Trăn trở với sản phẩm vụ đông

09/11/2014 12:03

(Baonghean) - Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt hàng năm, người dân huyện Nam Đàn từng thờ ơ với sản xuất vụ Đông. Thế nhưng, những năm trở lại đây, bằng nhiều giải pháp tích cực, bà con đã xem vụ Đông là một trong những vụ sản xuất chính.

“Trời làm mất, bắt đất phải đền”

Trời trưa đứng bóng nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Ánh – chị Nguyễn Thị Hương ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn vẫn tỉ mỉ cuốc từng bụi cỏ ở ruộng ngô, sát bãi cát sông Lam. Đây là thửa ngô nếp đang lên hơn 1 gang tay, sau khi xới đất, làm cỏ, hai vợ chồng tính đến việc phải bón thúc để ngô phát triển nhanh hơn, cho thu hoạch sớm với năng suất cao. Tiếp giáp thửa ngô nếp là 3 sào ngô đông sớm đang trổ cờ và 2 sào rau màu được trồng để phục vụ hàng Tết. Anh Ánh cho biết, từ vài năm trở lại đây, người dân bên sông Lam không còn bỏ hoang đất trong vụ đông nữa. Dù điều kiện thời tiết thất thường, nguy cơ mất mùa dễ xảy ra nhưng người dân đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, sử dụng các loại giống ngắn ngày, áp dụng khoa học kỹ thuật để rút ngắn thời gian sản xuất, sớm thu hoạch. “Quan trọng hơn là tư tưởng đổi mới, “trời làm mất, bắt đất phải đền” nên người dân đã mạnh dạn đầu tư, biến vụ đông thành vụ chính và thực tế mang lại hiệu quả rất cao” - anh Ánh tâm sự, đồng thời cho biết, năm 2013, gia đình anh gieo 35kg ngô giống, thu về 30 tấn ngô hạt, thu nhập từ ngô đạt 180 triệu đồng...

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ánh – chị Nguyễn Thị Hương ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn chăm sóc ngô vụ đông.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ánh – chị Nguyễn Thị Hương ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn chăm sóc ngô vụ đông.

Cũng trên bãi bồi sông Lam, chúng tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Kiều, xóm 1, xã Nam Thượng tranh thủ dắm lại ruộng ngô bị chết vì bị úng nước sau đợt mưa lớn. Năm nay, chị Kiều trồng đến 6,5 sào ngô lai vụ đông. Lũ lớn không về, chị Kiều cũng như các hộ dân khác ở xã Nam Thượng tin tưởng sẽ “trúng” vụ ngô đông để bù lại công sức xuống đồng sớm. Vụ đông năm nay, toàn xã Nam Thượng gieo trồng 270ha, gồm 200 ha ngô (phân bố trên đất màu, đất bãi thấp và đất 2 lúa), 5ha khoai lang, 1 ha khoai tây còn lại là các loại rau màu khác. Đặc biệt, xã chủ trương tăng diện tích ngô trên đất hai lúa bằng việc thực hiện hỗ trợ 50% tiền giống cho các hộ sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp cũng linh hoạt cung ứng giống, phân bón để đảm bảo cho bà con gieo trồng đúng lịch thời vụ. Đi dọc vùng 5 Nam, cùng với những bãi ngô sớm đã trổ cờ, những luống rau mầm mới nhú là không khí sản xuất hào hứng của bà con nông dân. Anh Đức, ở xã Nam Kim cho biết, năm nay, lũ không về, gia đình anh đã mạnh dạn trồng ngô trên đất hai lúa và thả cá vụ 3 ở vùng thấp. Cá phát triển rất nhanh, hy vọng sẽ cho thu hoạch được giá vào dịp Tết...

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, huyện Nam Đàn triển khai đề án sản xuất vụ đông sớm, chỉ đạo ngành Nông nghiệp tăng cường theo dõi diện tích, tiến độ sản xuất theo lịch cập nhật 10 ngày/lần. Trên cơ sở đề án chung của huyện, tất cả các xã đều phải xây dựng đề án riêng căn cứ vào thực tế thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Các thôn, xóm căn cứ vào đề án để triển khai. Để khuyến khích người dân sản xuất vụ đông, huyện Nam Đàn có cơ chế hỗ trợ các mô hình sản xuất có diện tích từ 5ha trở lên. Đối với các loại rau màu hàng hóa lần đầu tiên sản xuất trên địa bàn, có quy mô từ 0,5 ha đến 5 ha, huyện sẽ hỗ trợ 50% kinh phí mua giống. Huyện cũng có cơ chế hỗ trợ theo chế độ làm thêm giờ, xăng xe cho cán bộ nông nghiệp xã 500.000 đồng/tháng/xã trong suốt thời vụ sản xuất để theo sát tình hình, hỗ trợ bà con nông dân. Đặc biệt, huyện sẽ có cơ chế thưởng 200.000 đồng/hộ có diện tích ngô đông trên đất 2 lúa từ 3 sào trở lên… Anh Hồ Đình Thắng, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết, vụ đông năm nay, huyện đặt mục tiêu sản xuất từ 6.000 - 6.200 ha gồm hơn 3.000 ha ngô; 50 – 60ha lạc thu đông; 1.700 – 1.900ha rau màu các loại như bí xanh, bí đỏ, hành tăm; 400 - 500 ha khoai lang...

Nông dân đang “bơi tự do”

Nam Đàn có diện tích bờ bãi dọc hai bên bờ sông Lam rất lớn, cùng với sự cần cù của người dân, huyện có thể hướng tới nền sản xuất lớn, trong đó, sản xuất vụ đông được ưu tiên cả về diện tích lẫn sản lượng. Với địa bàn gần Thành phố Vinh, có hệ thống đường giao thông đi lại hết sức thuận tiện, những sản phẩm nông nghiệp dễ tiêu thụ. Thế nhưng, hiện nay, nông dân Nam Đàn đang phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình. Lâu nay, các sản phẩm rau màu vụ đông của huyện phong phú, đa dạng, năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng điệp khúc được mùa, rớt giá liên tục diễn ra. Hiện nay, có rất ít doanh nghiệp thu mua nông sản liên kết với các xã và bà con nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Còn nhớ, năm ngoái, hai xã Hùng Tiến và Khánh Sơn liên kết với một công ty chuyên về nông nghiệp để bao tiêu sản phẩm ớt, xã Nam Tân liên kết để bao tiêu sản phầm cà rốt… Thế nhưng đến nay, việc liên kết đã bị đứt đoạn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Người dân trong huyện còn bàn tán câu chuyện như để rút bài học kinh nghiệm về quá trình liên kết với một công ty Trung Quốc có tên là Bà Bành Bội Tuấn để sản xuất ớt cay; diện tích trồng ớt lên đến 7ha, năng suất ớt tươi bình quân đạt 16 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 112 tấn. Mặc dù vậy, khi ớt chín rộ, công ty chỉ thu mua được lứa đầu với con số ít ỏi là 6,8 tấn. Số ớt còn lại, nông dân phải tự tìm nơi thu mua với giá rẻ mạt, thậm chí phải đổ ra đồng…

Anh Nguyễn Văn Ánh, cán bộ Hợp tác xã Nam Tân cho biết, người dân trong xã đã thử trồng cà rốt, khoai tây, tất cả đều cho năng suất, sản lượng cao, nhưng vào dịp thu hoạch, người dân phải chở ra chợ thị trấn hoặc bày thúng mẹt bán dọc đường. Sản lượng thì nhiều nhưng giá bán chẳng được bao nhiêu. Vụ đông này, rất ít hộ mạnh dạn đưa giống cây trồng mới vào sản xuất vì lo sợ sản phẩm không biết bán cho ai. Từ thực tế ở huyện Nam Đàn, nhìn lên các huyện có thế mạnh về nông nghiệp khác như Anh Sơn hay Quỳnh Lưu, Diễn Châu mới thấy rằng người dân Nam Đàn vẫn đang phải “bơi” tự do trong bài toán đầu ra. Hiện nay, huyện Anh Sơn đã mời gọi được nhiều công ty ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình về tận thôn xóm đặt hàng thu mua bí xanh, bí đỏ, măng tây. Nông dân Quỳnh Lưu đưa rau sạch lên mạng, nông dân Diễn Châu liên kết với các khu công nghiệp chế biến nông sản… Trong khi đó, người dân Nam Đàn vẫn đang phải loay hoay ngồi bên Quốc lộ 46, Quốc lộ 15 bày bán các sản phẩm của mình làm ra.

Một vấn đề nữa đặt ra cho huyện Nam Đàn là chưa tạo được các thương hiệu và các sản phẩm đặc trưng riêng có. Rất nhiều sản phẩm mang lại hiệu quả cao như hoa lý, chanh, rau màu, riềng, sả nhưng chỉ mới là hình thành đặc trưng kiểu truyền miệng, chưa là hàng hóa với đầy đủ nhãn mác, hàm lượng các tiêu chuẩn. Điều này khác xa với huyện Anh Sơn khi họ đã tự xây dựng thương hiệu như cải ngồng Vĩnh Sơn, dưa Tào Sơn, bí Cẩm Sơn… Một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn thừa nhận, các sản phẩm rau màu của huyện vẫn chưa thể len lỏi vào các siêu thị ở Thành phố Vinh, chứ chưa nói đến chuyện vươn ra các địa phương khác. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có mô hình sản xuất rau an toàn nào được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này cũng cho thấy những bất cập trong việc xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng nông sản ở huyện Nam Đàn. Người nông dân “chân lấm, tay bùn” chưa thể tự mình tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm hay tự xây dựng thương hiệu đặc trưng, tự quản lý chất lượng nông sản theo đúng tiêu chuẩn. Đây là vấn đề thực tế ở nhiều địa bàn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các nhà quản lý để cho người nông dân không phải “bơi tự do” với những sản phẩm nông nghiệp được làm ra qua “một sương, hai nắng”...

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Trăn trở với sản phẩm vụ đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO