Trăn trở phim dành cho thiếu nhi

13/07/2013 17:07

(Baonghean) - Đã có một thời gian dài, phim thiếu nhi được đưa vào cân đối kế hoạch sản xuất hàng năm của các cơ sở làm phim. Hãng phim truyện Việt Nam có riêng một Xưởng phim thanh thiếu niên. Ơ Hà Nội có rạp Kim Đồng, Tp Hồ Chí Minh có rạp Măng Non và nhiều tỉnh, thành phố khác, các rạp đều có những buổi chiếu dành riêng cho thiếu nhi vào thứ 5 và Chủ nhật. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, mỗi buổi chiếu phim trở thành ngày hội của các em. Phong trào học và làm theo gương điển hình trong phim được đoàn, đội nhiều địa phương phát động, tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho các em.

Thế nhưng, so với phim hoạt hình thì phim truyện thiếu nhi chưa được quan tâm nhiều lắm cả về số lượng và chất lượng. Trong số hàng trăm phim truyện được sản xuất trong mấy chục năm qua cũng chỉ có hơn vài chục phim làm về đề tài thiếu nhi. Và trong số đó đã có phim nào thực sự là phim thiếu nhi, được đối tượng chính của nó quan tâm thích thú?

Một trong những nguyên nhân đầu tiên là việc xác định đối tượng của thể loại phim này không rõ ràng. Có quan niệm cho rằng: cứ có nhân vật chính trong phim là trẻ con thì đó là phim thiếu nhi! Không hẳn là thế, vì khá nhiều phim tác giả chỉ dùng nhân vật thiếu nhi để dẫn dắt câu chuyện là chính, như phim “Em bé Hà Nội”, “Những đứa con”, “Đứa con nuôi”... Lại có những phim được đánh giá là thành công, nhận được giải thưởng ở các liên hoan phim trong nước như: “Ngọn đèn trong mơ”, “Cát bụi hè đường”, “Bọn trẻ”... đều có nhân vật thiếu nhi, nói về chuyện của các em nhưng thực ra mục đích lại nhắm tới các bậc phụ huynh, về những bài học trách nhiệm giáo dục con em mình. Ngược lại, có nhiều phim nhân vật là người lớn nhưng lại được các em chấp nhận và thích thú, như các phim thuộc thể loại thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, phiêu lưu mạo hiểm, phim về những anh hùng, danh nhân... Ngoài giá trị về giải trí, các phim này còn mang đến nhiều điều bổ ích trong nhận thức và giáo dục cho các em.

Vấn đề đặt ra trước hết của tác phẩm phim thiếu nhi phải là phim làm về thiếu nhi và phục vụ chủ yếu cho các em. Nội dung phản ánh được những suy nghĩ, ước mơ, sự ham thích của đối tượng này rồi từ đó mang đến sự giải trí thú vị và ý nghĩa giáo dục cho chúng. Điều tưởng như đơn giản song không phải ai cũng xác định được một cách rõ ràng, vì thế lâu nay phim thiếu nhi của ta còn mắc nhược điểm là mượn nhân vật trẻ em để “áp đặt” những vấn đề của xã hội, của người lớn nhiều hơn là khắc họa hình tượng thiếu nhi rõ nét trên màn ảnh.

Nhân vật thiếu nhi thành “nạn nhân” của những khó khăn, thiếu thốn của đất nước sau chiến tranh, của sự tan vỡ, vô trách nhiệm từ người lớn đối với các em ở gia đình và ngoài xã hội. Đó là những đứa trẻ trong “Cát bụi hè đường”, “Bọn trẻ” (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư); “Ngọn đèn trong mơ” (Đỗ Minh Tuấn); “Nước mắt muộn màng” (Xuân Cường); “Bỏ trốn” (Nhuệ Giang)... nhân vật chính đều là thiếu nhi, nói về các em nhưng vấn đề trong phim lại đặt ra cho người lớn. Vì vậy, quan điểm nhận thức và cảm nhận gần như là “quá tải” đối với các em. Về phương pháp thể hiện của phim, phải chăng vì các tác giả quá chú ý đến việc làm rõ ý nghĩa giáo dục, mà chưa tìm ra được những yếu tố hấp dẫn để thu hút đối tượng thiếu nhi.

Để góp phần vào sự nghiệp “trồng người” như Bác Hồ đã dạy, phim truyện thiếu nhi Việt Nam trước tiên phải là vì các em, dành cho các em, có nội dung và hình thức thể hiện mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chẳng nhẽ bước sang thế kỷ 21, chúng ta cứ để mãi cho những “Tôn Ngộ Không” (Trung Quốc), “Rồng lửa”, “Siêu nhân”, “Khủng long” (Mỹ)... ngự trị trên màn ảnh? Hay để mặc cho các em tự ý lựa chọn những băng kiếm hiệp, võ thuật, ma quái... ở các đại lý băng hình? Rõ ràng, phim truyện thiếu nhi đang cần phải được quan tâm, khai phá, là vấn đề xã hội cần được nghiên cứu đầu tư một cách thích đáng.


Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Mới nhất
x
Trăn trở phim dành cho thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO