Trăn trở phát triển kinh tế trang trại
(Baonghean) - Sau 5 năm ở nước ngoài kinh doanh khó khăn, thua lỗ nên trắng tay khi về nước. Thất bại trên đất khách, quê người là bài học để anh Cao Tiến Sơn (xã Lam Sơn - Đô Lương) rút kinh nghiệm, quyết tâm vượt lên làm giàu tại quê hương.
Anh Cao Tiến Sơn đầu tư nuôi lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Anh Sơn kể lại: “Vì không có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư kinh tế trang trại, nên khi nhận 2 ha đất đồi và đập nước rất thuận lợi. Mừng vì được nhận đất khoán của xã, nhưng cũng rất lo vì làm gì có hiệu quả nhất để lấy ngắn nuôi dài? Bởi vậy phải tính toán, lựa chọn cách làm phù hợp và sau nhiều đêm suy nghĩ, quyết định chọn cách đầu tư chăn nuôi lợn rừng và cá thịt. Sở dĩ lựa chọn như vậy là vì nuôi lợn rừng không bị “đụng hàng” với những mô hình chăn nuôi khác trong vùng, hơn nữa lại nâng cao được giá trị. Còn nuôi cá ở đập bán rẻ hơn thị trường một chút thì người mua sẽ vào tận nơi cân cá… Phải tạo ra vòng quay nhanh cho đồng vốn, bằng cách nuôi những loại giống ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao và điều quan trọng nữa là phải có thu hoạch “rải vụ” để khỏi bị mất giá”.
Chọn nuôi lợn rừng tuy không mới ở các huyện miền núi vùng cao, nhưng ở Đô Lương và vùng lân cận được xem là cách đầu tư làm ăn rất năng động, dễ tạo dựng được thương hiệu, đặc biệt là thị trường tiêu thụ rất lớn. Bởi vậy, ngay từ khi nhận đất là trang trại, anh Sơn đã dành một khoản tiền hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn rừng rộng hơn 200 m2 kết hợp khoanh vùng đất đồi ở Chọ Môn để thả rông lợn. Anh Sơn lên tận các huyện miền núi xem các mô hình chăn nuôi, học tập cách làm ăn, rồi ra Ninh Bình mua con giống (lợn giống Thái Lan). Sự học hỏi, đầu tư chăn nuôi rất nghiêm túc, khoa học đã nhanh chóng giúp cho anh Sơn thành công và nổi tiếng trong vùng về chăn nuôi lợn rừng. Do không cho ăn thức ăn tăng trọng, mà phần lớn sử dụng thực phẩm của gia đình tự sản xuất ở trang trại, như sắn, cây chuối, cỏ… và thêm cám ngô, cám gạo nên lợn rừng lớn nhanh, thịt ngon, thu hút nhiều khách hàng. Nhu cầu tiêu thụ lợn rừng ngày càng lớn, nhất là vào các dịp lễ, tết lượng khách hàng tăng đột biến, nên anh Sơn đã tăng đàn nuôi thêm hàng chục con. Bây giờ khách hàng ở dưới Vinh và các huyện khác biết tiếng đặt hàng qua điện thoại đều được anh Sơn gửi qua xe ô tô đưa hàng đến đúng địa chỉ.
Anh Sơn cho biết: “Tại trang trại hiện nuôi 50 con lợn rừng phục vụ cho nhu cầu của khách hàng vào dịp ngày lễ, tết sắp tới. Giá bán hiện nay là 150 nghìn đồng/kg và mỗi con lợn rừng khi xuất bán nặng 20 - 30 kg. Nuôi lợn rừng tuy vất vả, nhưng nhờ tự túc được phần lớn thực phẩm chăn nuôi nên cũng có lãi. Từ nguồn lợi này, gia đình tiếp tục đầu tư phát triển thêm đàn lợn rừng và mở rộng nghề chăn nuôi với nhiều loại như 200 con gà cỏ, hơn 300 con ngan, hơn 30 con dê và nuôi thêm bò thịt…”.
Hướng phát triển bền vững của mô hình là tập trung chăn nuôi gắn với cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường và 2 lĩnh vực này luôn hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhận thầu của xã Lam Sơn 2 ha trong thời hạn 5 năm, trong đó diện tích đất đồi vùng Chọ Môn chỉ rộng 0,6 ha đầy lau, lách cỏ dại và còn lại 1,4 ha là vùng nước trũng. Ấy vậy mà anh Sơn mạnh tay đầu tư trồng các loại cây dài ngày, đó là trồng 1.000 cây xoan nay đã cao hơn 3 m và một số loại cây rừng khác, đồng thời kết hợp thêm cây sắn, chuối, cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Đặc biệt, anh Sơn không ngần ngại đầu tư tiền của, công sức trong việc đắp đập, chặn nước. Cách làm đó, đã tạo ra hiệu quả rõ rệt về môi trường, cảnh quan sinh thái và thêm nữa là có nguồn thu lớn từ nuôi cá thịt.
Sinh năm 1972, nhưng anh Cao Tiến Sơn mới nhận đất, làm kinh tế trang trại trong vòng 3 năm qua (bắt đầu từ năm 2012). Sự khởi nghiệp muộn màng đó là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình. Anh Sơn chia sẻ: “Sinh ra từ làng quê nghèo, nên phải tự bươn chải với cuộc sống và đã từng lang lang nhiều nơi, làm đủ nghề kiếm sống nhưng vẫn không khá lên được. Năm 2007, quyết định xuất ngoại và sang Cộng hòa Séc để làm ăn với hy vọng đổi đời, nhưng sau 5 năm ở nước ngoài kinh doanh khó khăn, thua lỗ nên trắng tay khi về nước. Thất bại trên đất khách, quê người là bài học để mình rút kinh nghiệm, quyết tâm vượt lên làm giàu tại quê hương. Năm 2012, được chính quyền xã tạo điều kiện cho nhận đất khoán và anh em, họ hàng hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư vào làm trang trại, rồi trong quá trình làm, cán bộ tín dụng ngành ngân hàng thấy được mô hình đầu tư có tính bền vững, nên đã cho vay vốn hàng trăm triệu đầu tư vào đây. Thực tế tổng vốn đầu tư vào trang trại này lên đến gần 1 tỷ đồng và nguồn thu cũng đã tăng theo năm, nhưng là giai đoạn đầu nên lãi không nhiều. Bắt đầu từ năm 2014 này, nguồn thu cũng như lãi từ mô hình này sẽ tăng nhanh và khẳng định được hiệu quả kinh tế, nhưng vấn đề băn khoăn hiện nay là thời gian nhận khoán chỉ còn lại 2 năm nữa và mong muốn được nhận đất lâu dài để yên tâm đầu tư phát triển mô hình”.
Được nhận đất quản lý lâu dài là nguyện vọng chính đáng của ông chủ trang trại Cao Tiến Sơn, và nếu các cấp, ngành liên quan quan tâm, giải quyết kịp thời vấn đề này, thì không những giúp cho anh Sơn yên tâm đầu tư làm kinh tế trạng trại, mà còn là động lực quan trọng để người dân Lam Sơn mạnh dạn nhận đất phát triển kinh tế theo hướng trang trại.
Hoàng Vĩnh