tân Kỳ, trong đó đoạn 2 mạch dài 22,704 km, đoạn 3 mạch treo dây 2 mạch dài 3,37km.

Dự án này sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phụ tải tại địa bàn huyện Tân Kỳ và khu vực lân cận của tỉnh Nghệ An; giảm bán kính cấp điện lưới trung áp; giảm tổn thất điện năng trên đường dây và giảm tải cho các Trạm biến áp 110kV Đô Lương, Trạm biến áp 110kV Nghĩa Đàn.

Việc xây dựng và đưa dự án vào vận hành sẽ nâng cao hệ số an toàn, ổn định hệ thống điện và tạo tiền đề để từng bước phát triển lưới điện phân phối thông minh tại khu vực đông dân cư trong các thành phố/thị xã vừa và nhỏ.

Bên trong
Bên trong Trạm điện 110kV Tân Kỳ. Ảnh: Tiến Đông

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 24/11/2021, tại xã Kỳ Tân nơi đặt Trạm biến áp 110kV, Ban Quản lý Dự án lưới điện - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phối hợp với Công ty Điện lực Nghệ An và nhà thầu thi công tổ chức Lễ khởi công dự án. Thời điểm đó, dự kiến dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp 19/5/2022. Người dân Tân Kỳ đã rất vui mừng trước việc dự án được khởi công, bởi địa phương này luôn chịu cảnh điện "phập phù" vì đứng cuối nguồn.

Vậy nhưng, dù đã khởi công gần 3 năm, và Trạm biến áp phía Tân Kỳ đã xây dựng xong, nhưng do hệ thống cột, đường dây đang vướng mặt bằng ở Đô Lương nên chưa thể hoàn thiện và đưa vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Dự án này là niềm mong mỏi của người dân Tân Kỳ và các khu vực phụ cận. Có điện lưới ổn định thì Tân Kỳ mới hi vọng có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư.

Bây giờ thu hút đầu tư về mà điện lúc nào cũng đứng trước tình trạng quá tải, không ổn định thì sao nhà đầu tư có thể yên tâm?

Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ

bna_ong-nguyen-van-thuc-pct-ubnd-huyen-tan-ky-5151b0bc2f632d99e4fcaebf49fce9e3(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ kiến nghị sớm hoàn thiện Dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ để đưa vào vận hành. Ảnh: Tiến Đông

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân Tân Kỳ cũng đã kiến nghị với HĐND các cấp sớm đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho khu vực này. Nhiều lần chủ đầu tư và chính quyền địa phương cũng đã tiến hành họp bàn các phương án, nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được hết các nút thắt.

Cần sớm hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển mục đích sử dụng đất rừng

Từ băn khoăn của Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Thực, chúng tôi đã thực hiện chuyến khảo sát dọc tuyến đường dây 110kV đi qua. Tại xóm 6, xã Kỳ Tân, hiện Trạm biến áp đã cơ bản hoàn thiện, hệ thống cột, dây dẫn vào trạm cũng đã được lắp đặt.

Đi xuống phía Đô Lương, đến nay chỉ mới thi công xong 67/78 vị trí móng cột, còn 11 vị trí móng cột tại các xã Văn Sơn, Đông Sơn, Hồng Sơn, Giang Sơn Đông đã bộc lộ những bất cập nên chưa thể thi công.

Hệ thống lưới điện hạ áp đã có nhưng phải chờ
Hệ thống lưới điện hạ áp phía sau Trạm 110kV đã có nhưng phải chờ xong dự án mới có thể đóng điện. Ảnh: Tiến Đông

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc ngày 4/3/2024 để nghe về tiến độ và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án lưới điện 110kV đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cũng đã giao cho UBND huyện Đô Lương chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị liên quan thống nhất phương án, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Riêng đối với đoạn tuyến đi qua xã Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao UBND huyện Đô Lương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu vi chỉnh một số vị trí cột, điều chỉnh giải pháp thiết kế, nâng cao chiều cao tĩnh không để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến dự án Trồng cây gỗ dổi kết hợp giáo dục trải nghiệm và du lịch sinh thái tại xã Văn Sơn và Thịnh Sơn, huyện Đô Lương và công trình khác liên quan...

bna_cot.jpg
Một số cột điện đi qua địa bàn xã Văn Sơn đã được dựng nhưng chưa kéo dây. Ảnh: Tiến Đông

Dù vậy, theo ông Nguyễn Trọng Hợi - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Đô Lương, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo huyện phối hợp với Chủ đầu tư để thống nhất một số điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ. Thế nhưng, đến thời điểm này, Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ. Nhất là tại vị trí cột số 33 đến 37 thuộc xã Văn Sơn (đi qua Dự án trồng cây gỗ dổi kết hợp giáo dục trải nghiệm và du lịch sinh thái tại xã Văn Sơn và xã Thịnh Sơn), hiện nay chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh nên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện chưa có căn cứ để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói, tại một số vị trí cột ở các xã Văn Sơn, Đông Sơn, để chắc chắn rằng các khu vực bị ảnh hưởng không nằm trong diện tích rừng tự nhiên, UBND huyện Đô Lương cũng đã có công văn đề nghị Hạt Kiểm lâm Đô Lương kiểm tra. Kết quả, các vị trí này đều nằm trong diện tích rừng trồng.

Thậm chí, một số móng cột thuộc địa bàn xã Đông Sơn, Hồng Sơn, phía Chủ đầu tư cũng đã tạm ứng kinh phí chi trả trước cho các hộ bị ảnh hưởng để thi công tại thực địa, (Đông Sơn có 4 hộ với hơn 19 triệu đồng; Hồng Sơn có 1 hộ hơn 13 triệu đồng). Hay ở Giang Sơn Đông cũng đã lập được dự thảo phương án bồi thường cho 7 hộ dân với tổng số tiền gần 38 triệu đồng.

Theo đại diện Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Đô Lương thì do các vị trí cột này ảnh hưởng đến đất rừng nhưng chưa được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nên chưa có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài ra, còn có 90.659,1m2 đất rừng bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn lưới điện cũng chưa được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất.

bna_1(1).jpg
Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ nằm gần đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Đông

Liên quan đến phần diện tích đất rừng bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Phía huyện cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua chuyển mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện xong.

Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 thuộc hợp phần phát triển hệ thống lưới điện Quốc gia thì việc thực hiện Dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ là cần thiết.

Mới nhất
x
Trạm biến áp chưa có điện vì chờ... đường dây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO