Trắng đêm vớt "lộc trời"
(Baonghean) - Mấy ngày đầu tháng 10 âm lịch vừa qua, người dân các xã Hưng Nhân, Hưng Lợi (Hưng Nguyên) đổ xô nhau ra đồng, dùng xô, chậu, lưới đứng sáng đêm trên ruộng để vớt rươi. Loài đặc sản đang ngày càng đắt giá này được ví như “lộc trời” ban cho người dân vùng lũ.
1h sáng, trời mưa lất phất, gió lạnh căm căm. Con đường về quê lũ Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên sâu hun hút, lổn nhổn đất đá. Đi hết con đường bê tông đang xuống cấp nghiêm trọng sau những đợt lũ liên tục đổ về, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người dân đầu đội đèn pin, tay cầm xô, vợt, chậu nhựa, nồi sắt hối hả chạy ra phía triền sông. Nước thủy triều dâng cao, ngập băng cánh đồng lúa cạnh mép sông nhưng mọi người vẫn bì bõm lội xuống.
Chỉ khoảng 30 phút sau, phía đồng ruộng bị ngập nước thủy triều bỗng chốc trở nên tấp nập với ánh sáng đèn pin, tiếng chân người chạy thình thịch, tiếng chao của vợt xuống mặt nước hòa lẫn với tiếng gọi nhau í ới râm ran cả cánh đồng xóm 3. Dưới mặt nước, mọi người cố gắng dõi căng mắt, tìm kiếm những con rươi bé xíu, màu trắng nhạt vừa ngoi lên khỏi mặt đất, đang bơi lập lờ. Sau khoảng 5 phút, họ đổ chiến lợi phẩm của mình vào những chiếc xô, chiếc chậu đang để sẵn trên bờ. Rất tỉ mỉ, cẩn trọng, không để rơi một con nào ra ngoài.
“Hôm nay vừa gió, vừa mưa, theo kinh nghiệm, rươi sẽ nổi từ lúc nửa đêm. Ngày trước, vùng bãi bồi cạnh sông này rươi nhiều kinh khủng, không ai quan tâm vì giá rất rẻ nhưng nay thì khác rồi, giá rươi lên đến 380 – 400 ngàn đồng/kg. Rươi lại ít đi nên không kể người lớn hay trẻ con, đàn ông hay phụ nữ, cứ đến hẹn lại ra vớt rươi”, chị Nguyễn Thị Liên ở xóm 3, xã Hưng Nhân cho biết. Xung quanh chị Liên, các gia đình khác cũng huy động hết nhân lực ra đồng vớt rươi. Đến khoảng 2h sáng, khi vùng này cạn rươi họ lại đổ xô đi sang khu vực khác…
Cứ như thế, họ di chuyển đến hết đêm, dọc bãi ruộng ngập nước, ở đâu rươi nổi nhiều thì dừng lại vớt. “Chúng tôi chỉ là những người vớt rươi nghiệp dư thôi, còn người dân các xóm 1, 2, 6, 7, 8 mới là những người chuyên nghiệp bởi đồng lúa của họ được trời ban cho nhiều lộc lắm. Người dân bên đó đang làm giàu từ rươi đấy”, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Lan vừa nói vừa chỉ tay bảo chúng tôi đi về vùng có ánh sáng đèn lấp lóa cách đó 1km.
Theo lời chỉ dẫn của chị Lan, đi qua cánh đồng trồng màu không bị ngập, chúng tôi bước vào “thế giới” của những người săn rươi chuyên nghiệp ở các thửa ruộng cạnh con đường bê tông liên xóm. Vừa mở tấm lưới bằng cước và mấy bó cọc tre khỏi xe đạp, vợ chồng chị Hoa Thị Thảo – anh Hồ Văn Đức ở xóm 7, xã Hưng Nhân vội vàng thay nhau mang cọc tre xuống căng lưới quanh thửa ruộng của mình. Đây là cách làm để rươi trong ruộng nhà không đi sang ruộng khác, không bị tranh chấp. Khoảng 3h30 phút, khi nước thủy triều lên chậm lại, cũng là lúc tất cả các thửa ruộng đều được chăng kín bởi các tấm lưới nhỏ. Mọi người lên bờ chờ đợi nước triều xuống để vớt rươi.
Trong lúc chờ đợi, một số người đàn ông tranh thủ kiểm tra lại những chỗ lưới vừa căng xem có bị rách, bị trổng dưới đáy hay không trong khi chị em phụ nữ ngồi tựa lưng vào nhau chuyện trò. Tuyệt nhiên, không ai nói gì đến chuyện rươi. Một người dân xóm 7 cho biết, trong câu chuyện trên cánh đồng, không ai nói gì đến việc rươi nổi nhiều hay ít, giá cả bao nhiêu là bởi họ cho rằng rươi là “lộc trời” ban, được ít hay nhiều họ cũng nhận cả, vui vẻ ra về. “Dù không nói ra nhưng ai cũng thấp thỏm hi vọng ruộng của mình hôm nay sẽ có rươi”, anh Hồ Văn Phức tâm sự.
Khoảng 30 phút sau, khi nước bắt đầu rút xuống thì trời đổ mưa. Từ giữa đồng, một người đàn ông hô lớn: “Mưa rơi xuống để rươi ngoi lên. Lộc về rồi”. Mọi người vội vã cầm vợt, bật đèn pin lội xuống ruộng, đi dọc chiếc lưới đã căng để vớt rươi mà không quan tâm đến trời mưa, gió rét. Quả thật, “công nghệ” của những người dân ở đây đã đạt đến độ chuyên nghiệp cao. Nhờ có tấm lưới nên rươi nổi lên, trôi theo nước thủy triều và đều bị mắc lại. Chỉ cần đi dọc lưới, dùng vợt vớt là có rươi, thay vì phải chạy từ đám ruộng này sang thửa ruộng khác để tìm rươi.
Người dân Hưng Nhân vớt rươi trong đêm. |
Theo kinh nghiệm, vào những ngày rằm và mùng một của các tháng 10, 11 âm lịch, nếu trời mưa to, gió rét thì rươi càng lên nhiều. Bà con gọi những trận mưa vào ngày này là mưa rươi. Đồng ruộng xóm 1, nằm ở sát mép sông Lam, nước lên sớm và rút muộn nên bà con thường ra đồng đi rươi muộn hơn. Khoảng 4 giờ sáng, họ mới vác lưới ra đồng, vừa dùng vợt để vớt rươi, vừa dùng chiếc rọ chặn ở chỗ nước thủy triều rút vì rươi sau khi nổi lên đều chảy theo dòng nước để ra sông.
Những người vớt rươi cho biết, trước đây, cứ đến ngày rằm và mùng 1 âm lịch của các tháng 10, 11, trên đồng ruộng, rươi nổi nhiều như dệt chiếu, đỏ cả khúc ruộng. Ngày nay, lượng rươi giảm xuống rất nhiều có thể là do ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Mấy năm trở lại nay, trên các cánh đồng lúa có rươi, người dân tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, việc sử dụng các loại phân bón cũng thận trọng hơn bằng cách tăng cường bón phân chuồng, hạn chế phân hóa học như một cách để nuôi rươi trong ruộng của mình…
Theo con nước thủy triều, rươi chỉ nổi trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nên ai cũng vội vàng và quyết không bỏ sót. Khi trời hửng sáng cũng là lúc mọi người dừng tay, thu dọn đồ đạc và hỏi thăm kết quả của nhau. Gia đình chị Thảo – anh Đức chỉ được khoảng nửa ký, gia đình bà Hồ Thị An trúng đậm nhất xóm với hơn 8kg rươi loại ngon, bán được gần 3 triệu đồng. Những gia đình khác cũng lác đác nhà vài kg, nhà dăm lượng, không ai phải tay trắng trở về. Vào những ngày có rươi, vùng quê Hưng Nhân nhộn nhịp hẳn lên. Trời vừa sáng, trên các cánh đồng, người dân đi về như hội. Ở các ngã 3, ngã 4 đường làng, thương lái đã mang cân, thùng xốp đợi sẵn để thu mua. Vì rươi rất đắt giá nên thương lái phải dùng đủ các thủ thuật để kiếm lời. Tất cả các mẻ rươi trước khi đưa lên cân đều được thương lái dùng một tấm đệm mút hút sạch nước, quá trình cân được nhích lên, nhích xuống đến từng gram. Nếu người bán sơ ý, lập tức sẽ bị mất vài lượng rươi ngay trong nháy mắt.
Sau khi lên khỏi ruộng, rươi được thương lái ướp đá trong các thùng xốp. Loài rươi rất lạ, có thể sống được trong môi trường nước đá cả tháng trời vì thế mà rất nhiều quán ăn trên địa bàn huyện Hưng Nguyên luôn có món rươi tươi vào mùa thu đông dù mỗi tháng rươi chỉ lên có 2 lần vào đêm 30, mùng 1 và 14, 15 âm lịch hàng tháng. Từ nhiều năm nay, rươi đã trở thành đặc sản các xã Hưng Nhân, Hưng Lợi, một số xóm ngoài đê của Hưng Long, Hưng Lĩnh. Rươi Hưng Nguyên đã có mặt khắp các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, Vinh, Sài Gòn. Được chế biến thành những món như chả rươi, rươi thuôn, rươi đúc trứng, mắm rươi,…
Chia tay vùng rươi Hưng Nguyên khi trời vừa sáng, chợ rươi hãy còn tấp nập. Chúng tôi có một cảm giác vừa lạ, vừa phấn khởi. Lạ vì được chứng kiến cảnh bà con đi vớt rươi trong đêm, hiểu thêm cuộc đời kì lạ của loài vật này. Vui mừng vì bởi chỉ mới vài tuần trước đây thôi, khu vực cánh đồng rươi hãy còn mênh mông nước bạc. Người dân tất tả chạy lũ, trên các bờ vùng, bờ thửa, các mương máng bê tông, dấu vết của trận lũ vẫn còn nguyên nhưng cũng chính trên cách đồng nước lũ hôm nào, người dân đang đếm từng ngày, chờ con nước thủy triều lên xuống để ra đồng vớt rươi. Lại nhớ đến câu ca dao mà người dân vùng Hưng Nguyên vẫn nhắc từ bao đời nay “Bao giờ cho đến tháng Mười. Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”…
Bài, ảnh: Khoa – Tuấn - Tùng