Trăn trở Piếng Cắm

30/05/2012 17:16

(Baonghean.vn) - Một năm thiếu đói vài tháng, cả bản sống “chìm” trong nghèo khó, chuyện học hành của con em dở dang. Thật khó để diễn tả hết cuộc sống của người dân bản Piếng Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Sống giữa bốn bề là đại ngàn rừng xanh và những dãy núi đá sừng sững, 60 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu của bản Piếng Cắm chỉ biết quanh quẩn trong những ngôi nhà sàn cũ kỹ nhuốm màu thời gian. Bởi, dân bản cũng chẳng biết làm gì hơn để thoát vòng luẩn quẩn nghèo đói bám riết bao thế hệ, bao gia đình đã “lỡ” chọn mảnh đất khó nhọc này làm quê hương trên con đường thiên di.




Lớp học mần non hết sức tạm bợ tại Piếng Cắm.

Nói như vậy là vì, ngoài trồng ngô, trồng sắn, đồng bào bản Piếng Cắm chẳng biết làm gì hơn. Làm nông nghiệp thì có mùa, có vụ nên lúc nông nhàn, già trẻ trai gái chỉ biết ngồi nhìn nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho sắn, ngô được giá để không lâm vào cảnh khất thực lúc giáp hạt. Vậy nhưng, năm nay sắn mất giá, nét mặt dân bản hằn lên nỗi lo âu cực độ. Ông Lô Văn Xanh tâm sự: Năm nay, mùa giáp hạt chắc chắn đến sớm hơn năm trước. Vụ sắn vừa rồi mất giá, bán cũng không ai mua nên bà con cứ để trên nương cả. Trong khi trồng lúa thì bấp bênh do không có thủy lợi. Trời cho thì ăn mà không cho thì chịu.

Để hiều rõ hơn về cuộc sống khó khăn của đồng bào Piếng Cắm, ông Phó chủ tịch xã Lô Văn Tùng thông báo cho chúng tôi con số thống kê xóa đói giảm nghèo cực kỳ “ấn tượng”. Từ 2007 đến nay, mới chỉ có 4 hộ ở Piếng Cắm thoát nghèo trên tổng số 60 hộ, bản rơi vào tốp nghèo nhất xã nghèo Cắm Muộn. Ông Tùng cho biết: Xã cũng đã tìm nhiều cách giúp Piếng Cắm thoát nghèo nhưng nguồn lực có hạn. Mới đây nhất, năm 2010, lưới điện quốc gia mới kéo về bản. Một số hộ được nhận hỗ trợ trâu bò phát triển kinh tế. Song bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để có thể giúp Piếng Cắm vượt khó vươn lên, chí ít cũng “bằng anh bằng em” trong xã.

Ông Lô Văn Tịnh – nguyên trưởng bản, cho biết: “Bà con Piếng Cắm một năm thiếu đói 3, 4 tháng, tập trung vào các tháng 2, 3, 5, đây là những tháng giáp hạt. Thanh niên trong bản hầu như không theo nổi lên cấp 3. Học xong cấp 2 là nghỉ học vào Nam làm ăn. Mà có học xong thì cũng khó xin được việc, trong bản từ trước đến nay có 1 em học ĐH, 1 em học CĐ, tốt nghiệp ra trường cũng phải đi làm công nhân cả.

Chuyện ăn, chuyện mặc còn chưa đủ nên chuyện học hành của con em cũng bị đặt làm thứ yếu. Ở Piếng Cắm có một lớp mầm non do cô giáo Lô Thị Liêm làm chủ nhiệm với 16 em học sinh theo học. Bên trong lớp học chỉ có những dãy bàn ghế thô sơ, tạm bợ; học cụ của cả cô trò cũng chẳng có gì ngoài bảng đen và phấn trắng. Cơ sở vật chất nghèo nàn thì đã rõ nhưng khó khăn nhất của những người làm giáo dục ở đây chính là việc vận động các gia đình cho em đến lớp. Cô Liêm cho biết: Trường dựng bằng mét, lợp bằng tranh nên mưa là bị dột, bị tạt vào ướt hết cả. Vào mùa đông, sương mù bao phủ từ tối đến 9 giờ sáng, khi đó mới bắt đầu vào học. Nhưng cái khó nhất là nhiều phụ huynh chưa mặn mà cho con em đi học. Vì gia cảnh còn nghèo quá, các cháu đi học vô tình tạo thêm gánh nặng cho ba mẹ. Chúng tôi phải vận động nhiều lắm !

Lô Văn Tùng – Phó Chủ tịch xã Cắm Muộn kiến nghị: Cắm Muộn vẫn là một xã nghèo, tất cả các điều kiện kinh tế, xã hội đều rất khó khăn, đặc biệt tại bản Piếng Cắm. Mong muốn có thêm các nguồn đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho bà con thoát nghèo bền vững./.


Thành Duy

Mới nhất
x
Trăn trở Piếng Cắm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO