Trăn trở cùng dân ca

04/01/2013 20:29

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca xứ Nghệ những năm gần đây đang được đẩy mạnh, nhằm hướng tới mục tiêu: Năm 2015, dân ca xứ Nghệ sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, vẫn còn không ít những trăn trở, những nỗi niềm.

(Baonghean) - Công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca xứ Nghệ những năm gần đây đang được đẩy mạnh, nhằm hướng tới mục tiêu: Năm 2015, dân ca xứ Nghệ sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, vẫn còn không ít những trăn trở, những nỗi niềm.

Nam Đàn - huyện điểm văn hóa là địa phương có số lượng CLB ví phường vải, dân ca ví, dặm nhiều nhất nhì xứ Nghệ. Thế nhưng, thật khó để khẳng định rằng: các cấp chính quyền rất quan tâm, động viên rất kịp thời cho các hoạt động của các CLB dân ca. Mặc dù ngày 4/11/2006, UBND huyện Nam Đàn đã có Quyết định số 1035/QĐ - UBND về việc ban hành "Đề án bảo tồn và phát huy hát ví phường vải trong dân ca Nghệ Tĩnh" nhưng sau gần 6 năm triển khai, đề án này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, như: chưa hấp dẫn lớp trẻ; đội ngũ làm chuyên môn có tâm huyết, hiểu biết sâu về dân ca còn quá ít; sự tiếp cận giữa cái mới và cái cũ của các thế hệ còn khập khiễng. Một số CLB dân ca ví phường hoạt động chưa liên tục, thường xuyên, đang theo kiểu mùa vụ, tự phát. Nguyên nhân chính là do kinh phí hoạt động của các CLB còn bị động, chủ yếu phụ thuộc vào chính thành viên sinh hoạt trong CLB, chưa có nguồn hỗ trợ từ chính quyền địa phương.



Mới đây, chúng tôi đã về Xuân Hòa, thăm CLB dân ca, ví phường vải do bác Đinh Xuân Tình – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã kiêm chủ nhiệm CLB. Thuận lợi của CLB là có Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Hai (năm nay 90 tuổi) cùng tham gia sinh hoạt, là “linh hồn” của CLB.

Được đánh giá là một trong những CLB hoạt động hiệu quả nhất của Nam Đàn, thế nhưng đến thời điểm này, CLB vẫn hoạt động theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Mặc dù có ban chủ nhiệm nhưng vẫn chưa xây dựng được một quy chế hoạt động cụ thể, vì lý do muốn thuở là thiếu kinh phí. Mỗi lần tham gia biểu diễn, các cụ trong CLB phải tự lo từ A đến Z. Trao đổi với nghệ nhân Nguyễn Thị Hai, biết được niềm trăn trở, day dứt của bà là làm thế nào để CLB được sự quan tâm của chính quyền địa phương, dù chỉ là một bữa liên hoan nho nhỏ sau những thành công của CLB; làm thế nào để huy động kinh phí cho CLB có thể sinh hoạt định kỳ, dù chỉ mỗi tháng một lần; làm thế nào để lớp trẻ ngày càng yêu thích dân ca giống như các cụ ngày xưa…? Còn theo cụ bà Hồ Thị Mão thì niềm đam mê của các thành viên trong CLB có thừa. Những đợt tập luyện chuẩn bị cho Liên hoan tiếng hát Làng Sen hay biểu diễn nhân ngày Hội Người cao tuổi, các cụ vẫn cần mẫn tập ngày, tập đêm với mong ước làm sao truyền dạy được nhiều làn điệu dân ca cho lớp con cháu, sáng tác được những lời mới trên âm nhạc dân ca… khi đó dân ca mới có thể đi vào cuộc sống, mới phát huy hết những cái hay, cái đẹp của giai điệu quê hương.

Trao đổi với ông Trần Văn Sinh, cán bộ văn hóa xã Xuân Hòa, được biết, thực ra thời gian qua, chính quyền địa phương cũng chưa có cơ chế, chính sách hay hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của CLB dân ca Xuân Hòa, một phần do kinh phí của xã hạn hẹp, một phần cán bộ văn hóa xã cũng chưa tham mưu, đôn đốc, sát sao trong vấn đề này. Vì thế, trong quá trình hoạt động, CLB còn gặp rất nhiều khó khăn. Sắp tới, với vai trò trách nhiệm của mình, cán bộ văn hóa xã sẽ tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền hỗ trợ kinh phí cụ thể để CLB hoạt động thường xuyên hơn. Dù không nhiều nhưng đó cũng là động thái để động viên, khuyến khích các thành viên trong CLB hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Với bác Chu Văn Tỵ (63 tuổi) ở CLB dân ca Cát Văn – Thanh Chương, tác giả của hơn 20 tác phẩm dân ca, là người tiên phong trong vận động các thành viên trong CLB cùng tham gia đóng góp kinh phí để mua đạo cụ tập luyện, thì để dân ca sống mãi với thời gian, để khơi dậy trong lớp trẻ biết hát dân ca là điều mà bác luôn đau đáu trong lòng. Thế hệ những nghệ nhân hát dân ca bây giờ còn lại rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, điều khiến bác trăn trở nhất, đó là các cấp liên quan nên có cơ chế khuyến khích, đào tạo, phát hiện tài năng hát dân ca ngay từ cơ sở.

Bên cạnh những địa phương chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, động viên các CLB dân ca thì một số huyện như Diễn Châu đã có cách làm có thể nhân ra diện rộng. Ông Võ Minh Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Diễn Châu cho biết: Mỗi CLB dân ca sau khi thành lập sẽ được huyện đầu tư 3 triệu đồng để mua nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Đồng thời hàng năm mở lớp tập huấn cho hội viên, cho chủ nhiệm các CLB. Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thành lập thêm một số CLB ở cơ sở và có cơ chế, chính sách phù hợp cho các câu lạc bộ này duy trì hoạt động và phát triển.

Có thể khẳng định rằng, sau một thời gian mai một, những năm gần đây, dân ca đã thực sự được người dân đón nhận. Hiện nay, dân ca xứ Nghệ rất được các em học sinh, các bà, các mẹ yêu thích – đó là điều đáng mừng. Và đáng mừng hơn nữa là các CLB dân ca ra đời, hoạt động và phát triển đều hoàn toàn tự nguyện (tự góp kinh phí, tự xây dựng chương trình, tự sáng tác lời mới) – những thành viên này đều là những người dân lao động ở các miền quê mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong lúc chính quyền huyện, xã chưa hề có một chính sách hỗ trợ nào cụ thể cho các CLB. Chính vì lẽ đó mà hầu hết các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh ta đang hoạt động theo kiểu thời vụ.

Để bảo tồn, phát huy dân ca không phải ngày một, ngày hai có thể thực hiện được, mà phải có thời gian, phải triển khai từng bước một và điều quan trọng là phải có định hướng, chế tài, chính sách cụ thể cho từng lộ trình. Để những CLB đó hoạt động bền vững, thường xuyên, để từng bước dân ca trở thành sản phẩm du lịch như quan họ Bắc Ninh, như nhã nhạc cung đình Huế… chúng ta cũng cần phải có sự đầu tư tương xứng. Trước mắt, có thể hình thành tại Khu di tích Kim Liên, tại Thị xã biển Cửa Lò, Bãi Lữ … những nơi thường xuyên có đông du khách một đội dân ca chuyên phục vụ khách du lịch. Sau nữa là cần huy động xã hội hóa cho hoạt động của các CLB dân ca – mạch nguồn của tâm hồn xứ Nghệ.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Trăn trở cùng dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO